“Chất lượng nguồn nhân lực luôn là mối quan tâm của các quốc gia trên thế giới," giáo sư, tiến sỹ Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, tại hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện dân số vàng Việt Nam.”
Theo ông Vương Đình Huệ, cơ cấu dân số Việt Nam bắt đầu chuyển từ “cơ cấu dân số trẻ” bước vào giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” với tỷ số phụ thuộc là 46,4%. Tuy nhiên, giai đoạn dân số vàng chỉ kéo dài trong khoảng từ 35-40 năm (dự báo sẽ kết thúc vào năm 2045-2050).
Sự chuyển đổi nhân khẩu này đưa đến nhiều cơ hội thuận lợi, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức gay gắt đối với sự phát triển kinh tế, xã hội ở nước ta trong thời gian tới, đó là các vấn đề trong việc tạo công ăn việc làm, bảo hiểm xã hội, an ninh trật tự, an ninh lương thực, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giáo dục…
“Trong giai đoạn cơ cấu 'dân số vàng', Việt Nam sẽ có một lực lượng lao động trẻ hùng hậu. Nếu lực lượng này là lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao thì sẽ tạo ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ, làm tăng thu nhập bình quân đầu người và tạo ra giá trị tích lũy lớn cho tương lai, đảm bảo an sinh xã hội khi đất nước bước vào giai đoạn 'dân số già'.
Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra sôi động ở khắp các vùng miền trong cả nước, sẽ tác động mạnh mẽ tới các dòng dân cư, đặc biệt là dòng di cư nông thôn, thành thị và di cư ở nhóm tuổi lao động đã tạo nên động lực lớn trong việc tạo thêm việc làm,” giáo sư Vương Đình Huệ nói.
Song ở góc độ khác, Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế Quốc dân) chỉ ra, theo điều tra dân số, năm 2011 tỷ lệ người trên 60 tuổi của Việt Nam đã hơn 8,6 triệu người, chiếm gần 10% dân số, tỷ lệ trên 65 tuổi chiếm 7% dân số nên Việt Nam chính thức gia nhập các quốc gia già hóa dân số từ năm 2011 (sớm hơn dự báo là 6 năm).
Do đó, ông Cử đưa ra khuyến nghị, nếu tạo đủ việc làm cho lao động và lao động có năng suất cao sẽ phát huy được dân số vàng, tránh được “bẫy thu nhập trung bình” có khả năng “giàu trước khi già”. Nhưng, để đội ngũ lao động vàng có chất lượng, cần nâng cao chất lượng giáo dục, tích cực đầu tư vào khoa học kỹ thuật, đồng thời chuẩn bị thích ứng với dân số già; điều chỉnh mô hình tăng trưởng, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, điều chỉnh mô hình tăng trưởng, dùng hàm lượng chất xám từ nguồn nhân lực cao.
Đồng tình với ý kiến trên, tiến sỹ Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho rằng, Việt Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng nên cần phải thực hiện các chính sách, giải pháp sử dụng tối đa, hiệu quả nguồn lao động, giảm nhanh tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm. Gắn chuyển dịch cơ cấu kinh tế với chuyển dịch cơ cấu lao động; đẩy mạnh đầu tư, phát triển thêm nhiều ngành nghề mới, tạo thêm chỗ làm việc mới, nhất là ở nông thôn; tìm kiếm và không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu lao động…
Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện dân số vàng Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 24/12./.