Nhìn lại năm 2019 - một năm đầy sóng gió của nhiều nước Mỹ Latinh

Hai điểm nổi bật chi phối bức tranh Mỹ Latinh 2019 là cuộc đấu tranh kiên định của phong trào cánh tả khu vực và làn sóng phản kháng trước những bất công của mô hình tự do mới.
Cựu Tổng thống Bolivia Evo Morales (giữa, hàng đầu) đến sân bay Buenos Aires, Argentina ngày 12/12/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cựu Tổng thống Bolivia Evo Morales (giữa, hàng đầu) đến sân bay Buenos Aires, Argentina ngày 12/12/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khu vực Mỹ Latinh vừa trải qua một năm với rất nhiều biến động, tạo ra những thách thức lớn về chính trị, kinh tế và xã hội đối với nhiều nước, cho dù là do chính phủ cánh tả hay cánh hữu cầm quyền.

Hai điểm nổi bật chi phối bức tranh Mỹ Latinh 2019 là cuộc đấu tranh kiên định của phong trào cánh tả khu vực - một phần của cuộc đấu tranh giữa phương thức thống trị tư bản và những dòng chảy giải phóng, phong trào nhân dân và cách mạng mở - và làn sóng phản kháng trước những bất công của mô hình tự do mới.

Mặc dù phải đối mặt với vô vàn thách thức, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang tăng cường hoạt động can dự tại khu vực vốn là “sân sau” của Washington, song phong trào cánh tả và tiến bộ ở Mỹ Latinh vẫn duy trì sức ảnh hưởng mang tính đối trọng ở khu vực.

Sự quay trở lại của liên minh trung tả tại Argentina sau 4 năm mang ý nghĩa to lớn, trong bối cảnh khu vực này đang bị chia rẽ sâu sắc, những nước theo đường lối cánh tả còn lại ở khu vực như Venezuela và Bolivia bị gây sức ép.

Trong 4 năm cầm quyền của liên minh cánh hữu tại Argentina, nền kinh tế quốc gia vốn được coi là một trong những đầu tàu ở Mỹ Latinh đã rơi vào suy thoái kéo dài, đời sống của các tầng lớp trung lưu và người nghèo ngày càng chật vật.

Chính vì vậy, dư luận tiến bộ ở Mỹ Latinh hy vọng việc lực lượng cánh tả quay trở lại nắm quyền sẽ đem tới cho người dân nhiều sự công bằng hơn, các chính sách mới sẽ chú trọng tới đại bộ phận dân chúng hơn và cùng với đó sẽ tạo ra sức bật mới trong công cuộc khôi phục con đường phát triển của quốc gia Nam Mỹ này.

Trong khi đó, Venezuela vẫn tiếp tục vững vàng trong cuộc đấu tranh bảo vệ công cuộc cách mạng kéo dài 20 năm qua do cố Tổng thống Hugo Chavez khởi xướng, cho dù nước này phải đối mặt với 1 năm vô cùng khó khăn khi phe đối lập trong nước và các thế lực bên ngoài gia tăng các biện pháp nhằm lật đổ chính quyền, đặc biệt từ đầu năm 2019 khi nhân vật đối lập Juan Guaido tự phong là “Tổng thống lâm thời” và được Mỹ cùng nhiều đồng minh ở Mỹ Latinh và châu Âu công nhận.

Washington công khai thực thi các biện pháp trừng phạt nhằm gây sức ép với Venezuela, thúc đẩy các cơ chế ngoại giao cùng với các chính phủ cánh hữu khác trong khu vực cô lập chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro trên trường quốc tế, đồng thời hỗ trợ cả về tài chính và tinh thần để phe đối lập Venezuela gia tăng các hoạt động chống phá trong nước.

Nhìn lại năm 2019 - một năm đầy sóng gió của nhiều nước Mỹ Latinh ảnh 1Người dân tham gia tuần hành ủng hộ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tại Caracas ngày 12/9/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Venezuela vẫn tiếp tục củng cố khối đoàn kết quân dân, kiên định con đường cách mạng, tiếp tục các chính sách xã hội phục vụ lợi ích của đại đa số người dân, đồng thời triển khai phương án ngăn chặn và đối phó một cách hiệu quả đối với các âm mưu gây bất ổn tình hình, chặn đứng các kế hoạch kích động từ bên ngoài và các cuộc bạo loạn do phe đối lập trong nước phát động.

Tuy nhiên, Chính phủ Venezuela vẫn phải tiếp tục vượt qua nhiều thách thức cả về chính trị lẫn kinh tế, trong khi đời sống của người dân tại quốc gia Nam Mỹ này cũng gặp vô vàn khó khăn trước tác động của cuộc bao vây cấm vận từ bên ngoài.

Cuba đã tiến hành các bước triển khai theo lộ trình đã được vạch ra trong Hiến pháp mới, được thông qua tháng Hai, đó là bầu chủ tịch nước, chức danh được Hiến pháp 2019 khôi phục, cũng như thực hiện một số quy định về những người giữ các vị trí lãnh đạo của bộ máy Nhà nước.

Đây chính là những bước đi nền móng đầu tiên tiến tới xây dựng một Nhà nước pháp quyền hiện đại, phù hợp hơn với sự nghiệp phát triển đất nước Cuba trong giai đoạn lịch sử mới và trong bối cảnh thế giới mới, đặc biệt là trong việc triển khai công cuộc “Cập nhật mô hình kinh tế-xã hội.”

[Kinh tế Cuba tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2019]

Bất chấp việc Mỹ tiếp tục chính sách trừng phạt, người dân Cuba đã và đang tiếp tục những nỗ lực vượt qua mọi hoàn cảnh khắc nghiệt để tiếp nối con đường cách mạng.

Ở một khía cạnh khác, việc Tổng thống Bolivia Evo Morales buộc phải rời bỏ quyền lực trước sức ép của phe đối lập sau cuộc bầu cử tổng thống và việc liên minh cánh tả Mặt trận mở rộng ở Uruguay thất cử cũng cho thấy những khó khăn thực sự mà phong trào cánh tả sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.

Một điểm đáng chú ý khác ở Mỹ Latinh trong năm 2019 là các cuộc biểu tình liên tiếp xảy ra ở nhiều nước, đặc biệt bùng nổ tại Chile, Ecuador và Colombia.

Lý do của tình trạng bất ổn định này đều có nguồn gốc từ những vấn đề chung nhất mà từ những nước giàu có như Chile, Argentina cho đến những nước nhỏ, nghèo như Haiti gặp phải.

Đó là những khó khăn về kinh tế, bất bình đẳng xã hội và sự mất lòng tin về chính trị. Những việc nhỏ như tăng giá vé tàu điện ngầm ở thủ đô Santiago của Chile hay việc Chính phủ Ecuador cắt giảm trợ cấp xăng dầu trong lúc đời sống khó khăn chỉ là “những giọt nước làm tràn ly” khi mà khoảng cách giàu nghèo ở nhiều nước không hề thay đổi sau nhiều năm theo đuổi mô hình tự do mới, và nhiều nền kinh tế ở Mỹ Latinh dường như được thiết lập và vận hành để làm lợi cho một bộ phận nhỏ trong xã hội.

Nhìn lại năm 2019 - một năm đầy sóng gió của nhiều nước Mỹ Latinh ảnh 2Người biểu tình tập trung tại Quito, Ecuador, ngày 12/10/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tại Chile, việc bùng phát các cuộc biểu tình ở quy mô lớn đã phơi bày một bộ mặt khác của xã hội với quá nhiều bất bình đẳng.

Mô hình tự do mới được áp dụng từ nhiều thập niên qua tại quốc gia Nam Mỹ này đã tư nhân hóa hầu hết các dịch vụ cơ bản, từ y tế, giáo dục, giao thông công cộng cho tới điện, nước và nhà ở.

Một bộ phận lớn dân chúng Chile phải căng sức làm việc trong nhiều năm để trả các khoản nợ học phí giáo dục, bất động sản và tiêu dùng khiến họ cảm thấy mệt mỏi.

Theo số liệu thống kê, có khoảng 70% đến 80% các gia đình Chile hiện vẫn thường xuyên phải gánh chịu một khoản nợ nào đó. Trong khi đó, gần 40% tổng thu nhập của Chile nằm trong tay 1% dân số.

[Chile điều tra cáo buộc Tổng thống Piñera kinh doanh gian lận]

Tương tự như vậy là các cuộc xuống đường của người dân ở Ecuador và Colombia do các liên đoàn lao động phát động với sự tham gia của cộng đồng người bản địa, sinh viên và các thành phần xã hội khác nhằm phản đối các chính sách bất công xã hội, yêu cầu chính phủ phải có biện pháp giải quyết các vấn đề liên quan đến cải cách kinh tế, thể hiện sự phản kháng trước hệ thống chăm sóc y tế yếu kém, lương hưu thấp, tình trạng bạo lực, bất công, tham nhũng và những vấn đề khác.

Tình hình khu vực Mỹ Latinh trong thời gian tới chắc chắn vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn khó lường khi những nguyên nhân cơ bản vẫn chưa được giải quyết tận gốc.

Tại một số nước, đặc biệt là các quốc gia theo chủ nghĩa tự do mới, người dân sẽ tiếp tục phản kháng mạnh mẽ các chính sách kinh tế-xã hội chỉ phục vụ cho lợi ích của một bộ phận trong xã hội.

Một đặc trưng của chính trường Mỹ Latinh là khi có sự thay đổi chính quyền từ cánh tả sang cánh hữu hoặc ngược lại, thường kéo theo sự đảo ngược về chính sách đối ngoại, kinh tế và xã hội, khiến cho nhiều nước không có được sự ổn định và phát triển bền vững, cũng như mối quan hệ giữa các nước không có cùng quan điểm trở nên mong manh hơn.

Hơn nữa, những khó khăn về kinh tế tại nhiều nước trong khu vực, kể cả tại các nước vốn được coi là đầu tàu như Brazil hay Argentina, cũng có thể tác động mạnh tới tình hình chính trị-xã hội.

Ngoài ra, không thể không đề cập vai trò của Mỹ với việc Washington gia tăng sức ép nhằm vào các nước do chính phủ cánh tả và tiến bộ cầm quyền, đặc biệt là tại Cuba, Venezuela, Nicaragua và mới đây nhất là Argentina.

Với sự hậu thuẫn của Mỹ và các nước cánh hữu trong khu vực, phe đối lập tại các quốc gia này sẽ tiếp tục gây bất ổn bằng các hình thức chiến tranh “phi truyền thống,” tìm cách lật đổ các chính phủ có hệ tư tưởng khác với lợi ích của Washington, thông qua các cuộc “đảo chính mềm” như đã từng xảy ra tại Brazil, Paraguay và Bolivia.

Cùng với đó, các thế lực cánh hữu cũng sẽ tiếp tục tìm cách chia rẽ và phá vỡ các tổ chức liên kết và hội nhập khu vực không cùng chung lợi ích với họ, như Liên minh Bolivar cho các dân tộc châu Mỹ (ALBA) hay Tổ chức các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC), vốn ra đời vào thời kỳ thịnh vượng nhất của phong trào cánh tả hồi thập niên trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục