Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định quá trình cơ cấu lại nông nghiệp tại Việt Nam đưa ra ưu tiên cao trong phục vụ lợi ích của hộ nông dân quy mô nhỏ và người tiêu dùng, phát triển hợp tác xã gắn kết với doanh nghiệp trong các chuỗi giá trị đồng thời bày tỏ mong muốn các đối tác sẽ góp phần quan trọng vào tri thức hóa nông dân, giúp bà con có thêm kiến thức, kỹ năng và các cách làm mới.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) năm 2022 về xây dựng một nền nông nghiệp xanh và giá trị gia tăng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 5/12, tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng trong bối cảnh khí hậu đang thay đổi, thị trường, cách lựa chọn của người tiêu dùng cũng thay đổi. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp chắc chắn phải thay đổi để tạo ra các giá trị mới, phù hợp với xu thế của thời đại. Bối cảnh mới đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp cần có trách nhiệm với người tiêu dùng, đảm bảo lợi ích của nông dân sản xuất nhỏ, và bền vững của môi trường toàn cầu.
“Nông nghiệp Việt Nam ngày càng phải thể hiện trách nhiệm mạnh mẽ hơn với cộng đồng quốc tế, đặc biệt về bảo tồn tài nguyên, đa dạng sinh học, giảm phát thải, thích ứng và đồng thích ứng với biến đổi khí hậu,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Vốn đầu tư công cho nông, lâm, thủy sản, thủy lợi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp quản lý bình quân hàng năm khoảng 11.000 tỷ đồng; trong đó chi phí cho các hoạt động giảm phát thải chỉ từ 3-5%, chủ yếu thuộc lĩnh vực lâm nghiệp và một số sự án ODA về trồng trọt, chăn nuôi.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Thúc đẩy hợp tác công tư để phát triển một nền nông nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo và gia tăng giá trị là rất cần thiết. Chúng ta cần đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tái cơ cấu ngành, chuyển đổi ngành nông nghiệp hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, bền vững.”
Trước những thách thức toàn cầu mà ngành nông nghiệp đang phải đối mặt, hệ thống đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp cần phải phát triển và phổ biến các sáng kiến đổi mới để có thể nâng cao năng suất và tính bền vững trong chuỗi cung ứng thực phẩm và giúp ứng phó.
[‘Chìa khóa’ hướng tới mục tiêu đưa mức phát thải ròng về bằng 0]
Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đánh giá việc giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà vẫn nâng cao năng suất đã có bước tiến mạnh mẽ, song vẫn chưa đủ. Nông nghiệp vẫn là một nhân tố chiếm tỷ trọng khí thải lớn. Theo ông Binu Jacob, việc giải quyết các tác động của nông nghiệp đến biến đổi khí hậu rất cần sự vào cuộc của các bên, đặc biệt là khối công tư.
“Công ty TNHH Nestlé Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bên đối tác khác để đưa mục tiêu phát triển nông nghiệp Việt Nam bền vững thành hiện thực,” ông Binu Jacob nói.
Tại hội nghị, bà Beverley Postma, Giám đốc điều hành của Grow Asia đánh giá cao cam kết của Việt Nam về việc chuyển đổi hệ thống lương thực tại Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN lần thứ 44, COP26 và Hội nghị Thượng đỉnh về Hệ thống Lương thực của Liên hợp quốc.
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam đã đặt nền móng vững chắc cho sự thành công của quan hệ đối tác nhiều bên trong ASEAN. Thông qua sức mạnh hợp tác công tư tại Việt Nam, chúng ta có thể tự tin mở rộng quy mô các dự án có giá trị cao, có tầm ảnh hưởng quốc gia và khu vực,” bà Beverley Postma nói./.
Với Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển đổi từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế,” hướng tới những “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh.” Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt 2% tổng diện tích đất trồng trọt. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt 2-3% tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất chăn nuôi trong nước. Ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42% diện tích có chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên 1 triệu hecta… |