Chỉ 8 năm nữa, quỹ hưu trí Việt Nam sẽ bắt đầu thâm hụt và trong vòng 21 năm tới, những người lao động đang ở độ tuổi 35-40 hiện nay sẽ không được nhận lương hưu vì quỹ hưu trí cạn kiệt.
Đây là một trong những khuyến cáo của dự án “Đánh giá và dự báo tài chính quỹ hưu trí của Việt Nam” do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thực hiện theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam.
Thông qua điều tra, dự án đã chỉ ra tốc độ già hóa dân số nhanh cùng với sự lỗi thời của những chính sách bảo hiểm xã hội sẽ làm suy yếu quỹ hưu trí một cách nghiêm trọng. Việt Nam cần phải có ngay những cải cách cơ cấu bảo hiểm xã hội mạnh mẽ, nếu trì hoãn cải cách có thể dẫn đến những khủng hoảng xã hội trong tương lai.;
Chính vì vậy, Chính phủ đang xem xét đệ trình Quốc hội Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi với những thay đổi lớn về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, cách tính lương hưu… vào năm 2014.
Nguy cơ cận kề
Trong báo cáo của ILO, ở Việt Nam, chỉ có khoảng 20% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội cho thấy tiềm năng mở rộng đối tượng trong thời gian tới tại Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào thời kỳ dân số vàng với số người trong độ tuổi lao động chiếm tới 58,5% cơ cấu dân số.
Tuy nhiên, khi thời kỳ dân số vàng qua đi, quá trình già hóa dân số diễn ra rất nhanh, nếu không có một chính sách cải cách kịp thời để khôi phục quỹ hưu trí thì một tỷ trọng lớn dân số sẽ không còn được hưởng trợ cấp xã hội trong tương lai và tạo áp lực lớn lên Chính phủ.
Năm 2012, Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số khi nhóm người trên 60 tuổi chiếm hơn 10% tổng dân số, giai đoạn này sớm hơn 5 năm so với dự kiến. Với số lượng thanh niên trong độ tuổi lao động giảm đi và chế độ lương hưu “hào phóng," quỹ lương hưu sẽ cạn kiệt nếu quá trình cải cách không đưa ra được những biện pháp cấp thiết.
Ông Carlos Galian, Chuyên gia về an sinh xã hội của ILO tại Việt Nam cho rằng, trong tình hình kinh tế đi xuống như hiện nay, việc Việt Nam tập trung vào mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm xã hội sẽ không giải quyết được vấn đề bền vững của quỹ hưu trí. Càng có nhiều người lao động tham gia bảo hiểm xã hội thì nguồn thu của quỹ có tăng trong ngắn hạn nhưng lại phải chi trả lương hưu cho nhiều người hơn sau này.
Chiến lược cải cách phải được thực hiện đồng bộ, khắc phục được những hạn chế của chính sách bảo hiểm xã hội hiện hành và đáp ứng được những thách thức trong tương lai.
Ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc ILO Việt Nam cảnh báo: “Cải cách bảo hiểm xã hội giống như việc chèo lái một con thuyền lớn và thuyền trưởng không thể chờ đến phút cuối mới hành động. Con thuyền đó phải được xoay chuyển trước khi tiến đến quá sát chướng ngại vật. Nhưng thật đáng quan ngại là báo cáo của ILO cho thấy, chướng ngại vật đó lại đang ở rất gần.”
Lao động bắt đầu rút khỏi BHXH
Vấn đề của chính sách bảo hiểm xã hội mà các chuyên gia nhấn mạnh chính là tình trạng “đóng ít, hưởng nhiều” của chế độ hưu trí hiện nay. Theo cách tính của ILO, tỷ lệ hưởng lương hưu của công chức, viên chức là hơn 100%, có nghĩa là họ hưởng nhiều hơn mức đóng bảo hiểm xã hội thực tế của họ.;
Theo khảo sát gần đây nhất của ILO, tuổi nghỉ hưu thực tế tại Việt Nam là 54 tuổi và không có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Trong khi đó, tuổi thọ và kỳ vọng sống trong những năm gần đây lại có xu hướng tăng tới 75 tuổi và sẽ lên tới 78 tuổi trong một vài năm tới. Như vậy, người lao động đóng bảo hiểm xã hội từ 25-30 năm trong tương lại sẽ hưởng lương hưu khoảng 20 năm hoặc nhiều hơn. Tỷ lệ giữa thời gian làm việc và thời gian hưởng lương hưu này là không bền vững.
Mặt khác, tỷ lệ hưởng lương hưu hiện nay của Việt Nam là 75% cũng là mức quá cao mà các chuyên gia khuyến nghị cần phải thay đổi. Theo các chuyên gia, Việt Nam nên bỏ mức hưởng trần 75% và áp dụng cách tính mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được hưởng là 1,5% hoặc nhiều nhất là 2%.
“Thông thường, hệ thống hưu trí chỉ cho phép một tỷ lệ hưởng trong khoảng từ 40-60%. Trên thực tế, tỷ lệ hưởng lương hưu của Việt Nam là tỷ lệ cao nhất các chuyên gia của ILO từng biết đến,” ông Carlos Galian, Chuyên gia về an sinh xã hội của ILO tại Việt Nam cho biết.