Tổng thống Liban: Vụ nổ ở Beirut có thể do tấn công tên lửa

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, Tổng thống Aoun nêu rõ vụ nổ ở cảng Beirut ngày 4/8 có thể là do "bất cẩn hoặc sự can thiệp từ bên ngoài thông qua tên lửa hoặc bom."
Tổng thống Liban: Vụ nổ ở Beirut có thể do tấn công tên lửa ảnh 1Nhân viên cứu hộ đến từ Pháp tìm kiếm nạn nhân dưới đống đổ nát sau vụ nổ ở Beirut, Liban, ngày 7/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 7/8, Tổng thống Liban Michel Aoun cho biết nguyên nhân vụ nổ ở cảng Beirut là do một hành động bất cẩn, tắc trách, hoặc cũng có thể do một vụ tấn công tên lửa.

Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cấp cao của Liban để ngỏ khả năng cảng này bị tấn công.

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, Tổng thống Aoun nêu rõ vụ nổ ở cảng Beirut ngày 4/8 có thể là do "bất cẩn hoặc sự can thiệp từ bên ngoài thông qua tên lửa hoặc bom."

Ông đồng thời bác bỏ việc mở một cuộc điều tra quốc tế về vụ nổ như lời kêu gọi của người dân Liban cũng như lãnh đạo các nước trên thế giới, với lý do một cuộc điều tra quốc tế sẽ "bóp méo" sự thật.

[Pháp kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về vụ nổ kinh hoàng ở Beirut]

Các hóa chất, được lưu trữ tại cảng Beirut trong nhiều năm, đã phát nổ vào ngày 4/8 gây ra thảm họa thời bình tồi tệ nhất tại Liban.

Tính đến thời điểm hiện tại, vụ nổ đã làm ít nhất 154 người thiệt mạng, hơn 5.000 người bị thương, phá hủy nhiều khu dân cư, gây thiệt hại cho nước này ước chừng hơn 3 tỷ USD.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 7/8, thủ lĩnh Hassan Nasrallah của lực lượng Hezbollah lên tiểng khẳng định phong trào của tín đồ Hồi giáo dòng Shiite này không có kho vũ khí, đạn dược cũng như các hóa chất khác tại cảng Beirut.

Cộng đồng quốc tế đang tiếp tục chung tay giúp Liban khắc phục hậu quả. Ngày 7/8, Mỹ cho biết đang gửi số hàng viện trợ gồm thực phẩm và thuốc men trị giá 15 triệu USD cho Liban.

Theo Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), số thực phẩm viện trợ đảm bảo cho 50.000 người và số thuốc men đủ chữa trị cho 60.000 người trong ba tháng.

Trước đó, ngày 6/8, quân đội Mỹ đã thực hiện chuyến bay cứu trợ đầu tiên khởi hành từ Qatar chở theo thực phẩm, nước uống và vật tư y tế tới Liban.

USAID cho biết sự hỗ trợ này nằm ngoài chương trình viện trợ gần 42 triệu USD mà Mỹ giúp Liban chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục