TP.HCM đã sẵn sàng tổ chức cho gần 5,5 triệu cử tri đi bầu cử

Do số lượng cử tri rất lớn, TP.HCM áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm hỗ trợ công tác bầu cử, phục vụ việc báo cáo tiến độ bầu cử và tổng hợp nội dung kết quả bầu cử từ cơ sở.
TP.HCM đã sẵn sàng tổ chức cho gần 5,5 triệu cử tri đi bầu cử ảnh 1Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Thành phố phát biểu tại Phiên họp XII của Ủy ban Bầu cử Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Với hơn 5,4 triệu cử tri, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số cử tri, số tổ bầu cử lớn nhất cả nước.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2021-2026 (Ủy ban Bầu cử Thành phố Hồ Chí Minh) về công tác chuẩn bị, tổ chức ngày Hội bầu cử của toàn dân. 

- Xin bà cho biết, công tác chuẩn bị, tổ chức bầu cử tại Thành phố Hồ Chí Minh có gì khác biệt so với các địa phương khác cũng như những điểm mới so với những kỳ bầu cử trước?

Bà Nguyễn Thị Lệ: Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, do đó việc tổ chức bầu cử tại 22 đơn vị hành chính cấp huyện có khác biệt với các địa phương khác về bầu cử đại biểu ở từng cấp.

Cụ thể, tại 16 quận của Thành phố sẽ bầu cử 2 cấp là đại biểu Quốc hội khóa XV; đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X. Đối với thành phố Thủ Đức sẽ tổ chức bầu cử 3 cấp là đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Thủ Đức.

Tại 5 huyện của Thành phố sẽ tổ chức bầu cử 4 cấp gồm đại biểu Quốc hội; đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện; đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã. 

Trong lần bầu cử này, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai rất sớm và đã đi đến những bước cuối cùng trong việc hoàn thiện phần mềm hỗ trợ công tác bầu cử - Nội dung quan trọng trong quá trình tổ chức bầu cử và cũng là nhiệm vụ tất yếu trong quá trình xây dựng Thành phố thành đô thị thông minh.

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị tổ chức bầu cử trong điều kiện dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn trọng điểm nhiều mặt của cả nước, là địa phương có hàng triệu người dân sinh sống, học tập, làm việc, giao thương nhiều nơi thế giới.

Do đó, việc vừa đảm bảo phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cao nhất cho nhân dân; vừa đảm bảo cho cuộc bầu cử diễn ra thành công là một thử thách rất lớn mà Thành phố phải vượt qua trong quá trình chuẩn bị, tổ chức bầu cử.

- Xin bà cho biết những kết quả cơ bản trong công tác chuẩn bị cơ sở hạ tầng, kỹ thuật cho cuộc bầu cử sắp tới?

Bà Nguyễn Thị Lệ: Ngay từ những ngày đầu triển khai công tác chuẩn bị, tổ chức bầu cử, Thành phố luôn nhận thức rằng việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng, kỹ thuật là một trong những yếu tố rất quan trọng góp phần tổ chức thành công cuộc bầu cử.

Đến nay, cùng sự chung tay của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, công tác hậu cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho cuộc bầu cử trên địa bàn Thành phố cơ bản đã hoàn tất theo đúng nội dung và tiến độ.

Các điểm bầu cử chính thức và dự phòng đều được rà soát chuẩn bị đầy đủ cả về nhân sự lẫn hạ tầng vật chất như thùng phiếu, con dấu hay các trang, thiết bị đảm bảo an ninh, y tế… để sẵn sàng cho ngày bầu cử.

Do số lượng cử tri và tổ bầu cử rất lớn (thống kê, cập nhật đến ngày 12/5/2021, toàn Thành phố Hồ Chí Minh  có 5.464.858 cử tri đi bầu cử tại 3.092 Tổ bầu cử), Thành phố áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm hỗ trợ công tác bầu cử, phục vụ việc báo cáo tiến độ bầu cử và tổng hợp nội dung kết quả bầu cử từ cơ sở. Thành phố tổ chức 3 đợt diễn tập để hoàn thiện và đưa vào vận hành chính thức. 

Thành phố đã làm việc với các cơ quan, đơn vị chức năng để đảm bảo điện sẽ được cung cấp an toàn, liên tục cho những địa điểm diễn ra các sự kiện phục vụ bầu cử; mạng viễn thông thông suốt phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc…

Thành phố cũng bố trí phòng điều hành của Ủy ban bầu cử Thành phố đảm bảo các yêu cầu thực thi nhiệm vụ trong mọi tình huống.

- Với số lượng cử tri lớn nhất cả nước, Ủy ban Bầu cử Thành phố đã có biện pháp nào để đảm bảo quyền của cử tri trong đăng ký danh sách cử tri, tiếp cận thông tin phục vụ bầu cử? 

Bà Nguyễn Thị Lệ: Ủy ban Bầu cử Thành phố đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã, thị trấn thực hiện tốt việc rà soát, lập, niêm yết danh sách cử tri; giải quyết nhanh, dứt điểm các khiếu nại của người dân về danh sách cử tri để đảm bảo không có ai là cử tri trên địa bàn không được đi bầu cử cũng như không để trường hợp một cử tri có danh sách bầu cử ở nhiều nơi. 

Để đảm bảo quyền tiếp cận thông tin giúp cử tri bầu cử đúng luật, đúng người, các Tổ bầu cử thực hiện việc niêm yết danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân kèm theo tiểu sử tóm tắt và chương trình hành động của từng người ở khu vực bầu cử; trên các phương tiện truyền thông, tại các nơi tập trung đông người, những nơi thuận tiện cho người dân theo dõi. 

[Thành phố Hồ Chí Minh vận hành thử phần mềm hỗ trợ công tác bầu cử]

Bên cạnh đó, hiện nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố dự kiến tổ chức 110 hội nghị cho các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, 177 hội nghị trực tiếp và trực tuyến cho các ứng cử viên Hội đồng Nhân dân Thành phố để gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, vận động tranh cử phù hợp với tình hình phòng, chống dịch COVID-19.

TP.HCM đã sẵn sàng tổ chức cho gần 5,5 triệu cử tri đi bầu cử ảnh 2Quang cảnh một Hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 3,Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sáng 11/5. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Qua các hội nghị, cử tri có cơ hội tiếp xúc, hiểu biết hơn về chương trình hành động của các ứng cử viên, giúp cho cử tri có sự lựa chọn đúng đắn trong ngày bầu cử. 

Trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Ủy ban Bầu cử Thành phố đã có kế hoạch, giải pháp nào để đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra an toàn, thành công?

Bà Nguyễn Thị Lệ: Từ những chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Bầu cử Thành phố đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch trong quá trình chuẩn bị và tổ chức cuộc bầu cử.

Sở Y tế Thành phố đã triển khai kế hoạch đảm bảo công tác y tế phục vụ bầu cử, chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, nhân sự đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 tùy theo diễn biến tình hình thực tế. 

Ngoài các yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 đối với khu vực, địa điểm bỏ phiếu bầu cử như hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh và triển khai chuẩn bị 4 phương án để tiến hành bỏ phiếu tùy theo các trường hợp, tình huống và các cấp độ của dịch COVID-19 như phương án tổ chức bầu cử tại các khu vực, địa điểm bỏ phiếu; cho cử tri đang cách ly tại nhà; tại khu vực cách ly tập trung và nơi thực hiện cách ly xã hội hoặc phong tỏa; tổ chức bầu cử tại bệnh viện, cơ sở y tế điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ hay xác định mắc COVID-19.

- Công tác tuyên truyền bầu cử là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của cuộc bầu cử. Thời gian qua, Thành phố đã triển khai công tác tuyên truyền bầu cử đến với cử tri như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Lệ: Ủy ban Bầu cử Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Tiểu ban tuyên truyền rất sớm, duyệt kế hoạch và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch hàng tuần và đột xuất.

Nhờ vậy, 100% các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố đã tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ công dân đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động, các tầng lớp nhân dân trong lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

Thời gian qua, hoạt động tuyên truyền bầu cử của Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt những kết quả tích cực với hình thức phong phú, đa dạng; nội dung thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, tạo được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân về hoạt động bầu cử.

Các tổ chức chính trị xã hội, đơn vị, cơ quan; các ngành, giới đều triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền bầu cử trong phạm vi, lĩnh vực của mình bằng nhiều hình thức trực quan sinh động như tuyên truyền, phát tài liệu; tuyên truyền qua các cuộc thi, hội thi, tuyên truyền qua các kênh truyền thông, mạng xã hội...

Toàn Thành phố đã treo hơn 10.000 băngrôn, khẩu hiệu, cờ, phướn…; hơn 5.000 tranh cổ động, cụm pano, áp phích; 29 lượt diễu hành xe hoa; gần 26.000 lượt xe loa, phát thanh tuyên truyền; gần 500 màn hình Led, 100% các bảng, cụm pano, vị trí, tuyến đường dành cho cổ động chính trị…

Các phường, xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền về thời gian diễn ra ngày bầu cử, vận động người dân đi bầu đúng thời gian quy định, phòng, chống dịch.

Song song quá trình đó, Thành phố cũng chú trọng đẩy mạnh các biện pháp đấu tranh, phòng chống phá hoại và tổ chức phản bác các luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái, vu cáo... liên quan đến bầu cử.

Có thể nói, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng đến nay, công tác chuẩn bị, tổ chức bầu cử tại Thành phố đã diễn ra đúng tiến độ, nội dung kế hoạch đã chuẩn bị. Thành phố Hồ Chí Minh đã sẵn sàng cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

- Xin cảm ơn bà và chúc Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành tốt các nhiệm vụ cho ngày bầu cử sắp tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục