Thưởng thức làn điệu cổ hơn 2.000 năm tuổi trên đất Tổ vua Hùng

Hơn 2.000 năm nay, kể từ thời các Vua Hùng dựng nước, hát xoan luôn được tổ chức vào mùa Xuân để cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no đủ, quốc thái dân an.
Thưởng thức làn điệu cổ hơn 2.000 năm tuổi trên đất Tổ vua Hùng ảnh 1 Các nghệ nhân hát Xoan trình diễn những làn điệu cổ độc đáo và đặc sắc. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Mỗi dịp đầu Xuân mới, các làng xoan cổ ở Phú Thọ lại có dịp hội tụ hát những làn điệu mượt mà, đằm thắm, thấm đậm tình đất, tình người đất Tổ Vua Hùng.

Với người con đất Tổ, hát xoan ngày xuân là nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu và đã được lưu truyền từ bao đời nay.

Bà Nguyễn Thị Hồng đã có 16 năm đi hát với các làng xoan xúc động khi được cùng các kép, đào ngân nga những làn điệu xoan cổ mỗi dịp Tết đến Xuân về. Mặc dù bận chuẩn bị cho vụ lúa mới nhưng tối nào bà cũng luyện tập.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch, làng xoan An Thái xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì cho biết hằng năm cứ vào ngày mồng 2 tháng Giêng, các làng xoan ở thành phố Việt Trì lại làm lễ trước miếu Lãi Lèn và đình làng mình rồi cùng nhau lên hát ở Đền Hùng. Thời gian lưu diễn của các làng Xoan thường diễn ra trong gần 3 tháng.

Hát xoan đã tồn tại hơn 2.000 năm, từ thời các Vua Hùng dựng nước. Hát xoan được tổ chức vào mùa Xuân để đón Năm mới, không chỉ để ca hát mà còn để cầu trời cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no đủ, quốc thái dân an.

Từ lâu, hát xoan đã gắn liền với lễ hội, với nhu cầu tâm linh của đời sống người dân.

Theo ông Đặng Đình Thuận, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ, các làn điệu xoan cổ đều được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước.

Gốc của hát xoan ở vùng Phú Thọ, sau đó lan tỏa tới các làng quê thuộc đôi bờ sông Lô, sông Hồng, qua cả tỉnh Vĩnh Phúc.

Bốn phường xoan cổ là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét nằm ở 2 xã Kim Đức và Phượng Lâu (Phú Thọ) hiện vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn giá trị của hát xoan.

Những ngày đầu tiên của năm mới - mùng 2 Tết, dân làng An Thái, xã Phượng Lâu đã ra đình để thực hiện tín ngưỡng hát thờ Vua. Sau đó vào các ngày mùng 3, mùng 4, mùng 5 các làng Thét, làng Kim Đái (Đới) và làng Phù Đức ở xã Kim Đức cũng tổ chức hát xoan tại đình làng Thét, đình làng Trung và Miếu Lãi Lèn.

Cùng với các làng xoan cổ ở thành phố Việt Trì tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ ngày nay như xã Tây Cốc huyện Đoan Hùng, xã Hương Nộn huyện Tam Nông, thị trấn Lâm Thao huyện Lâm Thao, xã Tử Đà huyện Phù Ninh cũng tổ chức hát giao nghĩa tình cảm giữa các làng với nhau. Vì vậy, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 18 địa điểm tại một số huyện, thị thành có tục lệ hát xoan.

Ngay sau khi UNESCO công nhận hát xoan là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, Phú Thọ đã rất nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản của hát xoan.

Thưởng thức làn điệu cổ hơn 2.000 năm tuổi trên đất Tổ vua Hùng ảnh 2Biểu diễn hát Xoan của huyện Phù Ninh, Phú Thọ. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Năm 2010, toàn tỉnh chỉ có 13 câu lạc bộ của những người yêu thích hát xoan với tổng số 298 thành viên thì đến năm 2017 ở Phú Thọ đã có hơn 30 câu lạc bộ với 1.103 thành viên.

Từ chỗ chỉ còn 7 nghệ nhân cao niên có thể diễn xướng, truyền dạy xoan cổ, thì nay đã có lực lượng nghệ nhân kế cận đông đảo với 62 người.

Phú Thọ đã đi đầu trong việc vinh danh, phong tặng danh hiệu Nghệ nhân hát xoan cho 52 nghệ nhân. Đặc biệt, tỉnh đã hình thành ba thế hệ hát xoan là các nghệ nhân cao niên, các nghệ nhân kế cận và đông đảo thế hệ trẻ triển vọng.

31 bài cơ bản của 3 chặng hát xoan do các nghệ nhân cao tuổi nắm giữ đã được tư liệu hóa và truyền dạy hầu như đầy đủ cho lớp nghệ nhân kế cận.

Các di tích liên quan tới hát xoan, nhất là miếu Lãi Lèn, đình Thét, đình làng Kim Đái (xã Kim Đức) và đình An Thái (xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì) - những di tích cổ nhất gắn với sự ra đời hát xoan đã và đang được khôi phục, tu bổ, tôn tạo, đáp ứng yêu cầu về không gian diễn xướng của hát xoan và trao cho cộng đồng quyền quản lý.

Bước đầu tỉnh đã phục hồi các tập tục và một số không gian trình diễn hát xoan tại cộng đồng. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung đẩy mạnh tư liệu hóa, số hóa di sản và xuất bản “Tổng tập hát xoan Phú Thọ”; hoàn thành xuất bản sách, đĩa phục vụ dạy hát xoan trong trường học; nâng cao chất lượng, xem xét tiêu chí để công nhận Câu lạc bộ hát xoan cấp tỉnh; nghiên cứu xây dựng website hát xoan Phú Thọ.

Với nỗ lực trong việc khôi phục, bảo tồn và gìn giữ di sản của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân, dự kiến hát xoan sẽ thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp vào cuối năm 2017 và trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục