Thống kê số lợn có phản ứng, chết sau tiêm vaccine tả lợn châu Phi

Theo Cục Thú y, đến nay, Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi có 743 con lợn chết sau tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi NAVET-ASFVAC.
Thống kê số lợn có phản ứng, chết sau tiêm vaccine tả lợn châu Phi ảnh 1Lợn sau khi tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi tại Quảng Ngãi. (Ảnh: Lê Ngọc Phước/TTXVN)

Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên; Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco; Chi cục Thú y vùng IV về việc điều tra, xác định tình hình lợn chết, có phản ứng sau tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi NAVET-ASFVAC.

Nhằm kịp thời nắm bắt tình hình, xác định rõ nguyên nhân, đánh giá đúng thực trạng, đặc biệt xác định chính xác số lợn thực sự có phản ứng, chết sau tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi NAVETASFVAC của Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco sản xuất, Cục Thú y đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh chỉ đạo cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, phối hợp với chính quyền các địa phương khẩn trương thành lập các Tổ công tác của địa phương để điều tra, thống kê chính xác, cụ thể chủng loại lợn, số lượng lợn được tiêm vaccine NAVET-ASFVA; số lượng lợn có phản ứng, chết sau tiêm vaccine NAVET-ASFVAC.

[Quảng Ngãi: Lợn chết sau khi tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi]

Trường hợp chủ hộ khai báo lợn chết cần xác minh cụ thể số lượng lợn chết, tiêu hủy ở đâu, biên bản xác nhận việc xử lý, tiêu hủy lợn, xác nhận của chính quyền, cơ quan có liên quan của địa phương,…; số lượng lợn được bán, giết mổ.

Cục Thú y cũng đề nghị tổng hợp, báo cáo thông tin chi tiết về việc sử dụng vaccine NAVET-ASFVAC.

Các báo cáo gửi về Cục Thú y trước ngày 31/8/2022 để tổng hợp và báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Theo Cục Thú y, đến nay, Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi có 743 con lợn chết sau tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi NAVET-ASFVAC.

Nguyên nhân được Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định là do cung ứng, bán vaccine trực tiếp cho thú y cơ sở và người chăn nuôi tự tiêm không đúng đối tượng chỉ định. Người chăn nuôi tự tiêm vaccine nhưng không có sự giám sát của các cơ quan thú y và Công ty Navetco.

Một nguyên nhân khách quan có thể là các đàn lợn đang bị nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi thực địa hoặc mầm bệnh nguy hiểm khác trước khi được tiêm phòng, nên khi tiêm vaccine dẫn đến phản ứng mạnh hơn, gây chết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục