Phòng chống mua bán người trên tuyến biên giới Việt-Lào

Theo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, từ năm 2005 đến năm 2013, các địa phương biên giới giáp Lào đã phát hiện, bắt giữ 179 đối tượng lừa bán 234 nạn nhân.
Phòng chống mua bán người trên tuyến biên giới Việt-Lào ảnh 1Tuyên truyền cho đồng bào dân tộc Mông phát hiện các hành vi lừa đảo, buôn bán người. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 15/7, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo 138 (Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ) và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Trị tổ chức phát động chiến dịch truyền thông phòng, chống mua bán người trên tuyến biên giới Việt Nam-Lào.

Thông điệp của chiến dịch là "Mỗi người dân hãy tự nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người, di cư lao động an toàn; tích cực, chủ động tìm hiểu thông tin và trang bị kỹ năng bảo vệ bản thân và gia đình trước nạn mua bán người; tham gia phát hiện và tố giác tội phạm; kịp thời báo với chính quyền, đoàn thể địa phương dấu hiệu nghi ngờ mua bán người.”

Là hai nước láng giềng gần gũi, Việt Nam và Lào có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt. Để góp phần củng cố hòa bình, ổn định hợp tác, phát triển ở khu vực, phấn đấu vì sự tiến bộ và bình đẳng của phụ nữ hai nước, nhân dân và phụ nữ hai nước cam kết hợp tác trên các lĩnh vực trong đó có phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

Tuyến biên giới giữa hai nước có chiều dài hơn 2.000km, tiếp giáp với 10 tỉnh gồm 34 huyện, 151 xã, thông qua 7 cửa khẩu quốc tế, 8 cửa khẩu chính, 20 cửa khẩu phụ và hàng trăm đường mòn qua lại. Nhân dân khu vực biên giới hai nước thường xuyên qua lại làm ăn, thăm thân, du lịch, nhiều trường hợp kết hôn với nhau.

Biên giới hai nước thường xuyên thu hút một lượng khách rất lớn qua lại buôn bán, vận chuyển, trao đổi hàng hóa, cũng từ đó phát sinh nhiều phức tạp, đặc biệt là tình trạng buôn bán người.

Theo báo cáo của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm-Bộ Công an, từ năm 2005 đến năm 2013, các địa phương biên giới giáp Lào đã phát hiện, bắt giữ 85 vụ với 179 đối tượng, lừa bán 234 nạn nhân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có sự nhẹ dạ cả tin của một bộ phận người dân. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao của người dân, cũng như những thủ đoạn tinh vi của bọn tội phạm khiến nhiều người đã trở thành nạn nhân bị mua bán.

Những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương tới địa phương để triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống mua bán người.

Tại tỉnh Quảng Trị, Hội đã tổ chức các lớp tập huấn cho báo cáo viên, tuyên truyền viên; tổ chức các buổi đối thoại chính sách tại cộng đồng về di cư lao động an toàn, phòng ngừa mua bán người.

Ban Chỉ đạo 138 ở các tỉnh, thành phố, trong đó có Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Quảng Trị đã tích cực chỉ đạo, triển khai công tác này và đạt được những kết quả khả quan tại địa phương, góp phần hạn chế tình trạng mua bán người và tạo điều kiện cho nhiều nạn nhân có cơ hội hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục