Quảng Ninh có nhiều nghị quyết riêng chăm lo cho người có công

Tỉnh Quảng Ninh ban hành các nghị quyết riêng, đặc thù, nhằm động viên, hỗ trợ người có công và thân nhân của họ vươn lên, có cuộc sống ngày càng ổn định hơn.
Quảng Ninh có nhiều nghị quyết riêng chăm lo cho người có công ảnh 1Vợ chồng ông Khang, bà Cườm ở xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, phấn khởi khi được Đảng, Nhà nước chăm lo chu đáo đến người có công. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm, chăm lo giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” với những người đã hy sinh xương máu, tuổi trẻ… để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, Hội đồng nhân dân tỉnh cũng ban hành các nghị quyết riêng, đặc thù, nhằm động viên, hỗ trợ người có công và thân nhân của họ vươn lên, có cuộc sống ngày càng ổn định hơn.

[74 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ: Nỗi đau chưa vơi sau hơn 40 năm]

Từ nguồn tiền tích lũy, vay mượn và được hỗ trợ 60 triệu đồng từ Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công giai đoạn 3 của tỉnh, năm 2020 ngôi nhà cấp 4 khang trang, rộng rãi của vợ chồng ông Nguyễn Tiến Khang (78 tuổi) và bà Phạm Thị Cườm (72 tuổi) ở thôn 15, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, được hoàn thành.

Ông Nguyễn Tiến Khang từng tham gia phục vụ kháng chiến tại các chiến trường miền Đông Nam Bộ, Campuchia, Quảng Trị gần 9 năm, còn bà Cườm tham gia thanh niên xung phong tại Quảng Ninh.

Sau khi xuất ngũ, ông, bà về quê phát triển kinh tế. Do gia đình có 6 người con nên cuộc sống khá khó khăn, sau khi các con trưởng thành, có cuộc sống riêng, ông bà đã lớn tuổi muốn có ngôi nhà để yên tĩnh tuổi già.

May mắn là có thêm nguồn hỗ trợ của nhà nước nên ông, bà mạnh dạn xây dựng ngôi nhà mới. Với niềm vui này, ông, bà không ngần ngại hiến một phần nhỏ diện tích đất của gia đình cho thôn làm đường, giúp người dân đi lại thuận lợi hơn.

Cũng như vợ chồng ông Khang, bà Cườm, tỉnh Quảng Ninh có nhiều gia đình chính sách, người có công được quan tâm, chăm lo đời sống.

Ông Bùi Doãn Năm, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, cũng không giấu được niềm vui mặc dù ngôi nhà mới đã hoàn thành hơn một năm nay.

Ông Năm chia sẻ nhờ có số tiền 60 triệu đồng từ chính sách hỗ trợ người có công và được người thân, địa phương giúp đỡ, gia đình ông đã có được ngôi nhà mới, không còn phải sống trong ngôi nhà dột nát trước đây. Giờ đây, dù trời mưa, nắng, ông và người thân không còn phải thấp thỏm lo âu.

Việc sửa chữa và xây mới nhà ở cho hộ gia đình người có công luôn được tỉnh Quảng Ninh quan tâm, thực hiện tốt, tạo thành phong trào lan tỏa trong xã hội.

Từ năm 2013 đến nay, Quảng Ninh đã triển khai hỗ trợ nhà ở cho gần 10.000 gia đình có công với tổng kinh phí trên 300 tỷ đồng, trong đó hơn 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.

Địa phương này hoàn thành Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ sớm nhất cả nước, vượt 20% số hộ được hỗ trợ so với Đề án đã được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thẩm định.

Đặc biệt, Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 3 được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII thông qua tại Nghị quyết 246/2020/NQ-HĐND ngày 10/4/2020, thì đến hết năm 2020 đã có gần 3.000 hộ gia đình người có công được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở từ nguồn ngân sách tỉnh với tổng kinh phí thực hiện trên 128 tỷ đồng.

Các cơ chế, chính sách cụ thể như: hỗ trợ tiền ăn 1,4 triệu đồng/đợt điều dưỡng đối với những người điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh và 700.000 đồng/đợt đối với các trường hợp điều dưỡng tại gia đình; hỗ trợ 60.000 đồng/tháng và 100.000 đồng/tháng cho học sinh, sinh viên là con liệt sỹ, thương bệnh binh nặng có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các trường dạy nghề, đã tạo điều kiện cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công trong tỉnh.

Ông Lê Văn Bộ ở phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, đang điều dưỡng tại Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh, phấn khởi cho biết, những năm qua tỉnh rất quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ người có công. Được đi điều dưỡng theo đợt giúp ông thấy tinh thần lạc quan, sức khỏe được cải thiện nhiều và còn được gặp gỡ các đồng chí, đồng đội...

Ông Hoàng Văn Hồi, Phó Giám đốc Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Quảng Ninh, thông tin toàn tỉnh có hơn 10.000 đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân được hưởng chế độ điều dưỡng. Trong số đó, gần 400 người thuộc diện điều dưỡng một năm một lần và gần 9.700 người thuộc diện điều dưỡng 2 năm/lần.

Cùng với chính sách của nhà nước, Quảng Ninh luôn quan tâm đến người có công, đặc biệt là có nghị quyết riêng để hỗ trợ người đến điều dưỡng tại trung tâm về kinh phí ăn, ở, tham quan, du lịch.

Hiện tỉnh Quảng Ninh có trên 14.500 người có công với cách mạng; 35.247 người được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến; 5.519 người hưởng chế độ thờ cúng liệt sỹ.

Quảng Ninh có nhiều nghị quyết riêng chăm lo cho người có công ảnh 2Đại diện lãnh đạo xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, đi thăm, tặng quà cho người có công với cách mạng nhân kỉ niệm 74 năm ngày thương bình, liệt sỹ. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Hằng năm, tỉnh luôn dành một phần kinh phí lớn để thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách trong các dịp lễ, Tết, Ngày Thương binh- Liệt sỹ và trợ cấp đột xuất cho các đối tượng lúc ốm đau, hoạn nạn, khó khăn.

Theo nhận định, 100% gia đình thương, bệnh binh trong tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; 100% người có công được cấp thẻ bảo hiểm y tế và có trên 5.000 lượt đối tượng được giải quyết chế độ điều dưỡng, phục hồi sức khỏe mỗi năm…

Sự quan tâm, chăm lo kịp thời của các cấp, ngành, địa phương với người có công là niềm động viên, chỗ dựa tinh thần vững chắc giúp họ và người thân có thêm niềm tin vào cuộc sống.

Nhiều gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh đã nêu cao ý chí tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng, phát triển quê hương.

Bà Hà Thị Thanh Lê, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, cho hay những năm qua, tỉnh triển khai các việc làm cụ thể, các cơ chế, chính sách phù hợp, kịp thời nhằm tri ân những cống hiến, hy sinh của người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, bù đắp cho họ phần nào mất mát, thiệt thòi.

Phát huy những giá trị nhân văn, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn,” trong thời gian tới Sở sẽ tiếp tục tham mưu với tỉnh, quan tâm thực hiện các chính sách để người có công tiếp tục có mức sống bằng và cao hơn người dân tại cộng đồng sinh sống, duy trì thực hiện tốt các chế độ, chính sách với người có công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục