Những điểm nóng trong chính sách đối ngoại của Mỹ năm 2019

Trung tâm Hành động phòng ngừa thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại đã đưa ra dự báo về 30 điểm nóng về chính sách đối ngoại của Mỹ trong năm mới 2019.
Những điểm nóng trong chính sách đối ngoại của Mỹ năm 2019 ảnh 1Khuôn viên Nhà Trắng (Nguồn: article.wn.com)

Theo mạng tin cfr.org, trong suốt 11 năm qua, Trung tâm Hành động phòng ngừa thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại - một cơ quan tham vấn của Mỹ - đều đặn thực hiện Khảo sát về các ưu tiên phòng ngừa (PPS), bằng cách thăm dò ý kiến hàng trăm chuyên gia về chính sách đối ngoại Mỹ, để đưa ra dự báo về 30 điểm nóng trong năm mới.

Kết quả của của cuộc khảo sát năm nay có một số điểm đáng chú ý sau:

Đầu tiên, trong số tất cả những tranh chấp địa chính trị ngày càng tăng giữa các cường quốc, chỉ có một sự kiện liên quan tới Mỹ và Trung Quốc được đánh giá cần xếp ở mức ưu tiên cao nhất, đó là tranh chấp xung quanh tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.

Năm 2018, Mỹ đã tiến hành một loạt chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) tại Biển Đông (vào tháng 3, 5, 9, và 11). Điều đáng chú ý là, trong khi tiến hành một hoạt động tự do hàng hải vào tháng 9 gần quần đảo Trường Sa thuộc Biển Đông, tàu USS Decatur của Mỹ và một tàu chiến của Trung Quốc đã suýt xảy ra đụng độ.

Một điều cần lưu ý nữa là khả năng xảy ra khủng hoảng liên quan tới Đài Loan - vấn đề được đánh giá có khả năng lớn leo thang trở thành một cuộc đối đầu nguy hiểm giữa Mỹ và Trung Quốc - lần đầu tiên xuất hiện trong PPS, cho dù chỉ được xếp hàng ở mức ưu tiên trung bình.

Một người phát ngôn của Trung Quốc đã gọi FONOP của Mỹ là "mối đe dọa nguy hiểm" đối với tàu thuyền của Trung Quốc, trong khi Mỹ khẳng định rằng nước này chỉ đơn giản là đang thực hiện quyền của mình tuân theo luật pháp quốc tế.

Thứ hai, hai sự kiện có nhiều khả năng nhất dẫn tới một cuộc xung đột giữa Mỹ và Nga tại Đông Âu đều bị đánh giá ở mức ưu tiên trung bình, và khả năng xảy ra một cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thực ra đã bị hạ xuống so với năm ngoái.

[Nhìn lại năm 2018: Nhiều cơ hội bị bỏ lỡ trong mối quan hệ Nga-Mỹ]

Tuy nhiên, ngay sau khi kết thúc cuộc thăm dò ý kiến của các chuyên gia, Nga đã bắt giữ ba tàu chiến của Ukraine ở biển Azov vào cuối tháng 11, và dường như nước này đang triển khai quân đội ở khu vực gần với biên giới Ukraine. Nếu cuộc thăm dò ý kiến được tiến hành sau sự kiện này, kết quả có thể sẽ khác.

Thứ ba, các cuộc khủng hoảng tại Trung Đông và Bắc Phi tiếp tục gây nhiều lo ngại nhất. Có 8 vấn đề của hai khu vực này được xem xét trong cuộc khảo sát năm nay, và 3 trong tổng số 8 vấn đề này được đánh giá cần đặt ở mức ưu tiên hàng đầu, đó là: một cuộc xung đột có vũ trang giữa Mỹ và Iran, hoạt động bạo lực nhằm tái thiết lập sự kiểm soát của chính phủ ở Syria, và cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ tại Yemen.

Tuy nhiên trong vài ngày gần đây, có vẻ như chiến lược của Mỹ tại Syria đã thay đổi khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi quốc gia này.

Các quan chức của Lầu Năm Góc và nhiều người khác tỏ ra nghi ngờ quyết định này, lo ngại rằng việc Mỹ rút quân sẽ khiến các nhóm người Kurd được Mỹ hậu thuẫn dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công của các lực lượng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính sách của Mỹ đối với Yemen cũng sẽ có nhiều thay đổi trong những tháng tới, khi Quốc hội xem xét việc thông qua một đạo luật nhằm chấm dứt sự ủng hộ của Mỹ đối với liên minh do Saudi Arabia đứng đầu.

Thứ 4, lần đầu tiên kể từ khi tiến hành PPS hàng năm, có 3 vấn đề tại Trung và Nam Mỹ bên cạnh cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Venezuela được đánh giá là những ưu tiên hàng đầu của Mỹ.

Một đại diện chung của Cơ quan Tị nạn Liên hợp quốc (UNHCR) và Tổ chức Di cư thế giới cho biết ước tính có khoảng 2 triệu người Venezuela sẽ rời bỏ đất nước này trong năm 2019, khiến số người tị nạn tăng lên mức 5,3 triệu người.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã từ chối các khoản viện trợ từ nước ngoài, cho dù người dân nước này đang phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng về y tế và kinh tế. Tuy nhiên, gần đây ông đã đồng ý cho phép các cơ quan của Liên hợp quốc tại Venezuela nhận viện trợ từ Quỹ Trung tâm ứng phó khẩn cấp (CERF).

Cùng với những sự kiện tại Mexico và Nicaragua, cũng như sự bất ổn tiềm tàng tại Brazil, tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng tại khu vực sẽ gây ra những hậu quả to lớn cho Mỹ.

Cuối cùng, mối đe dọa về một cuộc tấn công mạng nhằm vào các mạng lưới và cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ là vấn đề an ninh trong nước quan trọng hàng đầu trong năm 2019.

Đáng chú ý, nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công khủng bố gây thương vong lớn nhằm vào nước Mỹ vẫn được đánh giá là một trong số những lo ngại lớn nhất, mặc dù đã 17 năm trôi qua kể từ sự kiện 9/11.

Kết quả của cuộc khảo sát năm nay của Trung tâm hành động phòng ngừa cần được xem xét một cách thận trọng bởi nó chỉ bao gồm các vấn đề mà các lực lượng quân sự Mỹ có thể được triển khai.

Vì vậy, cuộc khảo sát đã loại trừ các cuộc khủng hoảng không dùng tới bạo lực nhưng có khả năng gây tổn hại tới các lợi ích của Mỹ, ví dụ như các vấn đề liên quan tới kinh tế hay y tế và các thảm họa thiên nhiên và do con người gây ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục