Phú Thọ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Việt Trì

Phú Thọ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Việt Trì đến năm 2030, tương xứng vai trò trung tâm cấp vùng trung du phía Bắc
Phú Thọ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Việt Trì ảnh 1Một góc thành phố Việt Trì. (Nguồn: viettri.gov.vn)

Tỉnh Phú Thọ vừa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Việt Trì đến năm 2030 nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và tạo lập cơ sở xây dựng thành phố hiện đại, tương xứng với vai trò, vị trí là đô thị Trung tâm cấp vùng (vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng thủ đô Hà Nội).

Phạm vi điều chỉnh quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính thành phố Việt Trì, gồm 23 đơn vị hành chính, trong đó 13 phường và 10 xã, có diện tích 11.175ha, với quy mô dân số hiện tại 283.995 người.

Ranh giới được xác định phía Bắc giáp huyện Phù Ninh (Phú Thọ), phía Đông giáp huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc), phía Nam giáp huyện Ba Vì (Hà Nội), phía Tây giáp huyện Lâm Thao (Phú Thọ).

Đây là thành phố tỉnh lỵ, là trung tâm hành chính tổng hợp của tỉnh Phú Thọ và là một trong những trung tâm khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch, đầu tầu thúc đẩy sự phát triển của vùng Trung du miền núi Bắc bộ; là một cực quan trọng trong mô hình phát triển đa cực của vùng thủ đô Hà Nội...

Đặc biệt, cấu trúc không gian đô thị của thành phố sẽ được xây dựng thành trục kết nối không gian đô thị từ cửa ngõ phía Nam thành phố đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng; hai trục còn lại hướng song song gắn với khai thác tổ chức không gian của tuyến đường sắt, nhà ga đường sắt và nút cao tốc Hà Nội – Lào Cai đi qua địa bàn tỉnh Phú Thọ...

Cơ cấu phát triển đô thị cũng được điều chỉnh theo phương án phát triển hài hòa, kế thừa và đột phá.

Thành phố sẽ được xây dựng trên cơ sở hệ thống chỉ tiêu cho đô thị loại I, phù hợp với tính chất đô thị trung tâm vùng, đô thị du lịch. Đồng thời phát triển các dự án đã được khẳng định tại quy hoạch năm 2005; xây dựng trung tâm Logistic cấp vùng; chuyển đổi mô hình sản xuất công nghiệp từ "Nâu sang Xanh"; tổ chức không gian phía ngoài đê sông Hồng và sông Lô thành các không gian xanh, du lịch sinh thái, resort...

Mạng lưới giao thông sẽ được đầu tư phát triển đồng bộ và hiện đại, đảm bảo kết nối nội ngoại vùng thuận lợi, giải quyết vấn đề giao thông đặc biệt tại các ngày có lễ hội, phát triển mạnh giao thông công cộng như xe buýt nhanh, đường sắt đô thị trên cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục