Mùa báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp được cho là sẽ khiến các nhà đầu tư trên phố Wall trở nên phấn chấn hơn. Nhưng cuối cùng, đã không có quá nhiều thay đổi.
Hầu hết các kết quả kinh doanh cho đến cuối năm 2021 đã được công bố. Về tổng thể, các con số là tích cực. Tuy nhiên, điều này không đủ để trấn an các nhà đầu tư với những lo ngại về lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và khả năng Nga tấn công Ukraine gây ra những gián đoạn nguồn cung năng lượng.
Theo The Earnings Scout, tăng trưởng lợi nhuận của các công ty trong chỉ số S&P 500 trong quý 4/2021 đạt mức 28% so với cùng kỳ năm 2020, vượt xa mức trung bình ba năm. Gần 85% số công ty trong chỉ số này đã báo cáo lợi nhuận.
Tuy nhiên, các báo cáo lợi nhuận gần như không thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư đang quan ngại về những yếu tố không chắc chắn sắp tới.
Trong thời điểm này, hầu hết các nhà đầu tư đều cho rằng Fed đang tập trung vào việc kiểm soát lạm phát và nhận định Fed sẽ buộc phải can thiệp tại cuộc họp trong tháng tới. Tuy nhiên, chính xác về những sẽ được quyết định vẫn đang tiếp tục được thảo luận.
[Phố Wall chứng kiến tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp]
Giám đốc đầu tư phụ trách châu Mỹ của DWS, David Bianco, nói rằng mối lo ngại lớn nhất của ông lúc này, khi mùa báo cáo lợi nhuận sắp kết thúc, là liệu làn sóng bán tháo trái phiếu chính phủ có diễn ra mạnh hơn, ảnh hưởng tới các thị trường khác hay không.
Ông Bianco thực sự lo ngại khi các nhà đầu tư trái phiếu mất lòng tin trước khả năng kiểm soát lạm phát của Fed.
Lợi suất trái phiếu có xu hướng ngược với giá. Nếu các nhà đầu tư bắt đầu bán ra trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm và lợi suất tăng, cổ phiếu sẽ kém hấp dẫn và làm tăng sức ép bán ra.
Trong khi đó, các nhà đầu tư ít quan tâm tới các căng thẳng địa chính trị trong những năm gần đây nhưng điều này đã thay đổi trong những tuần qua.
Theo ông David Coombs, người phụ trách đầu tư của Rathbones, nếu những căng thẳng giữa Nga và Ukraine hình thành từ 18 tháng hay hai năm trước thì đã gần như không được chú ý đến. Thay vào đó, căng thẳng giữa hai nước là một nguyên nhân khác gây tâm lý lo ngại, nhất là do vị thế là nhà cung cấp dầu khí của Nga.
Giá năng lượng tăng là yếu tố chính làm gia tăng sức ép giá cả, điều mà Fed đang tập trung theo dõi.
Lạm phát tại Mỹ đã ở mức rất cao trong tháng Một. Giá tiêu dùng tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất trong bốn thập kỷ.
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân mới nhất sẽ được công bố vào cuối tuần. Được Fed ưu tiên theo dõi, số liệu lạm phát này nếu cao hơn dự kiến có thể buộc Fed tăng mạnh lãi suất trong lần tăng đầu tiên trong nhiều năm./.