Thủ tướng Anh David Cameron ngày 11/4 dự kiến sẽ loan báo kế hoạch ban hành một dự luật mới nhằm buộc các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm với hoạt động trốn thuế của nhân viên, trong bối cảnh nhà lãnh đạo “xứ sở sương mù” đang phải đối mặt với sức ép trong nước liên quan đến vụ bê bối mang tên “Hồ sơ Panama.”
Thông cáo báo chí từ Downing Street cho hay dự luật trên dự kiến sẽ được áp dụng trong năm 2016 để buộc những doanh nghiệp không thể ngăn cản nhân viên của mình tham gia vào hoạt động trốn thuế chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Dự luật sẽ nhắm chủ yếu vào những công ty có cơ chế kiểm soát lỏng lẻo và những công ty khuyến khích hoạt động trốn thuế có mục đích.
Trước đó, ngày 10/4, ông Cameron đã công bố chi tiết các khoản thuế của mình sau khi thừa nhận lẽ ra ông có thể xử lý tốt hơn các tranh cãi về vấn đề tài chính. Theo đó, nhà lãnh đạo này đã đóng gần 76.000 bảng Anh tiền thuế vào năm 2014-2015, khi thu nhập của ông vào khoảng 200.000 bảng Anh.
Đây là lần đầu tiên một Thủ tướng Anh công khai các thông tin như vậy cho công chúng. Ngoài ra, ông cũng thông báo thành lập lực lượng điều tra các cáo buộc trốn thuế.
Trong một diễn biến có liên quan đến vụ bê bối “Hồ sơ Panama,” ngày 10/4, truyền thông Đức đưa tin, công ty luật Mossack Fonseca (MF) ở Panama đã lợi dụng tên tuổi một số tổ chức cứu trợ quốc tế để che giấu các hành vi rửa tiền, trốn thuế của những công ty ma.
Kênh truyền hình Đức ARD cho biết công ty MF đã lợi dụng danh tiếng của một số tổ chức quốc tế như như Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên hoang dã (WWF) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) để che giấu hoạt động phạm pháp của các công ty ma. Trong đó, công ty MF đã thành lập ít nhất hai quỹ riêng để ngụy tạo việc chuyển tiền cho ICRC mà uỷ ban này thực tế cũng không hề được thông báo.
Hai quỹ này bao gồm "Quỹ niềm tin" (Faith Foundation) và “Quỹ anh em” (Brotherhood Foundation) được vận hành với chủ sở hữu giả của hàng trăm công ty ma mà thực chất là khách hàng của MF. Công ty MF coi ICRC là bên tiếp nhận lợi ích từ các quỹ, song tiền không bao giờ đến tay tổ chức này.
Để làm được điều đó, MF đã lợi dụng lỗ hổng trong luật xã hội của Panama quy định bên được hưởng lợi ích từ các quỹ không được cung cấp thông tin.
Tuy nhiên, khi các ngân hàng hỏi về quan hệ của chủ sở hữu các quỹ thì MF đã chuẩn bị sẵn một giấy chứng nhận, trong đó xác nhận bên tiếp nhận lợi ích là ICRC.
Do vậy, với chiêu thức trên, chủ sở hữu thực sự của các công ty ma có tài khoản ngân hàng luôn được giữ trong bóng tối.
“Bức màn” về Mossack Fonseca được vén lên cũng là lúc một loạt những tên tuổi lớn của thế giới, trong đó có Trung Quốc, bị ảnh hưởng. Các cơ quan chức năng của El Salvador đang tiến hành điều tra 33 cá nhân có tên trong vụ “Hồ sơ Panama” để tìm kiếm các bằng chứng liên quan đến việc trốn thuế, gian lận tài chính và rửa tiền./.