Việt Nam mong muốn Gabon sẽ là cầu nối để Việt Nam mở rộng quan hệ thương mại với các nước khu vực Trung Phi cũng như thúc đẩy hợp tác về các ngành công nghiệp mà Việt Nam và Gabon có thế mạnh, có khả năng bổ sung cho nhau.
Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh tại buổi tiếp Ngài Yves Fernand Manfoumbi, Bộ trưởng Bộ Thương mại, Doanh nghiệp vừa và nhỏ Gabon nhân dịp Bộ trưởng Gabon tham gia Đoàn Kinh tế và Thương mại Pháp ngữ do Tổng Thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ dẫn đầu sang Việt Nam từ ngày 20-26/3.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, năm 2021, tổng giá trị xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt khoảng 63,5 triệu USD, tăng 22% so với năm trước đó; trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 17,6 triệu USD và nhập khẩu đạt 45,9 triệu USD.
Mặc dù thương mại song phương ghi nhận sự tăng trưởng nhưng kim ngạch hai chiều chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của các bên.
Về cơ cấu hàng hóa, Việt Nam xuất khẩu sang Gabon chủ yếu các mặt hàng gạo, sản phẩm chất dẻo, hàng hải sản, hàng rau quả… và nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, quặng và khoáng sản. Cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu nhìn chung còn đơn điệu cũng như kim ngạch chưa cao.
Nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng và thế mạnh vốn có của hai nước, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị hai bên cần tăng cường trao đổi các đoàn các cấp, đoàn doanh nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện cho các đoàn doanh nghiệp gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp khi điều kiện cho phép.
Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất phía Gabon ưu tiên nhập khẩu gạo, các vật tư y tế như khẩu trang, đồ bảo hộ, găng tay y tế… và các sản phẩm thế mạnh khác của Việt Nam.
[Bộ Thương mại Cộng hòa Gabon khảo sát xuất khẩu gạo tại Long An]
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đánh giá cao những nguồn lực, lợi thế tự nhiên của Gabon như có trữ lượng dầu mỏ ước tính khoảng 2 tỷ thùng, khí đốt 26 tỷ m3, là một trong 7 nước châu Phi là thành viên của các nước thành viên xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), có trữ lượng mangan ước đạt 250 triệu tấn... Đây là cơ hội để hai nước tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư.
Đặc biệt, việc thúc đẩy hợp tác với Gabon cũng phù hợp với chủ trương đa đạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tìm thêm nguồn cung nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước của Việt Nam hiện nay.
Bộ Công Thương Việt Nam sẽ khuyến khích các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu cơ hội hợp tác, đầu tư với các đối tác Gabon trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng như dầu khí, công nghiệp thực phẩm, dệt may, da giày, khai khoáng...
Bộ trưởng Yves Fernand Manfoumbi nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia có nền công nghiệp phát triển, đồng thời mời Bộ trưởng Bộ CôngThương và các doanh nghiệp Việt Nam sang thăm và làm việc tại Gabon trong tháng Bảy năm nay tìm hiểu các cơ hội hợp tác và đầu tư trong những lĩnh vực Gabon đang ưu tiên, tập trung phát triển.
Cụ thể như lĩnh vực chế biến thực phẩm, nhu cầu chuyển đổi tiêu dùng từ lúa mì sang sắn, phát triển các sản phẩm sắn để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung lúa mỳ từ bên ngoài, nhất là trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine như hiện nay làm giá lúa mỳ tăng.
Đáng lưu ý, Bộ trưởng Yves Fernand Manfoumbi nhắc lại các nội dung ưu tiên hợp tác với Việt Nam đã được nêu trong Ý định thư và khẳng định sự cần thiết của việc khởi động các hoạt động hợp tác vào thời điểm hiện nay nhằm giúp hai nước có thêm động lực phát triển kinh tế và phục hồi mạnh mẽ hơn sau dịch COVID-19.
Để làm rõ các cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư tại Gabon, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị phía Gabon cung cấp các thông tin về cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư của Gabon, về các sản phẩm có thế mạnh của Gabon để phía Việt Nam chuyển tới các doanh nghiệp.
Ngoài ra, hai bên nhất trí sẽ cử ra đầu mối để tiếp tục trao đổi về kế hoạch, các hoạt động phối hợp cụ thể tiếp theo; trong đó, có việc nghiên cứu khả năng ký Biên bản ghi nhớ (MOU) thành lập Nhóm công tác chung giữa hai Bộ để điều phối các hoạt động hợp tác.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Yves Fernand Manfoumbi đã ký ý định thư về hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai Bộ.
Đây là là văn kiện cơ sở, tạo tiền đề để hai bên tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế hợp tác và đối thoại trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, hướng tới mục tiêu cải thiện và đẩy mạnh hơn nữa trao đổi thương mại song phương, hỗ trợ và tạo môi trường thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước hợp tác kinh doanh, trên cơ sở lợi thế của mỗi nước và sự bổ trợ lẫn nhau giữa hai nền kinh tế.
Nội dung ý định thư tập trung vào xác định các lĩnh vực hợp tác nhiều tiềm năng; xác định các hoạt động hợp tác giữa hai bên như trao đổi thông tin; nghiên cứu các cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp; hợp tác xúc tiến thương mại; khuyến khích sự giao lưu, hợp tác giữa khu vực doanh nghiệp của hai nước; nghiên cứu khả năng thành lập một Nhóm công tác chung giữa hai Bộ./.