Sư tử hay mèo cảnh?

"Tam sư dũng mãnh" hay "mèo đội lốt sư tử"?

Đối đầu với Đức, các tuyển thủ Anh liệu sẽ chơi bóng như những con sư tử dũng mãnh thực sự hay chỉ là những chú mèo làm cảnh?
Thi đấu không mấy ấn tượng với hai trận hòa cùng một trận thắng (tất cả đều với tỷ số tối thiểu), Tam sư chấp nhận ngôi nhì bảng C và đồng nghĩa với việc phải gặp đối thủ nhiều duyên nợ Đức ở ngay vòng 1/16.

Có thể nói đây là tin xấu đối với những đệ tự của túc cầu châu Âu khi hai "ông lớn" châu lục phải loại nhau sớm như vậy khi cả đương kim vô địch Italy và Pháp đều đã phải xách vali về nước trong sự tủi hổ và các đội bóng từ châu Mỹ dường như đang thừa thắng xông lên, thống trị World Cup 2010 này.

Đây là lần đọ sức thứ 5 của Mannschaft và Tam sư trong các kỳ World Cup và là đầu tiên kể từ khi Tây Đức đánh bại Anh sau những loạt đá luân lưu đầy may rủi trong trận bán kết World Cup 1990. Chẳng cần nói gì nhiều về hai đối thủ này, song đến với trận cầu kinh điển này, cả quá khứ và hiện tại đều đang ủng hộ các cầu thủ Đức lạnh lùng.

Về mặt duy vật, quá khứ không thể ảnh hưởng tới hiện tại. Nhưng duy tâm thì lại khác đôi chút và các cầu thủ xứ sở sương mù phải vượt qua định kiến rằng họ thường thấp kém hơn khi gặp Đức, hoặc bất kỳ đội bóng lớn nào.

Kể từ khi đánh bại Tây Đức tại World Cup 1966, trong 44 năm qua, tại các vòng loại trực tiếp World Cup, Anh chỉ hạ gục được các đối thủ không xứng tầm như Paraguay, Bỉ, Cameroon, Ecuador và Đan Mạch. Và có một thực tế đáng buồn là Tam sư chưa từng lọt vào trận chung kết một kỳ World Cup hay giải vô địch châu Âu nào.

Ngược lại, Đức có một bề dày thành tích đáng nể với 11 lần góp mặt tại trận chung kết hai giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh và châu lục này, trong đó là hai lần giành ngôi vương (World Cup 1974 và 1990), ba lần đoạt ngôi á quân (World Cup 1982, 1986 và 2002). Trong sáu lần chơi tại trận chung kết giải vô địch châu Âu, "những cỗ xe tăng" Đức đã ba lần đăng quang.

Đó là quá khứ. Còn hiện tại - từ đầu giải tới giờ, Đức đã thể hiện bản lĩnh của một đội bóng lớn, dù bị sảy chân trước Serbia, song đã chơi hết sức ấn tượng ở trận đầu gặp Australia (4-0), vượt qua Ghana với tỷ số tối thiểu. Trong khi đó, Tam sư chật vật với ở bảng C dù các đối thủ nhẹ ký hơn nhiều như Slovenia, Algeria và Mỹ.

Đến với trận 1/16 tới, trong đội hình của Anh không có sự biến động lớn nào, không có thêm cầu thủ bị chấn thương. Song, với Đức mọi ánh mắt lo ngại đều dồn vào chấn thương của Bastian Schweinsteiger, tiền vệ được đánh giá là linh hồn của đội bóng. Huấn luyện viên Joachim Loew đã ngậm ngùi tuyên bố danh thủ 25 tuổi này chỉ có thể ra sân khi bình phục 100% chấn thương sau trận gặp Ghana.

Trong khi đó, hậu vệ Jerome Boateng cũng có chút rắc rối về thể lực. Dự kiến, tiền vệ Toni Kroos sẽ đá thay vị trí của Schweinsteiger từ đầu trận và hậu vệ cánh trái Holger Badstuber chơi thay cho Boateng.

Dù không đối mặt với vấn đề chấn thương như đối phương, song huấn luyện viên Fabio Capello phải giải bài toán nan giải là làm sao cải thiện lối chơi của Tam sư, vốn không mấy thuyết phục và khiến các cổ động viên khá thất vọng.

Cả ba trận ở vòng đấu bảng, cùng bị thủng lưới 1 bàn, song Anh chỉ 2 lần sút tung lưới đối phương trong khi hiệu suất ghi bàn của Đức quả là đáng nể - 5 bàn.

Trận thua tủi nhục của Anh trước Đức tại vòng bán kết World Cup 1990 ở Italy và tại giải vô địch châu Âu 1996 ngay trên thánh địa Wembley vẫn là vết thương chưa liền miệng đối với các cầu thủ và người hâm mộ của Tam sư. Việc của huấn luyện viên Capello là phải cùng các học trò của mình gạt bỏ quá khứ để tiến lên phía trước và chơi bóng như những con sư tử dũng mãnh thực sự thay vì chỉ là những chú mèo đội lốt để nuôi làm cảnh./.

Hồ Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục