Những bất cập phổ biến của trang tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội

Bên cạnh những tích cực, thời gian qua, các trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội đã bộc lộ nhiều bất cập cần phải chấn chỉnh trong thời gian tới.
Những bất cập phổ biến của trang tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội ảnh 1Haivl.com, một mạng xã hội đã bị đóng cửa năm 2014 vì nhiều vi phạm. (Nguồn: blackberryvietnam.net)

Số liệu cho thấy, hiện cả nước có 1.550 trang điện tử tổng hợp được cấp phép (trong đó có 258 trang của cơ quan báo chí); 230 trang mạng xã hội (có 2 trang đã thông báo ngừng hoạt động).

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo chuyên đề về quản lý báo chí, thông tin điện tử và viễn thông trong tình hình mới do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức chiều 23/12 tại Hà Nội.

Trong thời gian qua, trang thông tin điện tử tổng hợp là cánh tay nối dài của cơ quan báo chí, giúp thông tin báo chí chính thống được lan tỏa…

Tuy nhiên, quá trình hoạt động cũng cho thấy nhiều trang dẫn nguồn sai quy định; “mập mờ” giữa hoạt động báo chí và trang thông tin điện tử tổng hợp; tổng hợp quá nhiều về các vụ án, mặt trái, tiêu cực; có tình trạng liên kết với co quan báo chí để sản xuất tin bài, “cấy nguồn” qua các báo điện tử; vi phạm quy định quảng cáo…

Trong khi đó, thông tin trên mạng xã hội được cập nhật nhanh, nhiều chiều; kết nối cộng đồng tốt; chia sẻ video trực tuyến khiến thông tin trở nên sống động, nhanh… Song, mặt trái của thông tin trên mạng xã hội là chưa được kiểm chứng; sai sự thật gây; động cơ mục đích không rõ ràng; thông tin có tính chất lôi kéo, kích động cộng đồng mạng; hệ thống quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu…

Biểu đồ thống kê số lượng trang thông tin điện tử, mạng xã hội, game online và dịch vụ nội dung trên mạng di động:

Cơ quan quản lý cho rằng, để tồn tại sự việc trên là bởi môi trường pháp lý còn chưa theo kịp phát triển; số lượng blog cá nhân nhiều nhưng không thuộc đối tượng được cấp phép; khác biệt về môi trường pháp lý giữa các quốc gia nên việc ngăn chặn, loại bỏ thông tin không lành mạnh trên Internet bị hạn chế; bộ máy quản lý nhà nước mỏng…

Bởi vậy, trong thời gian tới, ngoài việc hoàn thiện cơ chế chính sách, cơ quan quản lý sẽ tăng cường công tác hậu kiểm về nội dung, ngăn chặn các thông tin vi phạm; có cơ chế quản lý chặt nguồn tin, bảo đảm chỉ lựa chọn thông tin từ các nguồn tin có nội dung phù hợp với lợi ích xã hội; thực hiện nghiêm việc tổng hợp thông tin theo quy định, không tự ý sản xuất tin bài như các báo, tạp chí điện tử./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục