Ngày 21/6, Nội các Nhật Bản công bố chính sách kinh tế hằng năm với trọng tâm là gói cải cách lao động nhằm giải quyết những thách thức trong vấn đề nhân khẩu học của nước này và tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng việc làm.
Trong văn kiện trên, Chính phủ Nhật Bản đã đề ra mục tiêu tạo ra 300.000 việc làm mới trong 3 năm tới cho lực lượng lao động trong độ tuổi từ giữa 30 đến giữa 40 - đối tượng hiện gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm ổn định kể từ giai đoạn cuối kinh tế Nhật Bản bùng nổ vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước.
Chính phủ Nhật Bản hy vọng chính sách này sẽ hỗ trợ 1 triệu người thuộc diện này và góp phần tháo gỡ phần nào khó khăn của thực trạng thiếu hụt lực lượng lao động nghiêm trọng hiện nay.
Tokyo quan ngại hệ thống an sinh xã hội, trong đó có hệ thống lương hưu, sẽ gặp khó khăn nếu thế hệ lao động này không thể tìm được việc làm ổn định và có đủ doanh thu thuế.
Văn kiện này cũng đề cập đến phương hướng của Chính phủ Nhật Bản trong việc giải quyết vấn đề thiếu lao động, đó là khuyến khích người tuổi cao tiếp tục làm việc nếu đủ điều kiện sức khỏe.
[Nhật Bản tăng cường công cụ pháp lý chống lạm quyền nơi công sở]
Văn bản này cũng đề ra kế hoạch thu hẹp dần và sau cùng sẽ bãi bỏ hệ thống quy định giảm lương hưu trợ cấp cho những người nghỉ hưu song vẫn làm việc và có 1 khoản thu nhập nhất định.
Chính phủ tin rằng kế hoạch này sẽ khuyến khích những người quá tuổi lao động sẽ tiếp tục làm công việc toàn thời gian.
Trong một chiến lược riêng rẽ được Nội các Nhật Bản thông qua cùng ngày 21/6, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định sẽ yêu cầu các doanh nghiệp xem xét "giữ chân" nhân viên cho đến tuổi 70.
Hiện nhiều công ty Nhật Bản đã tăng độ tuổi nghỉ hữu của nhân viên, từ độ tuổi 60 theo quy định hiện hành.
Để đảm bảo nguồn ngân sách cho an sinh xã hội, chính sách của Nhật Bản xác nhận kế hoạch từ tháng 10 tới sẽ tăng thuế tiêu thụ từ 8% lên 10%.
Trong bối cảnh có nhiều quan ngại kế hoạch tăng thuế này có thể làm giảm nhu cầu chi tiêu của người dân, từ đó làm suy yếu tốc độ tăng trưởng kinh tế, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét "sớm" tăng mức lương tối thiểu trung bình theo giờ lên 1.000 yen (9,3 USD).
Nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động nghiêm trọng do dân số già, Nhật Bản hồi tháng Tư đã công bố chính sách cấp thị thực mới cho người lao động là người nước ngoài nhằm thu hút lao động có tay nghề tới nước này làm việc./.