Tòa án Thổ Nhĩ Kỳ thả tự do có điều kiện với phóng viên người Đức

Mesale Tolu, công dân Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ, được thả tự do ngay trong ngày 18/12 nhưng vẫn phải báo cáo với chính quyền hàng tuần và không được tự ý rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.
Tòa án Thổ Nhĩ Kỳ thả tự do có điều kiện với phóng viên người Đức ảnh 1Nữ phóng viên Mesale Tolu. (Nguồn: DW)

Ngày 18/12, một tòa án của Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh thả đối với Mesale Tolu (33 tuổi) , phóng viên và phiên dịch cho hãng tin ETHA của Đức, bị bắt giữ từ cuối tháng 4 vừa qua với cáo buộc tham gia đảng cánh tả MLKP bị cấm hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ và Ankara coi là tổ chức khủng bố.

Tuy nhiên, theo Văn phòng Luật sư đại diện cho Mesale Tolu, mặc dù nữ phóng viên người Đức này được thả tự do cùng với 5 người khác nhưng theo phán quyết của thẩm phán, Mesale Tolu vẫn nằm dưới sự kiểm soát của tòa án. Điều này đồng nghĩa với việc Mesale Tolu, công dân Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ, được thả tự do ngay trong ngày 18/12 sau khi hoàn tất thủ tục song vẫn bị truy tố và xét xử. Ngoài ra, Mesale Tolu vẫn phải báo cáo với chính quyền hàng tuần và không được tự ý rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

Động thái trên của Ankara đã ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh từ phía Berlin. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Maria Adebahr nói: "Chúng tôi rất hoan nghênh quyết định trên của Thổ Nhĩ Kỳ cho dù thủ tục tố tụng đối với cô Mesale Tolu vẫn chưa kết thúc. Đây là bước đầu tiên."

[Đức tiếp tục yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ thả nhà báo bị bắt giữ]

Mesale Tolu là một trong nhiều công dân Đức bị bắt giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ theo sắc lệnh tình trạng khẩn cấp mà chính quyền nước này ban bố sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016, dẫn tới khủng hoảng trong quan hệ giữa Ankara và Berlin. Ngoài trường hợp này, còn có Deniz Yücel, phóng viên người Đức gốc Thổ của báo die Welt, bị bắt giữ vào tháng 2 vừa qua với cáo buộc tuyên truyền cho khủng bố và đang chờ xét xử. Chính Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã gọi Yücel là "tác nhân khủng bố."

Đức và Thổ Nhĩ Kỳ vốn là 2 quốc gia đồng minh gần gũi trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, mối quan hệ này bắt đầu rạn nứt kể từ khi Berlin chỉ trích mạnh mẽ Ankara về cách thức xử lý vụ đảo chính bất thành hồi giữa năm 2016 cũng như các vấn đề liên quan đến người Kurd, cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp và khôi phục án tử hình ở Thổ Nhĩ Kỳ, vụ bắt giữ các nhà báo và công dân Đức hay việc Ankara không cho phép các nghị sĩ Đức đến thăm binh lính đóng quân tại các căn cứ không quân Incirlik và Konya ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi toàn bộ người Đức gốc Thổ không bỏ phiếu cho Liên minh Dân chủ Cơ đốc (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel, đảng Dân chủ Xã hội (SDP), hay đảng Xanh, cho rằng đây là "kẻ thù của Ankara." Đáp lại, Thủ tướng Merkel tuyên bố sẽ ngừng các cuộc đàm phán của Đức và Liên minh châu Âu (EU) về việc xem xét Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục