Thiết lập tam giác Nga-Ấn-Trung sẽ có lợi gì cho Moskva?

Ấn Độ đã tuyên bố sẽ không tham gia cuộc tập trận quân sự Kavkaz-2020 được tổ chức ở miền Nam nước Nga trong khuôn khổ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Thiết lập tam giác Nga-Ấn-Trung sẽ có lợi gì cho Moskva? ảnh 1(Nguồn: dailyhunt.in)

Theo thediplomat.com, ngày 30/8, Ấn Độ đãtuyên bố sẽ không tham gia cuộc tập trận quân sự Kavkaz-2020 được tổ chức ở miền Nam nước Nga trong khuôn khổ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - một tổ chức đa phương Á-Âu do Trung Quốc và Nga đứng đầu, và Pakistan cũng là thành viên.

Mặc dù lý do chính thức mà New Delhi đưa ra để giải thích cho quyết định này là những khó khăn liên quan tới đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19), song các nguồn tin ở Ấn Độ chỉ ra rằng New Delhi bỏ qua Kavkaz-2020 vì cuộc tập trận này có sự tham gia của quân đội Trung Quốc.

Hiện Ấn Độ và Trung Quốc đang đối đầu căng thẳng ở khu vực Đông Ladakh kể từ hồi đầu tháng Năm vừa qua.

Quyết định không tham gia Kavkaz-2020 của Ấn Độ một lần nữa làm dấy lên câu hỏi tại sao ban đầu Ấn Độ lại quyết định gia nhập SCO - hay vì sao New Delhi lại chấp nhận tầm quan trọng của các tổ chức như Nhóm Các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) hay cơ chế phối hợp ba bên Nga-Ấn-Trung (RIC) - trong khi nước này cũng đang tăng cường quan hệ chiến lược với Mỹ và các cường quốc đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Nếu chỉ nhìn thoáng qua, điều mà nhiều người đã không thể đánh giá đúng đó là những dàn xếp như SCO, BRICS hay RIC tình cờ đều có lợi cho Nga như thế nào trong mối quan hệ của nước này với phương Tây, trong bối cảnh Moskva tìm cách hội nhập với khối này ngay lập tức sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhưng sau đó lại nhãng ra, rồi tiếp tục trở lại và tự coi mình là cường quốc châu Á.

[Rạn nứt đang gia tăng trong tam giác Nga-Ấn Độ-Trung Quốc?]

Trong suy nghĩ của Nga về vai trò của nước này trong thế giới hậu Chiến tranh Lạnh, Moskva sẽ nổi lên trở thành một nước ngang hàng với Mỹ và được thừa nhận là có tầm quan trọng tương đương Mỹ.

Xây dựng các "cầu nối" với phương Tây đã trở thành nhiệm vụ then chốt của ông Andrei Kozyrev - Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Tổng thống Nga Boris Yeltsin.  

Nhằm tìm kiếm vị thế cho mình, Moskva đã nhanh chóng quay lưng lại với phương Tây và hướng tới châu Á. Điện Kremlin tính toán rằng sự định hướng lại như vậy sẽ giúp khôi phục vị trí trước đây của Nga trong hệ thống quốc tế.

Một bước tiến then chốt theo hướng đi này của Nga là chuyến thăm New Delhi năm 1998 của ông Yevgeny Primakov - Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của ông Yeltsin.

Trong chuyến thăm này, lần đầu tiên ông Primakov đề cập tới khái niệm RIC để làm đối trọng với sức mạnh Mỹ. RIC sẽ trở thành hạt nhân chính trị của BRICS - nhóm coi việc cải cách những thể chế đa phương then chốt để phản ánh các lợi ích của thế giới phi phương Tây là một nhiệm vụ then chốt.

Sau thời kỳ Yeltsin, mặc dù ban đầu Tổng thống Vladimir Putin tỏ ra lạc quan về khả năng duy trì quan hệ thân thiện với phương Tây, song ông dần dần coi Nga là lãnh đạo của thế giới "phi phương Tây."

Từ tháng 6/2001, ông Putin đã đi nước đôi khi tìm cách xây dựng các mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ. Cũng trong tháng đó, SCO ra đời trên cơ sở thỏa thuận thành lập "Nhóm Thượng Hải 5" năm 1996, với các quốc gia sáng lập gồm Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, và Uzbekistan - thành viên thứ 6 của nhóm.

Tầm nhìn có kế hoạch của ông Putin về một thế giới "phi phương Tây" với Nga nắm vai trò lãnh đạo sẽ tập trung vào BRICS, RIC và SCO. Tuy nhiên, những nghi kỵ giữa Nga và Trung Quốc, xuất phát từ lịch sử cũng như sự bất cân xứng sức mạnh giữa hai nước, chưa bao giờ phai nhạt đi.

Vì thế, cách duy nhất để Moskva có thể thúc đẩy chương trình nghị sự "đa cực" của mình, bằng cách "mượn sức nặng" của Trung Quốc, thông qua các thể chế và tổ chức đa phương là đưa Ấn Độ vào các tổ chức này để làm lực lượng "cân bằng" giữa Nga và Trung Quốc.

Tuy nhiên, những rạn nứt trong quan hệ Nga-Trung đang bắt đầu hiện ra và có một khả năng dù rất nhỏ nhưng rất dễ nhận thấy là Moskva có thể tìm cách xoay trở lại hướng sang phương Tây.

Nếu điều đó xảy ra, Ấn Độ có thể sẽ là cầu nối quý giá giữa Nga và Mỹ, và quyết định của Ấn Độ về việc thuyết phục Nga chấp nhận cấu trúc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ hợp với bối cảnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục