Thông điệp từ Bỉ: "Làm khoai tây chiên, đừng gây chiến!"

Còi báo động vang lên khắp nơi, binh lính nai nịt gọn gàng, vũ trang tới tận răng tuần tra quanh các con phố, khắp nơi bị kiểm soát chặt, đất nước Bỉ giống như đang có chiến tranh.
Thông điệp từ Bỉ: "Làm khoai tây chiên, đừng gây chiến!" ảnh 1Hàng ngàn người đã tới dự lễ thắp nến tưởng niệm các nạn nhân khủng bố Brussels (Nguồn: LA Times)

Còi báo động vang lên khắp nơi, binh lính nai nịt gọn gàng, vũ trang tới tận răng tuần tra quanh các con phố, khắp nơi bị kiểm soát chặt, đất nước Bỉ giống như đang có chiến tranh.

Tuy nhiên tại một lễ thắp nến cho các nạn nhân vụ đánh bom liên hoàn ở thủ đô Brussels của Bỉ, một không khí thanh bình lại xuất hiện. Ở đó, hàng ngàn người tìm tới để tưởng niệm 34 nạn nhân xấu số đã thiệt mạng tại vụ tấn công tồi tệ nhất nước này. Và một số đã đến cùng một thông điệp nhẹ nhàng, chứa đầy hy vọng: "​Làm khoai tây chiên, đừng gây chiến!."

“Faites des frites, pas la guerre” là một trong hàng trăm thông điệp sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau mà những người tham gia lễ thắp nến tới từ khắp nơi trên thế giới đã dùng phấn viết lên một quảng trường nằm trước sàn giao dịch chứng khoán Brussels.

Đây là nơi mà mọi người, từ thường dân tới Thủ tướng Bỉ, đã tới để tưởng nhớ các nạn nhân, nhiều giờ sau những vụ đánh bom liên hoàn gây sốc đất nước Bỉ và châu Âu.

Lời kêu gọi nhẹ nhàng, rằng người ta nên làm thêm nhiều khoai tây chiên - món ăn mà Bỉ tự hào tuyên bố đã sáng tạo ra và tặng cho thế giới - thay vì gây chiến đã phản ánh đúng tinh thần của lễ tưởng niệm.

Ở đó có nỗi buồn, có nước mắt, có những cái ôm để sẻ chia đau thương mất mát. Nhưng buổi lễ cũng có những nụ cười, một số tiếng cười lớn và cảm giác kiên trì chống chọi, thay vì đầu hàng khủng bố.

"Tôi ở đây vì rất xúc động trước những gì xảy ra hôm nay," Philippe De Wulf, một lao động 36 tuổi tham dự lễ tưởng niệm chia sẻ với tờ Los Angeles Times.

“Chúng tôi luôn nghĩ chuyện này sẽ không xảy ra với mình. Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng tôi đã ở đây để chia sẻ nỗi đau và cho thấy rằng mình sẽ luôn nói không với các vụ tấn công khủng bố. Chúng tôi sẽ không bao giờ có thể chấp nhận chuyện này," anh nói.

Trước đó, Thủ tướng Bỉ Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã dừng chân ở quảng trường này. Họ lặng lẽ hòa vào bầu không khí đoàn kết và đau buồn ở đây trong một lúc, rồi rời đi.

Ngoài khẩu hiệu đặc biệt trên, một số khẩu hiệu khác viết bằng phấn trên quảng trường gồm có: "Căm thù là một công cụ sức mạnh,""Tôi đã khóc vì thành phố của mình, nhưng tôi biết rằng chúng tôi mạnh mẽ," và "Sôcôla, bia và tình yêu tốt hơn cho nhân loại thay vì sự thù ghét" - có ý liên hệ tới các sản phẩm xuất khẩu nổi tiếng của Bỉ.

Audrey Pierre, một sinh viên 23 tuổi, đã tới quảng trường để viết một thông điệp rất dài, nói rằng không thể để những kẻ khủng bố lợi dụng tôn giáo, dùng tôn giáo như sự bào chữa cho các hành vi bạo lực như chuyện vừa xảy ra ở Brussels.

“Tôi đã tới đây vì gia đình các nạn nhân. Tôi là người Bỉ nên tới đây là điều quan trọng với tôi. Chuyện thật đáng buồn," cô nói.

Bạn trai của cô, anh Sofian Ahchini, 29 tuổi, nói rằng bản thân cũng hết sức đau đớn khi thấy thành phố Brussels yêu quý thành mục tiêu của khủng bố. "Chuyện thật giống như trong một bộ phim Mỹ hay Pháp. Bỉ hoàn toàn không có sự gây hấn nào. Người dân ở đây luôn rất hạnh phúc. Thật không thể tin được," anh chia sẻ.

David McAllister, một chính khách Đức là thành viên Nghị viện châu Âu, đồng thời là đồng minh thân cận của Thủ tướng Angela Merkel đã lên tiếng kêu gọi công chúng tới tham dự lễ tưởng niệm.

"Bầu không khí ở đây rất đặc biệt. Chúng tôi đều bị sốc, rất đau buồn và sợ hãi," McAllister, người tới quảng trường một lúc trước khi đến nhiệm sở, chia sẻ với LA Times.

"Đây là một vụ tấn công vào con tim châu Âu. Như chúng ta từng đứng lên đoàn kết cùng Pháp sau các vụ tấn công Paris, châu Âu nay sẽ đoàn kết với Bỉ. Chúng ta sẽ đứng cùng nhau ở châu Âu bởi các giá trị của chúng ta mạnh mẽ hơn sự thù ghét và bạo lực"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục