Pháp: Đình công khiến nhiều người chuyển sang phương tiện cá nhân

Các vụ tai nạn giao thông tại Pháp đã tăng gần 40% khi nhiều người buộc phải chuyển sang các phương tiện cá nhân nhưng lại thiếu kinh nghiệm sử dụng chúng.
Cảnh vắng vẻ tại một nhà ga ở Paris, Pháp trong bối cảnh các nghiệp đoàn đình công, ngày 13/12/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cảnh vắng vẻ tại một nhà ga ở Paris, Pháp trong bối cảnh các nghiệp đoàn đình công, ngày 13/12/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hàng nghìn người dân thủ đô Paris của Pháp đã chuyển sang đi xe đạp và xe máy điện để tránh phiền phức khi sử dụng phương tiện công cộng trong bối cảnh biểu tình của ngành vận tải Pháp đang diễn ra nhằm phản đối kế hoạch cải cách chính sách hưu trí.

Tuy nhiên, nhà chức trách cho biết đã nhận được thông báo về nhiều trường hợp bị thương do sử dụng các phương tiện cá nhân này.

Đội cứu hỏa của thành phố, lực lượng đầu tiên đối phó với các trường hợp khẩn cấp tại đây, cho biết các vụ tai nạn tăng gần 40% kể từ khi lao động ngành vận tải bắt đầu đình công từ ngày 5/12 vừa qua.

Người phát ngôn lực lượng cứu hỏa Paris, ông Gabriel Plus cho biết đội cứu hỏa đã tiến hành can thiệp 600 lần trong thời gian từ ngày 5-14/12 vừa qua, tăng mạnh so với 450 lần cùng kỳ năm ngoái. 

Do các cuộc đình công, nhiều loại phương tiện tham gia giao thông hơn trong khi nhiều người thiếu kinh nghiệm đi xe đạp hoặc các phương tiện thay thế khác.

Biểu tình của ngành vận tải tại Pháp đã bước sang ngày thứ 13. Hơn 50% các tuyến xe điện ngầm của thành phố Paris tạm dừng hoạt động và các tuyến tàu hỏa ở khu ngoại ô cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Biểu tình do các nghiệp đoàn tổ chức nhằm phản đối cải cách hệ thống lương hưu. Trong những tháng qua, nhiều vụ đụng độ đã xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình.

[Biểu tình phản đối cải cách lương hưu: Paris tắc nghẽn dài 630km]

Pháp là một trong những nước có hệ thống lương hưu hào phóng nhất trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nhưng hệ thống này đang gây thâm hụt ngân sách nghiêm trọng.

Trong chiến dịch tranh cử năm 2017, Tổng thống Emmanuel Macron cam kết tiến hành những cải cách triệt để hệ thống lương hưu của nước này. Tuy nhiên, chính sách cải cách của ông Macron đã vấp phải sự phản đối của các nghiệp đoàn.

Ngày 11/12 vừa qua, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã công bố chi tiết kế hoạch cải cách chế độ hưu trí theo hướng "có sự nhượng bộ" với phía nghiệp đoàn.

Cụ thể, hệ thống lương hưu phức tạp hiện hành gồm hơn 42 mức khác nhau sẽ được thay thế bằng một hệ thống phổ cập mới dựa trên tính điểm.

Những điều chỉnh này sẽ được áp dụng theo từng bước. Hệ thống mới cũng giữ nguyên tuổi về hưu hợp pháp là 62 tuổi, song sẽ khuyến khích những người muốn làm việc lâu hơn (cho tới năm 64 tuổi) thông qua một hệ thống thưởng và hệ thống miễn giảm.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt phía nghiệp đoàn chưa hài lòng là việc hệ thống hưu trí mới sẽ hủy bỏ các cơ chế lương hưu đặc biệt (bao gồm cơ chế cho phép nghỉ hưu sớm và một số lợi ích khác đối với người lao động thuộc khu vực công).

Ngoài ra, phía nghiệp đoàn cũng không đồng tình kế hoạch kéo dài tuổi lao động của chính phủ.

Chính phủ Pháp khẳng định những điều chỉnh trên sẽ tạo nên một hệ thống hưu trí công bằng hơn và giúp xóa bỏ mức thâm hụt quỹ lương hưu, dự đoán sẽ lên tới 17 tỷ euro (19 tỷ USD) vào năm 2025./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục