Phát triển dân tộc thiểu số, thu hẹp khoảng cách phát triển

Diễn đàn thường niên về phát triển dân tộc thiểu số diễn ra sáng 29/1 với chủ đề “Mục tiêu phát triển dân tộc thiểu số trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020.”
Phát triển dân tộc thiểu số, thu hẹp khoảng cách phát triển ảnh 1Học sinh dân tộc theo học tại trường Dân tộc nội trú huyện Chư Sê, Gia Lai. Ảnh minh họa. (Ảnh: Văn Thông/TTXVN)

Ngày 29/1 tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tổ chức diễn đàn thường niên về phát triển dân tộc thiểu số với chủ đề “Mục tiêu phát triển dân tộc thiểu số trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020.”

Phát biểu tại diễn đàn, ông Danh Út, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, sự thiếu đồng bộ của chính sách và các bất cập trong quy trình xây dựng chính sách như chưa tiếp thu các ý kiến đóng góp của các cơ quan bộ, ngành liên quan, của địa phương, cơ sở và đối tượng thụ hưởng; một số chính sách thiếu tính ổn định, lâu dài, thiếu tính chất đặc thù của vùng miền, dân tộc, đối tượng thụ hưởng, do vậy khi triển khai thực hiện chưa đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của đồng bào dân tộc thiểu số…

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhấn mạnh cần xây dựng khung chính sách tổng thể đồng bộ, thay cho việc đưa ra nhiều chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách, chương trình, dự án khác nhau như hiện nay.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Sơn Phước Hoan cho biết, Chính phủ Việt Nam kêu gọi các ngành, các cấp cùng giúp sức xây dựng kế hoạch hành động, thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển dân tộc thiểu số phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội chung của cả nước và đề xuất một cơ chế phối hợp, theo dõi đánh giá việc thực hiện các mục tiêu này giữa các Bộ, ngành và các địa phương.

Hoan nghênh cam kết, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện ưu tiên phát triển dân tộc thiểu số, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Pratibta Mehta đánh giá cao việc xây dựng kế hoạch hành động đặt ra các mục tiêu ưu tiên cho phát triển dân tộc thiểu số như một trụ cột trong khung kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020 của quốc gia, trong bối cảnh toàn cầu đang xây dựng các mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015.

Bà Pratibta Mehta chia sẻ, Việt Nam cần xử lý các vấn đề và xu hướng bất bình đẳng vốn nảy sinh khi các quốc gia tăng trưởng và phát triển, đặc biệt nổi bật ở các nước có thu nhập trung bình. Kinh nghiệm quốc tế và kinh nghiệm của Việt Nam từ giai đoạn đầu của quá trình đổi mới cho thấy hoàn toàn có thể tránh được một sự đánh đổi giữa bình đẳng và hiệu quả kinh tế và có thể thu hẹp khoảng cách và phát triển giữa các nhóm dân tộc thiểu số.

Cam kết chính trị cần được đi liền với các cơ chế triển khai hiệu quả nếu thực sự muốn tạo ra sự khác biệt và thay đổi thực sự cho đời sống của người dân. Các mục tiêu chính sách bao gồm cả việc tạo ra năng lực tự chủ thông qua việc xây dựng kỹ năng đảm bảo cho người dân thích nghi với biến đổi khí hậu.

Tại diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận việc xác định các khoảng cách trong phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số, đề xuất các hành động ưu tiên để đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020; đồng thời cho rằng mục tiêu phát triển dân tộc thiểu số cần được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016- 2020 nhằm thu hẹp khoảng cách trong phát triển.

Nhân dịp này, các đại biểu cũng đã chia sẻ một số mô hình phát huy hiệu quả năng lực nội sinh của cộng đồng và đề xuất đưa các mô hình này vào chương trình, chính sách giảm nghèo, hỗ trợ vùng dân tộc miền núi giai đoạn 2016- 2020 như mô hình cộng đồng làm chủ để tích hợp các nguồn vốn hỗ trợ trên địa bàn, huy động nội lực của cộng đồng dân tộc thiểu số; quản lý rừng dựa vào cộng đồng và cơ chế chia sẻ lợi ích với người dân.

Kể từ năm 2008, Diễn đàn phát triển dân tộc thiểu số thường niên đã trở thành một kênh trao đổi thông tin quan trọng kết nối các bên liên quan góp phần đưa ra nhiều định hướng chính sách phát triển phù hợp với dân tộc thiểu số và đề xuất các hành động ưu tiên để đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục