Trao Giải thưởng 'Báo chí tuyên truyền về an toàn giao thông năm 2019'

Hai giải Nhất đã thuộc về loạt bài: “Chống ùn tắc giao thông - không để tắc từ cơ chế” của báo Đại Đoàn kết và “Thâm nhập đường dây làm giả giấy phép lái xe” của báo Giao thông.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trao giải Nhất cho các tác giả. (Ảnh: Diễm Quỳnh/TTXVN)
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trao giải Nhất cho các tác giả. (Ảnh: Diễm Quỳnh/TTXVN)

Chiều 17/6, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức Lễ trao Giải thưởng “Báo chí tuyên truyền về an toàn giao thông năm 2019.”

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đại diện một số bộ, ngành, Hội Nhà báo Việt Nam tham dự.

Giải thưởng năm 2019, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã chọn và trao 32 giải thưởng cá nhân, gồm 2 giải Nhất, 5 giải Nhì, 10 giải Ba và 15 giải Khuyến khích cho các tác phẩm báo in và báo điện tử.

Hai giải Nhất thuộc về loạt bài: “Chống ùn tắc giao thông - không để tắc từ cơ chế” của báo Đại Đoàn kết và “Thâm nhập đường dây làm giả giấy phép lái xe” của báo Giao thông.

Phóng viên Lê Phú (Báo Tin tức - TTXVN) đoạt giải Khuyến khích với tác phẩm "Phố đường tàu đóng cửa, khách Hà Nội đổ xô ra cầu Long Biên chụp ảnh.”

Ngoài ra còn có 3 giải tập thể đồng hạng cho 3 báo có bài dự thi nhiều nhất là báo Thái Nguyên, báo Giao thông và tạp chí Giao thông vận tải.

Nhân dịp này, Bộ Giao thông Vận tải đã trao Bằng khen cho hai tập thể đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2019 gồm Truyền hình Thông tấn (TTXVN), Chương trình Chào buổi sáng (Ban Thời sự - Đài Truyền hình Việt Nam) và một cá nhân thuộc kênh VOV giao thông (Đài Tiếng nói Việt Nam). 

Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng, giải thưởng năm 2019 thu hút 954 tác phẩm của 50 cơ quan báo chí cả nước tham gia.

Điểm đáng chú ý, năm nay, trong số các tác phẩm tham dự giải thưởng có nhiều loạt bài dài kỳ, được dày công thực hiện, nhiều loạt bài thông tin đa chiều, làm sâu, làm tận cùng vấn đề và có tính gợi mở.

Điều này cho thấy việc truyền thông về công tác bảo đảm an toàn giao thông không chỉ được các báo chú trọng thông tin bề nổi mà đã chuyển sang chiều sâu để thông tin một cách đa chiều, chuyển tải hàm lượng thông tin chuyên môn sâu hơn, từ đó đề xuất, gợi mở những biện pháp, giải pháp hiệu quả, sát thực hơn với thực tiễn công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Đặc biệt, báo chí cũng đã bám sát chủ đề của Năm An toàn giao thông 2019 là: “An toàn giao thông cho hành khách và người đi môtô, xe máy” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết” nên đã có hàng loạt bài viết về chủ đề này.

Từ đó, báo chí cũng đã đề xuất, khuyến nghị và gợi mở hàng loạt giải pháp mới để kiềm chế tai nạn giao thông xảy ra đối với đối tượng là những người khó khăn hơn trong xã hội, đó là người phải di chuyển bằng phương tiện công cộng và xe môtô, xe gắn máy.

“Điểm đáng lưu ý, trong nội dung các tác phẩm cơ quan báo chí gửi về tham dự giải tiếp tục đề cập nhiều đến công tác quản lý Nhà nước về an toàn giao thông. Từ phản ánh của báo chí, các cấp lãnh đạo, các cơ quan quản lý Nhà nước sau khi tiếp nhận đã lấy đó làm cơ sở để điều chỉnh và hoạch định chính sách và ban hành các chỉ đạo chấn chỉnh...” ông Khuất Việt Hùng cho biết.

[Giải Báo chí quốc gia: Tồn tại ‘khoảng trống’ ở thể loại ký và ảnh]

Phát biểu tại Lễ trao giải, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, các cơ quan báo chí truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước nói chung và trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói riêng.

Thực tế cho thấy, tuyên truyền qua báo chí đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về ý thức của người tham gia giao thông, kết quả kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông cả về số vụ, số người chết liên tục qua các năm.

Trao Giải thưởng 'Báo chí tuyên truyền về an toàn giao thông năm 2019' ảnh 1Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu. (Ảnh: Diễm Quỳnh/TTXVN)

Các cơ quan báo chí luôn chủ động lựa chọn hình thức, chủ đề bám sát thực tiễn công tác bảo đảm an toàn giao thông, chuyển tải đến người dân những thông tin, các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông một cách kịp thời, rộng khắp và hiệu quả.

Theo Phó Thủ tướng, Giải thưởng báo chí tuyên truyền về an toàn giao thông ngày càng có uy tín, ghi nhận và động viên nhiều tổ chức, cá nhân tham gia tích cực vào mặt trận đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông.

Chúc mừng các cơ quan báo chí nói chung, các nhà báo nói riêng đã đoạt Giải thưởng, Phó Thủ tướng mong muốn trong năm 2020, báo chí tiếp tục khai thác sâu, nhiều góc độ, đặc biệt là qua thực tiễn hoạt động nghề báo để tổng hợp, đánh giá, phân tích nguyên nhân và kiến nghị chính sách, đi sâu làm rõ tại sao nhiều lái xe cầm vô lăng nhưng tay nghề kém, nghiện ma túy, trách nhiệm của cơ sở đào tạo, cơ sở sát hạch.

“Tôi nghe phản ảnh nhiều về việc đào tạo không thực chất, chạy chọt, đóng tiền là được, đào tạo cũng thế, sát hạch cũng vậy, tiêu cực… Báo chí phải chỉ rõ được vấn đề này, phản ảnh sâu, rõ hơn nữa,” Phó Thủ tướng nói.

Tại buổi lễ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chính thức phát động Giải thưởng báo chí tuyên truyền về an toàn giao thông năm 2020 với chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết,” nhằm đưa Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đi vào cuộc sống để giảm đến mức thấp nhất số vụ, số người chết, bị thương vì tai nạn giao thông do nguyên nhân uống rượu, bia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục