Chính phủ Nhật Bản ngày 6/9 công bố kết quả một nghiên cứu cho thấy khoảng cách về thu nhập giữa các hộ gia đình ở nước này đã cải thiện nhẹ so với tình trạng cách biệt kỷ lục trước đây.
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, hệ số Gini - thước đo quan trọng về tình trạng bất bình đẳng thu nhập tại Nhật Bản - hiện đạt 0,5594, giảm 0,011 điểm từ mức được ghi nhận trong năm 2014.
Hệ số Gini bằng 1 phản ánh bất bình đẳng ở mức tối đa, khi chỉ một cá nhân sở hữu tất cả thu nhập trong xã hội.
Các nhà khoa học xã hội cho rằng hệ số Gini đứng ở mức 0,4 là lằn ranh nguy hiểm, mà tại đây bất bình đẳng trong thu nhập có thể gây ra bất ổn xã hội.
[Nhật Bản có thể cân bằng cán cân ngân sách vào tài khóa 2027]
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản cho rằng tình trạng bất bình đẳng thu nhập được cải thiện chút ít lần đầu tiên trong 36 năm này có được nhờ thu nhập gia tăng giữa bối cảnh nền kinh tế hồi phục.
Theo kết quả cuộc thăm dò mới nhất dựa trên dữ liệu thu nhập năm 2016, mức thu nhập trung bình trước thuế, các khoản đóng góp vào an sinh xã hội, của tất cả các hộ gia đình Nhật Bản đã tăng 9,3% lên 4,29 triệu yen (khoảng 40.092 USD)/năm.
Mức thu nhập trung bình của các hộ gia đình trên 65 tuổi tăng 5,4% lên khoảng 1 triệu yen. Trong khi đó, thu nhập trung bình của các hộ mẹ đơn thân tăng 23,2% lên 2,37 triệu yen.
Chính phủ Nhật Bản tiến hành nghiên cứu về vấn đề bất bình đẳng thu nhập gần như ba năm một lần, bắt đầu từ năm 1962.
Cuộc nghiên cứu mới nhất này được tiến hành vào tháng 7-8/2017 trên 8.645 hộ gia đình, trong đó, 4.415 hộ gia đình đưa ra câu trả lời hợp lệ./.