Phóng viên Nhật bị bắt cóc trong mắt người thân và đồng nghiệp

Kenji Goto, một trong 2 con tin người Nhật bị IS bắt cóc, là một người con hiền lành trong mắt người mẹ; một phóng viên chiến trường xông xáo và luôn xót thương những đứa trẻ nạn nhân chiến tranh.
Phóng viên Nhật bị bắt cóc trong mắt người thân và đồng nghiệp ảnh 1Phóng viên Nhật Bản Kenji Goto. (Nguồn: The Guardian)

Thời hạn 72 giờ mà nhóm phiên quân tự xưng là thành viên Nhà nước Hồi giáo bắt giữ hai con tin Nhật Bản đưa ra đã hết, số phận của hai con tin Haruna Yukawa, 42 tuổi, và Kenji Goto, 47 tuổi, vẫn chưa rõ ràng.

Người thân và bạn bè của hai con tin bị bắt cóc đều kêu gọi khẩn thiết, cứu mạng sống của họ: “Kenji không phải kẻ thù của IS. Làm ơn hãy cứu tính mạng cậu ấy,” “Xin đừng làm hại họ.”

Người mẹ đau khổ, mỏi mòn

Bà Junko Ishido, 78 tuổi, mẹ của phóng viên Kenji Goto, chiều 23/1 vừa xem tin tức trên truyền hình tại tư gia ở thủ đô Tokyo, chờ đợi thông tin thêm từ diễn biến của vụ bắt cóc.

Trong cuộc họp báo tại Hiệp hội đặc phái viên nước ngoài tại Nhật Bản vào sáng cùng ngày, bà Ishido nói: “Kenji không phải kẻ thù của IS. Làm ơn hãy thả con tôi ra.”

Bà cho biết Goto một mình đi vào địa phận của IS để “giải thoát cho Yukawa (con tin còn lại)” và kêu gọi những phần tử cực đoan “hãy chấm dứt nỗi đau khổ và oán hận.”

Người mẹ đau khổ ấy đã khóc suốt 3 ngày qua kể từ khi đoạn video đe dọa của các phần tử cực đoan đăng lên mạng ngày 20/1.

Phóng viên Nhật bị bắt cóc trong mắt người thân và đồng nghiệp ảnh 2Hình ảnh từ đoạn băng IS dọa hành quyết hai con tin Nhật Bản. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thời hạn mà nhóm phiến quân Hồi giáo đưa ra đòi chuộc 200 triệu USD đổi lấy tính mạng các con tin là 72 tiếng đồng hồ. Đến 2 giờ 50 phút chiều 23/1 (giờ Nhật Bản),  thời hạn này đã trôi qua nhưng vẫn chưa có diễn biến cụ thể nào được thông báo.

“Giờ đây tôi cũng chỉ còn biết tin tưởng vào Chính phủ Nhật Bản,” bà Ishido nói với đôi mắt thất thần.

Phóng viên Kenji Goto sinh ra ở thành phố Sendai và lớn lên ở Tokyo. Gia đình Goto có 3 anh chị em, anh là con út trong nhà.

Kể về con trai, bà Ishido cho biết: “Nó là đứa trẻ hiền lành, luôn biết suy nghĩ cho bạn bè.”

Thời sinh viên, Kenji là một chàng trai hoạt bát và đặc biệt yêu thích môn bóng bầu dục Mỹ. Cuối mùa Đông năm 2012. Kenji Goto đã tổ chức tiệc mừng sinh nhật cho mẹ tại một quán ăn gần nhà.

Bà Ishido nói: “Tôi đã nói với nó là con hãy trở thành người có ích cho cuộc đời. Hãy giữ gìn sức khỏe. Nó cười và gật đầu ngượng nghịu.”

Thời gian gần đây, bà ít thấy mặt con trai vì Kenji Goto ra nước ngoài và chỉ liên lạc qua thư điện tử và điện thoại.

Tháng 5/2014, bà nhận được một thư điện tử của Goto với nội dung: “Con đến Trung Đông làm việc.” Bà dặn con trai “hãy cẩn thận.” Sau đó thì bặt vô âm tín.

Anh Goto từng tâm sự với mẹ về cảm giác đau khổ của mình khi nhìn thấy những em nhỏ bị thương lúc đi đưa tin ở vùng chiến sự ác liệt.

Vợ của Kenji Goto mới sinh con hôm 1/10. Bà Ishido nghẹn ngào: “Xin mọi người hãy sớm cho đứa bé được nhìn mặt cha nó.”

Đồng nghiệp đứng ngồi không yên

Những phóng viên đồng nghiệp quen biết Kenji Goto đều phấp phỏng lo âu và không giấu được cảm giác thất vọng.

Phóng viên quay phim Shin Yahiro, 35 tuổi, gặp Goto khi đang đưa tin tại một gia đình người tị nạn ở Trung tâm báo chí ở Azaz, miền Bắc Syria, giáp với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Yahiro bắt đầu tác nghiệp tại Syria và được Goto đưa ra lời khuyên là “nên tự xây dựng đề tài riêng và đưa tin sẽ hay hơn.”

Tháng 12/2014, Yahiro nghe tin Goto đang mất tích và thử gọi điện thoại di động nhưng không kết nối được.

Anh Yahiro chia sẻ: “Tôi cầu mong anh ấy sẽ không bị làm sao.”

Phóng viên Akira Ikegami, 64 tuổi, một nhà báo có nhiều kinh nghiệm, cho biết: “Mặc dù thời hạn 72 giờ đã hết nhưng chẳng biết tình hình sẽ như thế nào, tôi thấy sốt ruột, đứng ngồi không yên,” ông Ikegami vừa nói vừa rơm rớm nước mắt.

Một người thầy thân thiện của thế hệ trẻ

Kenji Goto không chỉ là một phóng viên năng nổ và xông xáo. Anh còn được các trường đại học mời đến giảng dạy về kinh nghiệm tác nghiệp.

Một vị giáo sư khi giảng ở Đại học Công nghiệp Tokyo, quận Meguro, đã nói với các sinh viên về ý nghĩa của việc phóng viên Goto đưa tin chiến trường: “Anh ấy đã đi đến nơi mà ai đó sẽ phải đi. Cuộc nội chiến ở Sudan kéo dài gây ra nạn đói vì chẳng có phóng viên nào đưa tin. Nếu không có ai đó nói về những gì đang diễn ra thì có vẻ như chiến tranh không có thật. Đó là điều tệ hại nhất.”

Thông qua công việc của một phóng viên, Goto gặp gỡ các em nhỏ bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang. Tất cả những điều đó đều được anh đưa vào những bài giảng ở trường đại học.

Từ năm 2009-2012, phóng viên Goto đã có 4 lần lên lớp giảng bài tại Khoa Nhân học, thuộc Đại học Taisho.

Giáo sư Takashi Ochiai, 58 tuổi, cho biết: “Tôi mong sao anh ấy bình an trở về và một lần nữa lại lên bục giảng.”

Một buổi lên lớp của Goto kéo dài hơn 4 tiếng rưỡi. Đối tượng của anh là các sinh viên năm thứ nhất. Ảnh nói về tình cảnh của các em nhỏ mà mình bắt gặp trong cuộc xung đột ở Trung Đông.

Goto vừa cho sinh viên xem những bức ảnh anh đã chụp ở hiện trường vừa nói: “Một khi xảy ra chiến tranh, trẻ em sẽ chết vì những vấn đề của người lớn.”

Giáo sư Ochiai chia sẻ: “Tôi cảm nhận được sự ấm áp trong cái nhìn của anh Goto.”

Tháng 10/2010, Goto đã tới thăm Trường mẫu giáo Myojo ở Nagasaki. Anh giao lưu với 30 cháu bé, cho các cháu sử dụng thiết bị vô tuyến dùng cho tác nghiệp và giới thiệu về công việc của mình với vẻ đầy tự hào: “Đây là thứ duy nhất bảo vệ tính mạng cho những con người ở nơi xảy ra xung đột.”

Hiệu trưởng Trường Myojo, Kenji Okunuki, 66 tuổi, nói: “Cậu ấy là người dễ mến và thân thiện. Tôi muốn mọi người hãy cứu lấy cậu ấy”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục