Thanh niên là nhân tố thúc đẩy bình đẳng giới trong khu vực

Đối thoại Thanh niên ASEAN về bình đẳng giới với chủ đề: “Thanh niên là nhân tố thúc đẩy bình đẳng giới trong khu vực,” diễn ra tại Hà Nội ngày 10/10.

Sáng 10/10, tại Hà Nội, Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp Trung tâm tình nguyện quốc gia thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung tâm nghiên cứu phát triển bền vững cùng sự hỗ trợ của Phái đoàn Canada tại ASEAN, tổ chức Đối thoại Thanh niên ASEAN về bình đẳng giới với chủ đề: “Thanh niên là nhân tố thúc đẩy bình đẳng giới trong khu vực”.

Đối thoại Thanh niên ASEAN về bình đẳng giới với chủ đề: “Thanh niên là nhân tố thúc đẩy bình đẳng giới trong khu vực,” tổ chức sáng 10/10, tại Hà Nội, với 24 đại diện thanh niên từ các quốc gia ASEAN; trong đó có 6 thanh niên Việt Nam.

Đây là sự kiện khép lại khóa tập huấn 5 ngày: “Thanh niên tiên phong vì bình đẳng giới” diễn ra từ ngày 6-10/10/2018. Chương trình dành cho 24 đại diện thanh niên từ các quốc gia ASEAN, trong đó có 6 thanh niên Việt Nam.

Khóa tập huấn nhằm giúp thanh thiếu niên ASEAN được trang bị đầy đủ kiến thức về giới và bạo lực giới, từ đó có thể tự tin thực hiện các sáng kiến thúc đẩy bình đẳng giới và loại bỏ bạo lực giới trong cộng đồng. 

Tại Đối thoại, đại diện thanh niên từ 10 quốc gia ASEAN cùng hơn 100 thanh niên Việt Nam, các chuyên gia trong nước và quốc tế đến từ các cơ quan, tổ chức hoạt động về bình đẳng giới, đã cùng nhau trao đổi về những thách thức và giải pháp đạt được bình đẳng giới tại khu vực ASEAN vào năm 2030.

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho biết: Việt Nam đang ở thời kỳ “Dân số vàng.” Thanh niên trong độ tuổi từ 15-24 đang đại diện cho hơn 1/3 dân số Việt Nam.

“Đây là thời điểm tuyệt vời để thay đổi những giá trị và chuẩn mực giới xung quanh bình đẳng giới. Cộng tác với thanh niên là một con đường đầy hứa hẹn phía trước nhằm tạo ra những chuẩn mực xã hội tích cực, ngăn ngừa và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Giáo dục, bao gồm cả giáo dục phi chính thức hướng tới thanh niên, là công cụ mạnh mẽ nhất để ngăn ngừa bạo lực và thúc đẩy những mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau", ông Nguyễn Hải Minh nói.

[100 trẻ em gái đối thoại với lãnh đạo về an toàn nơi công cộng]

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Hải Minh hy vọng, các đại diện thanh niên sẽ tích cực tham gia thảo luận về các nội dung, chương trình, thách thức, kế hoạch hành động; cùng tập trung trí tuệ đưa ra các sáng kiến, đề xuất những giải pháp có giá trị để thúc đẩy sự hợp tác của thanh niên ASEAN.

Bên cạnh đó, tăng cường sự tham gia của thanh niên ASEAN trong quá trình thúc đẩy bình đẳng giới, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong thời gian tới.

Bà Elisa Fernandez, Trưởng Văn phòng UN Women Việt Nam cho biết, 24 bạn trẻ đến từ 10 nước ASEAN tham dự khóa tập huấn đã có cơ hội được cùng thảo luận ý nghĩa, nguồn gốc về bình đẳng giới, từ đó đưa ra những sáng kiến nhằm xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng giới hiện nay.

Chương trình tập huấn sử dụng công cụ “The change makers” của UN Women. Bộ công cụ này không chỉ cung cấp lý thuyết cơ bản về bình đẳng giới mà còn trao cơ hội cho thanh niên thực hiện các sáng kiến của mình.

12 dự án của các thanh niên dự khóa tập huấn đã được UN Women lựa chọn, hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật để triển khai tại các quốc gia ASEAN. Điều này cũng giúp Liên hợp quốc thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững số 5 về bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ, trẻ em gái đến năm 2030.

Mohd Faizul Ilham Ibrahim, một trong hai đại diện đến từ Brunei chia sẻ, những kiến thức về lý thuyết, trải nghiệm thực tế về vấn đề giới trong khóa tập huấn đã giúp người tham dự hiểu biết toàn diện về các vấn đề giới, những thách thức cản trở bình đẳng giới, nguồn gốc bạo lực giới.

Mohd Faizul Ilham Ibrahim cho biết, sau khi trở về Brunei, bạn sẽ dùng kiến thức có được từ khóa tập huấn để tăng cường hơn nữa nhận thức và hành động của người dân Brunei về vấn đề giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục