TP.HCM: Mỗi công chức, viên chức là một “đại sứ” cải cách hành chính

Thành phố Hồ Chí Minh khuyến khích và tạo thói quen người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, có giải pháp chuyển dần việc nộp hồ sơ trực tiếp sang nộp hồ sơ qua môi trường mạng.
TP.HCM: Mỗi công chức, viên chức là một “đại sứ” cải cách hành chính ảnh 1Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Ngày 30/10, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính giai đoạn 2021- 2030 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, cho biết giai đoạn 2021-2030, thành phố sẽ tập trung, quyết liệt thực hiện nghiêm các giải pháp để nâng cao chỉ số cải cách hành chính, xây dựng hình ảnh chính quyền thành phố phục vụ nhân dân, thân thiện, hiện đại, đoàn kết, nghĩa tình.

Thành phố khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tham mưu, sáng tạo và tiếp thu ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân để tham mưu bổ sung, điều chỉnh các giải pháp phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đẩy mạnh công tác khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với phục vụ của cơ quan hành chính trên toàn địa bàn thành phố. Mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức là một “đại sứ” cải cách hành chính, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện chịu trách nhiệm chính đối với công tác cải cách hành chính của đơn vị, lấy kết quả, hiệu quả, sáng tạo trong công tác cải cách hành chính và lấy tỷ lệ hài lòng để làm căn cứ, điều kiện đánh giá đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức; bình xét thi đua, khen thưởng.

[Định hình cung đường vươn tầm cao mới của Thành phố mang tên Bác]

Theo ông Ngô Minh Châu, thành phố sẽ kiểm tra đột xuất đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và thực hiện quy tắc ứng xử của công chức, viên chức; thực hiện “Đề án xây dựng thành phố thông minh”; kiến trúc chính quyền điện tử thành phố 2.0. Đồng thời, Thành phố Hồ Chí Minh khuyến khích và tạo thói quen người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, có giải pháp chuyển dần việc nộp hồ sơ trực tiếp, tiếp xúc với công chức sang nộp hồ sơ thông qua môi trường mạng.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đánh giá cao các kết quả quan trọng cải cách hành chính của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2020, trong đó xác định người dân là trọng tâm của công tác cải cách hành chính, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công việc.

TP.HCM: Mỗi công chức, viên chức là một “đại sứ” cải cách hành chính ảnh 2Hướng dẫn người dân, doanh nghiệp giải quyết các thủ tục hành chính. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Thành phố đã tăng cường các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, tăng tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn, thực hiện cơ chế phân cấp, uỷ quyền để đẩy nhanh thời gian giải quyết thủ tục. Bên cạnh đó, thành phố đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, triển khai mô hình “phòng họp không giấy,” ứng dụng “nhắc việc thông minh.”

Báo cáo kết quả cải cách hành chính đã đạt được, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Thị Hoàng Các cho biết, trong giai đoạn 2016-2020 thành phố đã kiểm tra 589 văn bản và phát hiện 59 văn bản có dấu hiệu chưa phù hợp, thể thức trình bày không đảm bảo quy định pháp luật. Thành phố rà soát thủ tục hành chính trọng tâm thuộc lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng; qua đó đơn giản hóa 77 thủ tục, bổ sung 41 thủ tục, bãi bỏ 18 thủ tục.

Từ năm 2015-2019 các sở ngành, quận huyện, phường, xã, thị trấn đã tiếp nhận hơn 84 triệu hồ sơ. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn mỗi năm đạt từ 97,52%-99,93% đối với sở ngành, đạt từ 99,97%-99,99% đối với cấp xã, phường, thị trấn.

Tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được cung cấp là 668 thủ tục hành chính. Thành phố đã giảm được 108 tổ chức phối hợp liên ngành, tăng cường cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp.

Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các hoạt động cải cách hành chính, triển khai chính quyền điện tử từ thành phố đến cơ sở, hình thành Trung tâm Điều hành hệ thống mạng băng thông rộng, kho dữ liệu dùng chung; theo dõi, đánh giá chỉ số cải cách hành chính để xếp loại mức độ hoàn thành công việc.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục