Phân xã TTXGP Nam Tây Nguyên: Hồi sinh từ tận cùng đau thương

Hoạt động trong điều kiện chiến tranh, có những phân xã của TTXVN nhiều lần bị địch xóa sổ hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn, như Phân xã Nam Tây Nguyên.
Phân xã TTXGP Nam Tây Nguyên: Hồi sinh từ tận cùng đau thương ảnh 1Phóng viên TTXVN trên đường hành quân vào chiến trường năm 1973. (Ảnh: Tư liệu)

Đầu năm 1960, cách mạng miền Nam bước vào giai đoạn cao trào Ðồng khởi. Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) lúc đó vừa trực tiếp thu phát tin, vừa chuẩn bị mọi điều kiện để thành lập một cơ quan thông tin chính thức cho Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam-Thông tấn xã Giải Phóng (TTXGP).

Theo ông Ðỗ Phượng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN, kể từ khi ra đời ngày 12/10/1960, không một nơi nào ở miền Nam, từ Quảng Trị đến Cà Mau, không có tổ chức TTXGP. Hoạt động trong điều kiện chiến tranh, hàng trăm phóng viên, nhân viên kỹ thuật TTXGP đã hy sinh. Có những phân xã nhiều lần bị địch xóa sổ hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn. Câu chuyện Phân xã Nam Tây Nguyên là một điển hình.

Cuối những năm 1960, vùng hậu cứ chiến lược đã được xây dựng vững chắc. Nam Tây Nguyên là đoạn cuối của đường dây thống nhất Bắc Nam, khu kho hậu cần phục vụ cho các cuộc tổng tiến công và nổi dậy sau này. Phân xã Nam Tây Nguyên lúc đó đóng căn cứ ở Ðắc Siêng (Kon Tum), có 6 đồng chí với đủ bộ biên chế: phóng viên tin, phóng viên ảnh, điện báo viên và báo vụ viên.

Phóng viên Nguyễn Thành (tức Thành Râu), sinh năm 1936, quê Tiền Hải, Thái Bình, vào miền Nam trong lúc chiến tranh đặc biệt của Mỹ đã bị đánh bại.

Phóng viên Nguyễn Ngọc Công (còn gọi là Bắc Việt), sinh năm 1943, quê Nho Quan, Ninh Bình vừa mới được tăng cường, lên đường vào chiến trường ngay sau lễ đính hôn với người bạn gái cùng thôn.

Ðiện báo viên Nguyễn Văn Lộc (tức Giàng A Lộc, Nguyễn Mượn) sinh năm 1943, quê Phù Cát, Bình Ðịnh.

Ðiện báo viên Nguyễn Tiến Ðạt sinh năm 1940, quê Ðức Phổ, Quảng Ngãi.

Nhân viên quay ragônô Trần Văn Tửu (tức Lê Văn Tửu), sinh năm 1950, quê Ðồng Phú, Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương), mồ côi cha mẹ sau trận bom rải thảm ở Phú Riềng, được đưa về Phân xã lúc mới 15 tuổi để học làm tin và điện báo.

Người thứ sáu, cũng là người duy nhất còn sống sót sau ngày định mệnh 13/6/1970 - điện báo viên Nguyễn Trung Hiếu (tức Bảy Hiếu, bút danh Trung Tín), sau là Trưởng Phân xã Nam Tây Nguyên, Giám đốc Ðài Phát thanh-Truyền hình Sông Bé.

Nhà báo Nguyễn Trung Hiếu nhớ lại: Cực Nam Trung Bộ là nơi gian khổ nhất miền Nam với sáu loại giặc: Giặc Mỹ, giặc vắt, giặc dốc, giặc đói, giặc rách và giặc rét. Hàng tháng trời anh em phải ăn củ chụp, lá bép, rau rừng thay cơm. Phóng viên đều phải học đánh maníp, điện báo viên thì phải học làm tin, để làm sao người này hy sinh thì người kia có thể làm thay. Còn nhớ hồi tháng 10/1966, một lần vừa phát xong tin thì địch đánh vào Cứ, anh em phải cùng bộ đội chiến đấu với địch, diệt hàng chục tên, bắn rơi máy bay trực thăng, bảo vệ căn cứ Ðắc Siêng.

Ông Hiếu nói rất nhiều về chuyện chiến trường: Hồi đó, địch có một hệ thống rà soát tín hiệu vô tuyến điện. Trong rừng, khi ta ngồi gõ máy thì ở Sài Gòn, Mỹ bật máy, phát hiện tín hiệu, lập tức khoanh vùng báo cho không quân tới ném bom chùm tọa độ. Vì thế, kinh nghiệm của chúng tôi là với những tin quan trọng phục vụ cho một chiến thắng lớn, cần phải phát ngay thì ngay sau khi kết thúc buổi phát tin phải nhanh chóng cuốn máy, thu dọn hiện trường rồi đi ngay. Sau 30 phút phải rời xa điểm phát tin ít nhất một cây số. Có thể nói, kỹ thuật viên của các Ðài Minh Ngữ VNTTX luôn cận kề với cái chết.

Ngày 13/6/1970, giữa cánh rừng giáp biên giới Campuchia, bên bờ sông Ðắc Siêng, trong trời mưa tầm tã, khi năm thành viên của Phân xã Nam Tây Nguyên-TTXGP khu 10 đang tập trung làm tin phát về Tổng xã tại Sài Gòn thì bất ngờ máy bay B57 của Mỹ ném bom chùm tọa độ. Chiếc máy thu phát 15W bị đánh bật tung nắp và vùi sâu trong lòng đất. Cả năm đồng chí hy sinh.

Nhà báo Nguyễn Trung Hiếu, lúc đó đang đi chữa bệnh nên may mắn sống sót. Ðầu năm 1971, cùng với ông Ðỗ Phú Thông (Sáu Thông), Phó Ban thông tin liên lạc T10, ông tự cắt đường rừng từ Ðầm Be ra sông Clong về Orang (huyện giáp ranh với khu 10) lần tìm về căn cứ. Giây phút đầu tiên khi trở lại Cứ, chứng kiến cảnh tượng tan hoang, ông đau đớn tột cùng.

Chiếc máy thu phát 15w đã theo nhà báo Nguyễn Trung Hiếu tới nhiều nơi trên chiến trường, tiếp tục sứ mệnh lịch sử truyền tin về Tổng xã cho đến ngày toàn thắng 30/4/1975. Chiếc máy này đã được ông bảo quản, giữ gìn, sau đó tặng lại phòng Truyền thống TTXVN đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ngành, năm 1995.

Ðược tin năm đồng chí hy sinh đã được một đơn vị bộ đội hành quân ngang qua chôn cất, ông gạt nước mắt, đào bới phần sót lại trên mặt đất ngổn ngang, bom đạn cày xới. Chiếc máy thu phát 15W tìm thấy dưới hầm trú ẩn, bị một miếng bom xuyên thủng và bật tung nắp, nhưng kỳ lạ sao, vẫn còn tín hiệu thu phát. Ông sửa lại, lắp pin mới, rồi lên sóng liên lạc với TTXGP và với Quân khu 10. Tin đầu tiên phát đi chính là tin thông báo 5 thành viên trong Phân xã đã hy sinh, xin tăng cường người và đề nghị được tiếp tục liên lạc với Tổng xã. Phân xã Nam Tây Nguyên chính thức được hồi sinh sau gần một năm trời đứt sóng.

Năm 1996, được sự giúp đỡ của nhân dân, chính quyền và bộ đội địa phương, TTXVN đã tìm được hài cốt của năm liệt sỹ thuộc Phân xã Nam Tây Nguyên. Hài cốt của các liệt sỹ Nguyễn Ngọc Công và Nguyễn Thành được đưa ra ngoài Bắc. Hài cốt của ba liệt sỹ Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Tiến Ðạt và Lê Văn Tửu được đưa về nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Sông Bé (cũ) nay là tỉnh Bình Dương.

Trong cuốn “Thông tấn xã Việt Nam-Nửa thế kỷ một chặng đường,” nguyên Tổng giám đốc TTXVN Ðỗ Phượng, khi nhắc đến Phân xã TTXGP Nam Tây Nguyên đã khẳng định: “Ðây là một trong những phân xã điển hình chịu đựng mọi gian khổ, đau ốm, đói khát trong chiến tranh, độc lập chiến đấu, bắn rơi trực thăng địch”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục