Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, chiều 12/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội.
Trình bày báo cáo, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình nêu rõ trước tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Đảng, Nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị đã quyết liệt chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra.
Cử tri và nhân dân đặc biệt bày tỏ sự chia sẻ và đồng cảm với những thiệt hại và mất mát về người và tài sản tại nhiều địa phương và sự cố sập cầu Phong Châu tại tỉnh Phú Thọ; đánh giá cao sự chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương đã nhanh chóng vào cuộc với tinh thần chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để hạn chế thiệt hại và thực hiện các giải pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão.
Cử tri bày tỏ sự đồng tình với Chương trình ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động và cho rằng đây là hoạt động thể hiện truyền thống tốt đẹp, tinh thần "tương thân tương ái" của người Việt Nam, là sự giúp đỡ thiết thực về tinh thần, vật chất, góp phần nhanh chóng khôi phục sản xuất và ổn định đời sống của nhân dân vùng bị bão lũ, thiên tai.
Thảo luận về báo cáo, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cơn bão số 3 gây thiệt hại rất nặng nề, do đó cần làm rõ hơn tình hình, kiến nghị của cử tri về bão số 3.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh và Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị trong báo cáo cần cập nhật thêm vụ việc có tính chất điển hình về mức độ tàn phá của cơn bão số 3, trong đó đặc biệt là trận lũ quét, sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai làm nhiều người chết, mất tích và bị thương.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cập nhật thống kê các số liệu thiệt hại, trên cơ sở đó chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp phòng, chống thiên tai, hạn chế những thiệt hại về người và tài sản.
Trước sự biến động rất lớn của thiên tai, chú trọng công tác tuyên truyền để mỗi người dân có ý thức trong phòng, chống thiên tai. Chính quyền có các khuyến nghị cụ thể về những khu vực nguy hiểm, những rủi ro, tác động của thiên tai. Chính quyền các cấp xem xét một số vụ xung yếu để có giải pháp bảo vệ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung cao độ lực lượng, phương tiện, các biện pháp trong tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đối với người bị mất tích, cô lập; bảo đảm nhu yếu phẩm thiết yếu đến tay người dân; chỉ đạo mua sắm dự trữ ứng phó tình trạng khẩn cấp; tổ chức cuộc vận động, quyên góp, giúp đỡ thiết thực, hiệu quả; khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão số 3, tình hình mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các địa phương, ổn định đời sống và sản xuất của người dân bị ảnh hưởng; chủ động kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các công trình giao thông, đê điều, lưới điện trong mùa bão lũ để đảm bảo an toàn cho người dân; đồng thời chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, kiên quyết xử lý người đưa tin thất thiệt, lợi dụng tình hình khó khăn để vi phạm pháp luật.
Cũng trong phiên họp chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết Kỳ họp bất thường thứ 8 và cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV./.
Thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ: Đã có 327 người chết và mất tích
Tín đến 12 giờ 30 ngày 12/9, bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu bão khiến 327 người chết, mất tích, trong đó tỉnh Lào Cai bị thiệt hại nặng nề nhất với 177 người chết và mất tích.