OCG và SHB soán ngôi đầu về khối lượng giao dịch trên hai sàn

Tuần này, OCG soán ngôi đầu về khối lượng giao dịch, đạt gần 33 triệu đơn vị trên sàn HoSE. Tại HNX, SHB tiếp tục dẫn đầu khối lượng chuyển nhượng, đạt trên 24 triệu đơn vị.
OCG và SHB soán ngôi đầu về khối lượng giao dịch trên hai sàn ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tuần này, cổ phiếu OCG soán ngôi đầu về khối lượng giao dịch, đạt gần 33 triệu đơn vị trên sàn HoSE. Mã FLC đã lùi về vị trí thứ hai, có khối lượng chuyển nhượng xấp xỉ 32 triệu đơn vị. Tiếp đến, các vị trí trong top 5 thuộc về SBT, HAG, DLG.

Bên phía sàn HNX, cổ phiếu SHB tiếp tục giữ ngôi vị trí dẫn đầu về khối lượng chuyển nhượng từ vài tuần trước đó, đạt trên 24 triệu đơn vị. Đứng vị trí liền sau là mã SCR với khối lượng giao dịch đạt gần 16 triệu đơn vị và tiếp đến là các mã TIG, PVX, KLF.

Quay trở lại diễn biến trong tuần, VN-Index trải qua những phiên giao dịch nhiều biến động. Cụ thể, VN-Index đã giảm ba phiên liên tiếp đầu tuần, song sau đó tăng trở lại trong hai phiên cuối tuần, chốt ở  mức 567,67 điểm sát mốc tham chiếu, giảm 0,1%.

Bên cạnh đó, HNX-Index đã có tuần giảm điểm thứ 5 liên tiếp. Chốt tuần, chỉ số này đã giảm 0,26% xuống còn 78,09 điểm.

Trong tuần, việc giá dầu thế giới phục hồi đã tác động tích cực lên nhóm cổ phiếu dầu khí sau quãng thời gian dài điều chỉnh trước đó, cụ thể PVD (+4,58%), PXS (+0,85%).

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu trong rổ VN-30 hiện đang có sự phân hóa khá mạnh, với nhóm tăng như MSN (+5,63%), BVH (+5%), thì các mã FPT (-2,25%), VNM (-3,13%), REE (-2,68%), HCM (-5,41%) lại ở chiều ngược lại.

Điểm đáng chú ý, thanh khoản trên sàn HoSE giảm mạnh 29% so với tuần giao dịch trước, tổng khối lượng khớp lệnh đạt trên 389,3 triệu đơn vị. Tương tự, thanh khoản tại sàn HNX tiếp tục dừng ở mức rất thấp, tổng khối lượng khớp lệnh chỉ đạt trên 144,7 triệu đơn vị, giảm 14,6% so với tuần trước.

OCG và SHB soán ngôi đầu về khối lượng giao dịch trên hai sàn ảnh 2

Trong tuần, khối ngoại hoạt động có phần trầm lắng, giao dịch giảm mạnh cả về chiều mua và chiều bán. Trên cả 2 sàn, khối ngoại bán ròng gần 108 tỷ đồng, cụ thể họ bán ròng hơn 136 tỷ đồng trên HoSE và mua ròng 28,7 tỷ đồng trên HNX.

Tại sàn HoSE, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng lớn nhất tại mã SBT, khối lượng gần 4,6 triệu đơn vị, đứng thứ hai là mã VCB đạt 728.990 triệu đơn vị, các vị trí kế tiếp là các mã PVD, VIC, KBC.

Tuy nhiên, khối ngoại lại bán ròng mạnh nhất tại mã cổ phiếu MSN, với khối lượng 4,3 triệu đơn vị, đứng thứ hai là mã FLC có khối lượng 1,7 triệu đơn vị.

Phía sàn HNX, mã SHB được khối ngoại mua ròng mạnh nhất gần 2,4 đơn vị. Các mã đứng ở những vị trí tiếp theo là IVS, PVC, CVT, PVS.

Chiều ngược lại, họ bán ròng nhiều nhất tại mã VND với 732.390 đơn vị, tiếp đến là các mã DBC, BAM, VCG, SSM.

Như vậy, thị trường đang quay lại trạng thái giằng co với các nhịp tăng, giảm với biên độ hẹp kết hợp với trạng thái suy yếu của thanh khoản sau các phiên giao dịch sôi động của hồi tuần trước.

Cụ thể, khối lượng khớp lệnh bình quân giảm tới gần 35% so với tuần trước, khi nhiều phiên giá trị giao dịch khớp lệnh chỉnh quanh ngưỡng 1.300 tỷ đồng – 1.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên điểm sáng cũng xuất hiện, với việc khối ngoại sau nhiều phiên bán ròng cường độ mạnh đã giao dịch tích cực trở lại trong các phiên cuối tuần, góp phần giúp ổn định tâm lý của nhà đầu tư trong nước đồng thời củng cố xu hướng tích lũy của thị trường ở thời điểm hiện tại.

Thông tin vĩ mô tác động tích cực đến thị trường, đó là việc tỷ giá được duy trì ổn định ở mức giá trần với mức giá mua vào – bán ra tại hầu hết các ngân hàng thương mại quanh ngưỡng 22.500-22.547 đồng/USD.

Trong tuyên bố mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh căng thẳng tỷ giá trong thời điểm hiện tại là do hoạt động đầu cơ hơn là vì cung cầu ngoại tệ thật của nền kinh tế, bởi những tháng cuối năm Việt Nam đã chuyển sang trạng thái xuất siêu hàng hóa.

Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt trong năm 2016, nhằm đảm bảo nâng cao vị thế VND đồng thời chống tình trạng “đô la hóa”.

Theo các chuyên gia trong nước, việc Ngân hàng Nhà nước không đưa ra cam kết về tỷ giá như các năm trước là điều dễ hiểu, bởi bối cảnh năm 2016 cho thấy thị trường tài chính quốc tế sẽ tiếp tục có nhiều biến động, nhất là từ Trung Quốc.

Phân tích xu hướng, các chuyên gia cho rằng thị trường bước vào thời kỳ thanh khoản thấp với các phiên giao dịch giằng co không rõ xu hướng, do thời điểm hiện tại đang diễn ra các kỳ nghỉ lễ quan trọng trong năm. Thống kê trong giai đoạn 5 năm trở lại đây cũng cho thấy lượng khớp lệnh trong giai đoạn cuối năm thường có xu hướng thấp hơn khá nhiều so với trung bình cả năm. Do vậy, họ cũng lên tiếng cảnh báo, không kỳ vọng dòng tiền sẽ sớm trở lại mạnh mẽ./.

OCG và SHB soán ngôi đầu về khối lượng giao dịch trên hai sàn ảnh 3

Số liệu thống kê do Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cung cấp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục