Nô nức Lễ hội Lồng Tông - ngày hội xuống đồng tại Tuyên Quang

Sáng 26/2, trong không khí tưng bừng đầu xuân năm mới, đồng bào các dân tộc ở tỉnh Tuyên Quang đã nô nức đổ về trung tâm huyện Chiêm Hóa tham dự Lễ hội Lồng Tông - ngày hội xuống đồng.
Nô nức Lễ hội Lồng Tông - ngày hội xuống đồng tại Tuyên Quang ảnh 1Lễ cúng mùa năm mới tại trung tâm sân vận động Chiêm Hóa. (Ảnh: Vũ Quang Đán/TTXVN)
Sáng 26/2, trong không khí tưng bừng đầu xuân năm mới, đồng bào các dân tộc ở tỉnh Tuyên Quang và du khách đã nô nức đổ về trung tâm huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) tham dự Lễ hội Lồng Tông - ngày hội xuống đồng.
Đây là Lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày được tổ chức vào ngày mồng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm với mong ước cầu một năm mới mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no hạnh phúc...
Lễ hội bắt đầu bằng lễ rước 9 mâm Tồng từ đền Bách Thần (thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa) về trung tâm sân vận động của huyện Chiêm Hóa, với màn múa lân (múa "xuống đồng") của những trai thanh, nữ tú. Tiếp đó, Thầy Cả (người cúng chính của buổi lễ) và các thầy giúp việc làm lễ đặt mâm Tồng, tạ ơn trời đất, cầu sự ấm no, hạnh phúc.
Tại buổi lễ, ông Ma Thế Hồng, Bí thư Huyện ủy Chiêm Hóa đã đọc lời chúc phúc đầu năm đến bách gia trăm họ, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, mọi người khoẻ mạnh, nhà nhà yên vui và đánh màn trống hội khai mạc lễ hội Lồng Tông. Sau đó là lễ tịch điền (xuống đồng cày ruộng với ý nghĩa cầu mong cho một năm mùa màng bội thu) và nhiều trò chơi dân gian như: tung còn, đánh pam, đánh yến, đẩy gậy, kéo co...
Năm 2013, Lễ hội Lồng Tông của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội Lồng Tông có lịch sử lâu đời, phản ánh ước mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, là mong ước quan trọng nhất trong đời sống của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.
Lễ hội là một loại hình sinh hoạt văn hóa nghi lễ mang đậm tính dân gian về cội nguồn văn hóa. Lễ hội được lưu truyền từ lâu trong đời sống văn hóa tinh thần và xã hội của người Tày.
Hiện tỉnh Tuyên Quang đang từng bước đưa Lễ hội Lồng Tông trở thành sản phẩm du lịch đặc thù trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về.../.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục