Thí điểm mô hình tổ chức dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: UBTV Quốc hội tán thành với phạm vi, đối tượng điều chỉnh là thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam...
Thí điểm mô hình tổ chức dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 9, chiều 22/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Cần thiết ban hành Nghị quyết

Tờ trình của Chính phủ đã nêu rõ sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Theo đó, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong xử lý người phạm tội nói chung, thi hành án phạt tù nói riêng là nhằm giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội.

Để chuẩn bị tốt cho việc tái hòa nhập cộng đồng, tạo thuận lợi cho người chấp hành xong án phạt tù có cuộc sống mới, ổn định, bên cạnh việc đặt ra các yêu cầu về hiệu quả công tác giáo dục, tổ chức lao động, dạy nghề cho người chấp hành án trong các cơ sở giam giữ, Đảng và Nhà nước ta đã định hướng từng bước thực hiện việc xã hội hóa công tác thi hành án tại nhiều văn kiện, nghị quyết, chỉ thị.

Đây là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng định hướng cho việc nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về thi hành án phạt tù trong thời gian tới, theo hướng tăng cường hiệu quả công tác giáo dục, cải tạo, tái hòa nhập cộng đồng cho người bị kết án phạt tù; bảo đảm sự tham gia của xã hội trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng cho người bị kết án phạt tù.

Theo Tờ trình của Chính phủ, trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đã triển khai nhiều giải pháp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước về thi hành án hình sự.

Các bản án, quyết định của Toà án được thi hành nghiêm minh; an ninh, an toàn các cơ sở giam giữ được bảo đảm. Chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với người phạm tội được thực hiện tốt; công tác quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo và tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, cũng như thi hành các biện pháp tư pháp ngày càng hiệu quả.

Bên cạnh đó, quá trình thực hiện công tác thi hành án hình sự nói chung, công tác thi hành án phạt tù nói riêng, trong đó công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, số người bị kết án phạt tù tăng tạo áp lực lớn đối với công tác quản lý giam giữ và giáo dục cải tạo, việc tổ chức lao động cho phạm nhân vốn đang gặp nhiều khó khăn, lại càng khó khăn hơn.

Trong khi đó, hầu hết các trại giam đóng quân trên địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn, nhất là các trại giam khu vực miền Bắc và miền Trung có diện tích nhỏ, phân tán, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, rất khó khăn trong việc tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân trong trại giam.

Do đó, vấn đề đặt ra là cần phải hợp tác với các tổ chức, cá nhân để mở rộng ngành nghề liên quan đến công nghệ, máy móc... tạo cơ hội cho phạm nhân lao động, học nghề, tìm kiếm việc làm phù hợp sau khi chấp hành xong án phạt tù.

Thời gian qua, hoạt động lao động, dạy nghề cho phạm nhân tại các trại giam cho thấy ý nghĩa về môi trường lao động, góp phần tháo gỡ khó khăn trong tìm kiếm việc làm, tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, cải thiện đời sống cho phạm nhân và tăng giá trị đầu tư trở lại cho trại giam phục vụ công tác tổ chức lao động, giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân, nâng cao tay nghề cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù.

Đặc biệt, việc này còn tạo điều kiện phù hợp cho phạm nhân về tâm lý lao động, thái độ chấp hành cải tạo và tiếp thu kiến thức trong dạy nghề, truyền nghề, giúp phạm nhân sau khi chấp hành xong án phạt tù tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, hạn chế tái phạm tội.

[Sửa đổi, hoàn thiện thủ tục trình Chủ tịch nước xét ân giảm án tử hình]

Thực tiễn công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề và giáo dục, cải tạo phạm nhân trong tình hình hiện nay đòi hỏi phải có cơ chế mới, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam thực hiện. Tuy nhiên, hiện tại chưa có cơ sở pháp lý điều chỉnh dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong triển khai tổ chức thực hiện.

Từ những lý do trên, Chính phủ nhận thấy việc đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là rất cần thiết.

Bình đẳng, tự nguyện

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, mục đích xây dựng Nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý để thống nhất tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trại giam trong công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân trong giai đoạn hiện nay; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác thi hành án phạt tù, công tác chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian tới.

Ngoài ra, việc xây dựng Nghị quyết nhằm đánh giá tính hiệu quả của mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, trên cơ sở đó đề xuất đưa (hoặc không đưa) quy định tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam vào quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

Thí điểm mô hình tổ chức dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam ảnh 2Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Thông tin về những nội dung cơ bản, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ: Nghị quyết này quy định việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, trong đó trại giam thuộc Bộ Công an hợp tác với tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Trại giam chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, trực tiếp quản lý, giám sát khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo và tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân như tại trại giam.

Tổ chức, cá nhân có ngành nghề lao động chịu trách nhiệm đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ quản lý giam giữ, bàn giao cho trại giam quản lý và phối hợp với trại giam thực hiện tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân.

Số trại giam được áp dụng thí điểm theo Nghị quyết này không quá một phần ba tổng số trại giam thuộc Bộ Công an.

Việc thực hiện thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam phải bảo đảm các nguyên tắc gồm: Bảo đảm an toàn; phục vụ có hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tái hòa nhập cộng đồng; tạo điều kiện giúp phạm nhân tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong án phạt tù.

Phạm nhân tham gia hoạt động lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam phải trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện, được trả công, có quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trực tiếp kiểm sát việc thi hành án phạt tù tại khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam đóng tại địa phương, địa bàn. Trong thời gian thực hiện thí điểm, tổ chức hợp tác với trại giam là doanh nghiệp được áp dụng chính sách miễn thuế thu nhập như các trường hợp quy định tại Điều 4 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân

Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Các đại biểu cho rằng, việc ban hành Nghị quyết này sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tạo điều kiện để phạm nhân được lao động, hướng nghiệp, học nghề phù hợp, tăng khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm tội.

Đồng thời, tạo cơ chế thu hút, huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác thi hành án hình sự theo định hướng cải cách tư pháp. Mô hình này còn góp phần bảo đảm sử dụng đúng mục đích đất quốc phòng-an ninh, hạn chế việc phải bổ sung đất đai cho các trại giam để tập trung quỹ đất cho phát triển kinh tế-xã hội. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, Ủy ban Tư pháp tán thành với Chính phủ về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, trong đó đã xác định rõ mô hình thí điểm, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể trong quá trình thực hiện thí điểm. Đồng thời, Ủy ban Tư pháp cho rằng, quy định đối tượng áp dụng thí điểm không quá một phần ba tổng số trại giam thuộc Bộ Công an và giao Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện sẽ bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế tại các trại giam.   

Ủy ban Tư pháp cũng cơ bản tán thành với nội dung quy định các nguyên tắc thực hiện thí điểm được quy định tại khoản 3 Điều 1 và cho rằng, về cơ bản nội dung quy định này đã bao quát đầy đủ quan điểm chỉ đạo cũng như các yêu cầu đặt ra trong việc thí điểm, phù hợp với các luật và điều ước quốc tế liên quan.

Về chính sách miễn thuế thu nhập đối với doanh nghiệp hợp tác với trại giam, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, theo quy định của dự thảo Nghị quyết và văn bản hướng dẫn thì tổ chức, cá nhân tham gia thí điểm phải đầu tư rất lớn như xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân; cơ sở hạ tầng phục vụ quản lý, điều hành của cán bộ, chiến sỹ trại giam; cơ sở tổ chức sản xuất, dạy nghề. Trong khi đó, phần lớn phạm nhân chưa có tay nghề hoặc có tay nghề không phù hợp dẫn tới phát sinh thêm nhiều chi phí trong việc đào tạo nghề, hướng nghiệp...

Bên cạnh đó, sự tham gia của tổ chức, cá nhân mang ý nghĩa xã hội sâu sắc nhằm chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong thực hiện các chính sách nhân đạo đối với đối tượng đặc thù. Do đó, để thu hút các doanh nghiệp tham gia, bảo đảm tính khả thi của việc thí điểm thì cần quy định cụ thể chính sách ưu đãi, trong đó cơ chế miễn thuế thu nhập là phù hợp.

Tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị làm rõ tiêu chí lựa chọn các trại giam thực hiện thí điểm để sau này có cơ sở giám sát việc triển khai thực hiện.

Ông Tùng cũng đề nghị nghiên cứu để có quy định rõ hơn về các ngành nghề sản xuất kinh doanh được sử dụng lao động là phạm nhân lao động ngoài trại giam hoặc quy định theo nguyên tắc loại trừ những ngành nghề không được sử dụng phạm nhân ngoài trại giam để đảm bảo thực hiện đúng.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho rằng, có thể đánh giá kỹ hơn tác động, ảnh hưởng của những quy định này về kinh tế -xã hội về thuế, giá trị sản phẩm hay xuất khẩu sản phẩm.

Bà Oanh cũng đề nghị cân nhắc thêm quy định phạm nhân phạm các tội như hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội khủng bố thuộc diện không được đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, bởi đây là những tội phạm nghiệm trọng. Việc đưa phạm nhân bị kết án về những tội này ra ngoài trại giam để lao động có thể ảnh hưởng không tốt đến trật tự an toàn xã hội ở khu vực đó.

Thí điểm mô hình tổ chức dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam ảnh 3Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với phạm vi, đối tượng điều chỉnh là thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, trong đó phạm vi thí điểm không quá một phần ba tổng số trại giam của Bộ Công an quản lý. Thời hạn thí điểm là 5 năm. Với tính chất là nghị quyết thí điểm của Quốc hội nên Nghị quyết cần ghi khái quát, ngắn gọn, có tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết là phù hợp.

Về nguyên tắc thực hiện thí điểm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với Tờ trình của Chính phủ và ý kiến thẩm tra về 4 nguyên tắc, trong đó thống nhất quy định về cơ chế ưu đãi đối với doanh nghiệp hợp tác với trại giam trong thời gian thực hiện thí điểm được áp dụng chính sách miễn thuế thu nhập cho phần thu nhập từ hoạt động hợp tác với trại giam.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc cần có quy định các trường hợp không được đưa phạm nhân ra lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan rà soát kỹ lưỡng các quy định này để đảm bảo phù hợp với quan điểm, mục tiêu xây dựng cơ chế thí điểm và thống nhất trong áp dụng chính sách hình sự.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến, phối hợp cơ quan liên quan để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục