Nhiều doanh nghiệp thép không đạt kế hoạch do gặp khó

Theo thống kê, chỉ có 14 công ty hoàn thành kế hoạch, có mức tăng trưởng, trong khi đó rất nhiều đơn vị không hoàn thành kế hoạch hoặc hoàn thành nhưng không có tăng trưởng.
Nhiều doanh nghiệp thép không đạt kế hoạch do gặp khó ảnh 1Công nhân Nhà máy cán thép Thái Trung, Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên lấy mẫu thép cán mới ra lò. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Tại cuộc Tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 của Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) ngày 11/1, tại Hà Nội, báo cáo của đơn vị này cho hay tổng lợi nhuận sau thuế của 38 doanh nghiệp có vốn đầu tư của Tổng công ty chỉ đạt 1.212 tỷ đồng, bằng 79% so với năm 2017.

Chỉ có 14 công ty hoàn thành kế hoạch, có mức tăng trưởng. Còn lại rất nhiều đơn vị không hoàn thành kế hoạch hoặc hoàn thành nhưng không có tăng trưởng.

Cụ thể, có 4 công ty hoàn thành vượt mức kế hoạch và có tăng trưởng là, Kim khí Hồ Chí Minh đạt hơn 96 tỷ đồng, đạt 240% kế hoạch và tăng trưởng 18,6% so với 2017; thép Việt Trung 453 tỷ đồng, đạt 142%...

Có 10 công ty hoàn thành kế hoạch nhưng không có tăng trưởng là công ty Thép Nhà Bè, Tấm Lá Phú Mỹ, Vnsteel Thăng Long, Lưới thép Bình Tây...

[Tập đoàn Hoa Sen xuất khẩu 17.000 tấn tôn đi Mỹ qua cảng Nghi Sơn]

Nhưng vẫn còn có 6 công ty không hoàn thành kế hoạch, nhưng nằm trong nhóm có lợi nhuận khá, gồm: Tôn Phương Nam đạt 28,02 tỷ đồng, Thép Đà Nẵng đạt 20,09 tỷ đồng, Vinakyoei đạt 94,79 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có 7 công ty không hoàn thành kế hoạch và có mức lợi nhuận thấp là Vinausteel 5,3 tỷ đồng, Tấm lá Thống Nhất 2,2 tỷ đồng, Đầu tư xây dựng Miền Nam 203 triệu...

Đặc biệt, năm 2018 vẫn còn 1 công ty con là Thép tấm miền Nam và 8 công ty liên kết bị thua lỗ.

Ông Nguyễn Đình Phúc, Tổng giám đốc VnSteel cho hay năm 2018, hầu hết các công ty trong hệ thống đã bảo toàn được vốn, đặc biệt có một số công ty đã khắc phục được hoàn toàn như Kim khí Hà Nội, hoặc, một phần lỗ lũy kế từ các năm trước như Tấm lá Phú Mỹ, Tấm lá Thống Nhất, thép Việt Trung... Tuy nhiên, còn nhiều đơn vị chưa thoát khỏi lỗ lũy kế hoặc có nợ khó đòi.

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Phúc cho rằng, do tình hình thị trường khó khăn chung nên khá nhiều đơn vị kinh doanh kém hiệu quả.

Ngoài ra, các đơn vị do quản trị và nhận định thị trường chưa tốt nên hiệu quả kinh doanh thấp và giảm sút.

Trong những năm gần đây, VnSteel không có thêm dự án mới với quy mô lớn đi vào hoạt động, trong khi đó một số dự án hết hạn, không hiệu quả phải dừng hoạt động nên không có khả năng tăng trưởng về sản lượng, thị phần.

Ông Phúc cũng thừa nhận năng lực sản xuất của nhiều đơn vị đã chạm giới hạn; nhiều đơn vị năng lực sản xuất còn hạn chế, công nghệ cũ, công suất thấp.

Do vậy, các đơn vị này gặp nhiều bất lợi khi đối mặt với các nhà máy mới gia nhập thị trường hay gia tăng công suất với công nghệ mới hiện đại...

Trong năm 2019, VnSteel đặt mục tiêu tiếp tục cái cơ cấu nhằm tập trung vốn và nguồn lực cho sản xuất kinh doanh chính và có hiệu quả cao. Doanh thu hợp nhất ước đạt 21.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 150 tỷ đồng.

Ông Phúc cho hay VnSteel sẽ rà soát điều chỉnh chiến lược phát triển của doanh nghiệp, thực hiện hỗ trợ và phối hợp trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cho mục tiêu chung.

Đồng thời, ông Nguyễn Đình Phúc cũng kiến nghị các ngành chức năng tập trung giải quyết các vấn đề để Tổng công ty hoàn thành quyết toán cổ phần hóa Công ty mẹ; tạo điều kiện để Tổng công ty phối hợp với Công ty thép Việt Trung và TISCO sớm hoàn thành giải quyết các tồn tại, vướng mắc của Dự án giai đoạn 2-Gang thép Thái Nguyên và Dự án Nhà máy gang thép Lào Cai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục