Sẽ quản lý chặt 6 nhóm mặt hàng hay bị buôn lậu và làm giả

Phó Cục trưởng Quản lý thị trường cho biết, đến hết quý III, tại các tuyến và địa bàn trọng điểm phải có sự chuyển biến rõ rệt trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Cục Quản lý thị trường sẽ phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh triển khai quyết liệt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với người đứng dầu cơ quan, đơn vị hoặc công chức để xảy ra tình trạng vi phạm trên địa bàn được giao quản lý, phụ trách.

Đến hết quý III, tại các tuyến và địa bàn trọng điểm phải có sự chuyển biến rõ rệt trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhất là các nhóm mặt hàng phân bón, xăng dầu, khí hóa lỏng, mũ bảo hiểm, thuốc lá điếu ngoại nhập lậu và gia cầm nhập lậu.

Đó là ý kiến của ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tại Hội nghị giao ban trực tuyến triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành công thương về công tác Quản lý thị trường 6 tháng cuối năm 2014, do Bộ Công Thương tổ chức chiều 1/7.

Báo cáo 6 tháng đầu năm 2014 của lực lượng Quản lý thị trường, theo ông Lam, đơn vị này đã kiểm tra 90.826 vụ, xử lý 48.691 vụ với tổng số thu ngân sách là 202,76 nghìn tỷ đồng (tăng 15,65% so với cùng kỳ năm 2013).

Tuy nhiên, vị lãnh đạo Cục Quản lý thị trường cũng thừa nhận, tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại những địa bàn nóng như Lạng Sơn, Quảng Trị, biên giới Tây Nam vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Về nguyên nhân, ông Lam cho rằng, chủ yếu là do nhiều loại hàng do nước ngoài sản xuất có giá cả chênh lệch lớn so với hàng trong nước. Hơn nữa, mức thuế nhập khẩu áp dụng hạn ngạch như rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, đường ăn, xăng dầu... còn cao nên các đối tượng đã tìm nhiều cách để tuồn vào trong nước hòng kiếm lời.

Trong khi đó, công tác phối hợp kiểm tra, xử lý giữa các chi cục Quản lý thị trường tại những địa bàn liên tuyến còn chưa có sự phối hợp chặt chẽ, nhất là việc chia sẻ thông tin chưa chủ động kịp thời...

"Công tác phối hợp phần nhiều mới chỉ dừng lại ở việc giao lưu trao đổi kinh nghiệm giữa các chi cục, hoặc phối hợp kiểm tra, kiểm soát với các lực lượng chức năng khác ngành chứ chưa xây dựng phương án phối hợp kiểm tra, kiểm soát giữa các Chi cục Quản lý thị trường tại địa bàn giáp ranh, liên địa bàn, liên tuyến," ông Lam nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, để hạ nhiệt các điểm nóng về buôn lậu, từ nay đến hết năm lực lượng quản lý thị trường cần quyết liệt, tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đồng thời có biện pháp đấu tranh với các mặt hàng buôn lậu nóng như: xăng dầu, khí hóa lỏng; vi phạm về sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm; sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng; thuốc lá điếu ngoại nhập lậu…

Ngoài ra, thứ trưởng cũng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường tập trung ngăn chặn các hành vi lợi dụng chủ trương “Người Việt Nam dùng hành Việt Nam” của Bộ Chính trị để trà trộn hàng lậu, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng vào tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Về hành lang pháp lý, thứ trưởng Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ khẩn trương hoàn thiện các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật giúp lực lượng quản lý thị trường hoạt động tốt hơn.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ đẩy mạnh các biên pháp tuyên truyền, cảnh báo người dân các nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng từ các hàng hóa không rõ nguồn gốc, đặc biệt là rau, quả, thuốc lá nhập lậu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục