Nhà hàng hay tàu?

Thảm họa tàu Dìn Ký: Khi "tàu" không phải là tàu

Khó có thể gọi vật thể bị chìm trên sông Sài Gòn đêm 20/5 là một con tàu khi nó dễ dàng bị lật và chìm nghỉm trong cơn gió cấp 6.
Nhiều người đã bất ngờ khi biết thông tin tàu du lịch Dìn Ký đã hết hạn đăng kiểm từ ba tháng trước. Có nghĩa là 3 tháng qua đã có hàng ngàn người may mắn thoát chết khi lênh đênh trên con tàu không được phép lưu thông.

Song, điều bất ngờ lớn hơn chính là việc nó đã từng được coi là một con tàu.

Khó có thể gọi vật thể bị chìm trên sông Sài Gòn đêm 20/5 là một con tàu khi nó dễ dàng bị lật nghiêng và chìm nghỉm trong cơn gió cấp 6 trời đồng bằng.

Dù đã được đăng ký để chở khách du lịch, song nó chỉ đơn giản là một cái nhà hàng biết trôi, và chìm khi gió lớn.

Nhà hàng nổi Dìn Ký được cấp chứng nhận đăng kiểm năm 2008 với danh phận là tàu chở khách với số lượng tối đa 72 người. Theo quy định tại Luật đường thủy nội địa, loại tàu có sức chứa trên 50 người thì người điều khiển phải có chứng chỉ thuyền trưởng hạng nhì.

Tuy nhiên, người điều khiển “con tàu” này lại chưa hề có bằng lái tàu chứ chưa nói đến chứng chỉ thuyền trưởng. Đó là điều lý giải vì sao khi “con tàu” gặp nạn, thay vì thực thi trách nhiệm của một thuyền trưởng là hướng dẫn hành khách tìm cách thoát hiểm, mặc áo phao, tìm phương tiện cứu hộ, đập kính để thoát ra ngoài, vị thuyền trưởng "bất đắc dĩ," này cùng các thuyền viên đã nhanh chân chạy thoát, bỏ lại 16 hành khách, chủ yếu là đàn bà và con trẻ trên con tàu định mệnh.

Nếu có được những hướng dẫn kịp thời của thuyền trưởng và thủy thủ đoàn, chắc chắn những cái chết thảm đã không thể xảy ra khi địa điểm gặp nạn chỉ cách bờ chưa đầy 100 mét.  Nhưng, không thể trách "thủy thủ đoàn "của “con tàu” ấy bởi, họ không phải là thủy thủ!

Họ, và cả người lái tàu không được đào tạo để trở thành thủy thủ, họ cũng không nghĩ mình là thủy thủ. Thân phận của họ chỉ đơn thuần là những người phục vụ nhà hàng thuần túy. Thậm chí, có thể nhiều người trong số đó còn chưa hề biết bơi.

Sẽ có người đặt ra câu hỏi vì sao họ làm việc trên “con tàu” ấy khi không phải thủy thủ? Câu hỏi đúng, nhưng câu trả lời thật trớ trêu, đó là bởi họ không nghĩ đó là một con tàu.

Tàu Dìn Ký được đăng ký với số hiệu BD 0394 có chiều dài 23m, rộng 4,3m nhưng cao tới 2 tầng với chiều cao tới 4,6m. Chỉ với những tỷ lệ kể trên, khi mà chiều cao lớn hơn bề ngang thì chuyện lật đổ trên sông là điều khó lòng tránh khỏi. Vậy nhưng nó vẫn được cấp phép để lưu hành trên sông, không những thế người ta còn cho nó cái quyền được mạo hiểm mạng sống những 72 con người.

16 người thiệt mạng. Đó là một con số bi thảm! Song, nếu như nhìn vào số liệu thiết kế của “con tàu,” nhìn vào “thủy thủ đoàn” của nó, nhiều người sẽ cảm thấy may mắn. May mắn bởi vào một ngày đẹp trời, một ngày cuối tuần nóng bức khiến nhiều người nổi hứng ngắm sông và nhà hàng tiếp đón lượng khách tối đa để rồi trời nổi gió. Lúc đó, thảm họa sẽ còn nặng nề hơn.

16 người thiệt mạng vì nhà hàng chìm nghỉm. Sự việc bi thương này khiến người ta giật mình nhìn lại toàn bộ yếu tố pháp lý về hoạt động của những nhà hàng nổi hiện nay. Chỉ đến lúc đó chúng ta mới biết rằng chưa hề có bất cứ quy định nào về việc quản lý loại tàu, nhà hàng như con tàu Dìn Ký.

Trong khi đó trên khắp Việt Nam hiện có tới hàng ngàn loại nhà hàng như thế.

16 sinh mạng đã bị cướp đi một cách oan khuất trên dòng sông Sài Gòn. Đây sẽ là một lời cảnh tỉnh sâu sắc đối với các cơ quan chức năng trong việc quản lý và cấp phép hoạt động đối với loại hình phương tiện đặc biệt này./.

Phạm Trung Tuyến (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục