Trung Quốc và quyết tâm 'xây lại từ đầu' nền kinh tế​ sau COVID-19

Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã khiến các đơn đặt hàng sản phẩm ở Trung Quốc bị hoãn lại. Nhiều công ty giờ đây sẵn sàng trả chi phí cao hơn để sản xuất ở những nơi khác.
Trung Quốc và quyết tâm 'xây lại từ đầu' nền kinh tế​ sau COVID-19 ảnh 1Cảng hàng hóa ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo tờ The Economist, khi mở cửa biên giới vào ngày 8/1, Trung Quốc đã trải qua 1.016 ngày đóng cửa với thế giới bên ngoài.

Chính sách "Không-COVID" của nước này là một thử nghiệm xã hội và kinh tế chưa từng có tiền lệ. Những người lính trong bộ đồ bảo hộ màu trắng được triển khai để thu thập hàng chục tỷ que xét nghiệm họng và mũi. Hàng triệu người được cách ly hoặc đưa đến các khu lều trại tập trung...

Ở các thành phố lớn, cuộc sống “đứng im” hàng tháng trời. Tầng lớp những người Trung Quốc trẻ tuổi, giàu có buộc phải chấp nhận cuộc sống không có du lịch quốc tế.

Các doanh nhân và nhà điều hành nước ngoài bị cấm trở về nhà và doanh nghiệp của họ ở trong nước.

[WEF 2023: IMF nhận định về khả năng phục hồi của kinh tế Trung Quốc]

Trước khi có vaccine ngừa COVID-19, các quan chức Trung Quốc lập luận cách tiếp cận này là cần thiết để cứu sống người dân nhưng cuối cùng, thử nghiệm này mang lại một sự tồn tại ảm đạm với cái giá quá đắt.

Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc có thể tăng chưa đến 3% trong năm 2022, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là khoảng 5,5%.

Những hạn chế đi lại nghiêm ngặt đã gây khó khăn cho hầu hết các chuỗi cung ứng tiên tiến của thế giới.

Tháng 11/2022, lợi nhuận được tạo ra bởi các công ty công nghiệp giảm 9% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong khi đó, trao đổi giữa Trung Quốc với thế giới bên ngoài đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Rất ít sinh viên nước ngoài còn ở lại nước này. Du lịch nước ngoài sụp đổ. Trung Quốc mới chỉ nối lại các chuyến công du nước ngoài sau hai năm rưỡi.

Sự kiên trì mang tính lịch sử

Chính sách "Không-COVID" kéo dài hơn dự kiến ban đầu, sau đó sụp đổ nhanh hơn bất kỳ ai có thể hình dung.

Chỉ trong vài tuần, Trung Quốc từ chỗ có những hạn chế nghiêm ngặt nhất thế giới trở thành hầu như không có hạn chế nào. Đối với phần lớn dân số, nỗi lo sợ bị phong tỏa và cách ly đã biến mất. Sau một thời gian hỗn loạn, hoạt động kinh tế có thể phục hồi mạnh mẽ.

Nhu cầu gia tăng đối với năng lượng và hàng hóa sẽ được cảm nhận trên toàn thế giới.

Các nhà đầu tư và nhà điều hành đa quốc gia có thể hy vọng đến thăm đồng nghiệp và nhà máy sau một thời gian tạm dừng. Sự tái kết nối mạnh mẽ của Trung Quốc với thế giới bên ngoài đánh dấu sự kết thúc kỷ nguyên đại dịch toàn cầu.

Tuy nhiên, sự bình thường sẽ không đến ngay lập tức. Theo một ước tính, có 37 triệu người nhiễm COVID-19 mỗi ngày ở Trung Quốc. Các bệnh viện bị quá tải. Các quan chức thừa nhận có ít trường hợp tử vong và phải đối mặt với thách thức rất lớn trong việc duy trì hoạt động của các dây chuyền sản xuất.

Tesla, hãng sản xuất ôtô của Mỹ, đã dừng hoạt động của nhà máy ở Thượng Hải vào đêm trước Giáng sinh. Một giám đốc điều hành bày tỏ lo lắng rằng các quan chức địa phương có thể phong tỏa các thị trấn để giảm số ca nhiễm.

Chuyên gia Tommy Wu thuộc ngân hàng Commerzbank cho rằng kinh tế Trung Quốc có thể thu hẹp trong ba tháng đầu tiên sau khi mở cửa. Tuy nhiên, sự phục hồi cũng sẽ đến sớm hơn so với các nhà phân tích dự kiến.

Nhiều chuyên gia cho rằng giai đoạn cực kỳ dễ bị tổn thương sẽ khép lại vào cuối tháng Ba. Vào lúc đó, sự phục hồi sẽ bắt đầu và đạt được sức mạnh khi năm 2023 trôi qua.

Li Pengfei, cho đến gần đây là nhà quản lý sản xuất của một công ty phần mềm công nghiệp ở Bắc Kinh, nằm trong số những người mong chờ mọi thứ trở lại bình thường.

Li mất việc vào tháng 2/2022 khi những biện pháp hạn chế khiến các nhiệm vụ cơ bản như đi gặp khách hàng trở nên gần như không thể. Ông đã dành một quãng thời gian của năm 2022 sống với chị gái của mình, nhưng đã buộc phải trở về nhà ở tỉnh Cát Lâm vùng Đông Bắc Trung Quốc, nơi mà triển vọng kinh tế đã rất ảm đạm ngay cả trước khi đại dịch xảy ra.

Ông cho biết: “Mọi thứ không ổn định đến mức ngay cả những công ty lớn cũng đang thu hẹp quy mô.”

Ở những nơi khác trên thế giới, các ông chủ lo lắng về “sự rời bỏ,” với tình trạng người lao động bỏ việc hoặc hoàn toàn rời khỏi lực lượng lao động. Tuy nhiên ở Trung Quốc, điều này lại khác.

Không giống ở Mỹ, Chính phủ Trung Quốc không phát những tấm séc một cách tùy tiện trong thời kỳ đại dịch. Những người mất việc sẽ nhanh chóng quay trở lại làm việc khi có cơ hội. Các nhà kinh tế tin rằng điều này sẽ giúp ổn định sản lượng của nhà máy.

Tiêu dùng cũng sẽ tăng lên. Thu nhập đã giảm, nhưng chính sách "Không-COVID" cũng làm giảm chi tiêu khi người dân tránh đi du lịch và ăn uống bên ngoài. Các hộ gia đình Trung Quốc đã tiết kiệm 1/3 thu nhập của họ vào năm ngoái.

Năm nay, nhiều người sẽ trở lại sau khi mất việc, lương đình trệ và giá trị nhà của họ giảm, tất cả đồng nghĩa với việc chi tiêu thoải mái sẽ bị hạn chế.

Nhà kinh tế Jacqueline Rong thuộc Ngân hàng BNP Paribas dự báo tiêu dùng hộ gia đình của Trung Quốc sẽ tăng trưởng khoảng 9% trong năm 2023 - một sự cải thiện lớn so với năm 2022.

Việc mở cửa trở lại cũng sẽ đem lại lợi ích cho lĩnh vực bất động sản vốn đang gặp rắc rối của Trung Quốc, mặc dù lĩnh vực này vẫn phụ thuộc nhiều vào những quyết định mang tính chính trị.

Vào tháng 11/2022, khi những hạn chế phòng dịch COVID-19 được nới lỏng, các nhà hoạch định chính sách đã điều chỉnh cách tiếp cận tài chính đối với các nhà phát triển bất động sản theo hướng nhẹ nhàng hơn. Điều đó sẽ giúp các công ty “khỏe mạnh” hơn, tránh được nguy cơ vỡ nợ và hoàn thiện việc xây dựng các căn hộ mà họ đã bán cho khách hàng.

Tại Hội nghị Công tác Kinh tế trung ương của Trung Quốc hồi tháng 12/2022, các nhà hoạch định chính sách đã cam kết hỗ trợ “nhu cầu cơ bản”, ngăn chặn những giao dịch mua bán mang tính đầu cơ. Để đạt được mục tiêu đó, họ có thể cắt giảm hơn nữa lãi suất thế chấp và các yêu cầu thanh toán trước.

Có rất nhiều dự báo về hiệu suất của lĩnh vực bất động sản, được xác định một cách rộng rãi bao gồm xây dựng, dịch vụ và trang trí nội thất.

Chuyên gia Jing Liu thuộc Ngân hàng HSBC cho rằng hoạt động trong lĩnh vực này có thể tăng trưởng 3% trong năm nay, đủ để cộng thêm 0,9 điểm phần trăm vào tỷ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc.

Bà cho rằng một kịch bản lạc quan hơn là lĩnh vực này tăng trưởng 5%, làm tăng thêm 1,5 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP.

Một số hộ gia đình có thể quyết định rằng giờ là thời điểm tốt để mua vào trước khi giá cả tăng trở lại hay các quy định hạn chế đối với việc mua nhà được áp dụng trở lại.

Vượt ra ngoài biên giới

Những tác động kinh tế của việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ được mở rộng ra xa hơn. Chính sách "Không-COVID" đã hạn chế nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa và dịch vụ toàn cầu. Ví dụ, trong thời gian Thượng Hải phong tỏa trong nửa đầu năm 2022, nhu cầu dầu mỏ của nước này giảm 2 triệu thùng/ngày.

Trung Quốc và quyết tâm 'xây lại từ đầu' nền kinh tế​ sau COVID-19 ảnh 2Một cửa hàng rau củ ở Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc ngày 9/7/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong quá khứ, những sự cắt giảm như vậy của Trung Quốc sẽ tước đi động cơ tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế thế giới.

Chuyên gia Louis Kuijs thuộc công ty xếp hạng tín nhiệm S&P Global đánh giá: “Ít nhất vào thời điểm này, Trung Quốc không góp phần gây ra lạm phát.”

Sự phục hồi của Trung Quốc sẽ nâng đỡ tăng trưởng toàn cầu vì lý do đơn giản là Trung Quốc đóng góp phần lớn vào kinh tế thế giới.

HSBC nhận định một năm nữa, trong quý 1/2024, GDP của Trung Quốc sẽ cao hơn 10% so với mức tăng của ba tháng đầu năm 2023.

Theo tính toán sơ bộ của ngân hàng này, một Trung Quốc đang phục hồi có thể đóng góp 2/3 tăng trưởng toàn cầu trong giai đoạn đó.

Tuy nhiên, trong một thời gian dài hơn, sự phục hồi của Trung Quốc có thể gây ra những tác dụng phụ đáng tiếc.

Ở các nền kinh tế lớn khác, các ngân hàng trung ương đang có xu hướng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Nếu việc mở cửa trở lại của Trung Quốc làm tăng nhu cầu toàn cầu và từ đó làm tăng áp lực giá, thì đến một mức độ nào đó, ngân hàng trung ương sẽ phải thắt chặt chính sách đề bù đắp cho mối đe dọa này.

Trong một kịch bản như vậy, tác động của việc Trung Quốc mở cửa trở lại đối với phần còn lại của thế giới có thể không phải là tăng trưởng cao hơn, mà là lạm phát hoặc lãi suất cao hơn.

Hàng hóa là khía cạnh mà Trung Quốc có ảnh hưởng trực tiếp nhất. Nước này tiêu thụ gần 1/5 lượng dầu mỏ, hơn một nửa lượng đồng, nickel và kẽm tinh chế và hơn 3/5 lượng quặng sắt của thế giới.

Vào ngày 4/11/2022, chỉ tin đồn về việc Trung Quốc mở cửa trở lại đã khiến giá đồng tăng 7% vào cuối ngày.

Khi những tin đồn được xác nhận, nhu cầu của Trung Quốc đối với kim loại, ngũ cốc và năng lượng sẽ giúp ích cho các nhà xuất khẩu hàng hóa, làm tổn thương các nhà nhập khẩu và lại khiến các ngân hàng trung ương của thế giới "đau đầu" trong cuộc chiến chống lạm phát của họ.

Nhu cầu của Trung Quốc đối với kim loại vẫn mạnh mẽ trong thời kỳ áp dụng chính sách "Không-COVID," khi chính phủ nước này khuyến khích chi tiêu cho xe điện, năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng xanh, tất cả những thứ đó đòi hỏi rất nhiều nhôm, đồng và các kim loại khác. Tuy nhiên, người mua thiếu tự tin để tích trữ, khiến lượng đồng tồn kho giảm xuống mức thấp nhất trong 15 năm.

Việc mở cửa trở lại sẽ khuyến khích việc tích trữ. Tháng 11/2022, ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá đồng sẽ tăng lên 9.000 USD/tấn trong vòng 12 tháng. Giờ đây, họ cho rằng giá đồng sẽ đạt mức 11.000 USD/tấn.

Trong khi đó, nhu cầu đối với năng lượng tỏ ra kém phục hồi hơn, đặc biệt là trong thời gian tiến tới chấm dứt chính sách "Không-COVD."

Nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Trung Quốc giảm khoảng 1/5 trong 11 tháng của năm 2022, so với cùng kỳ năm 2021.

Điều này cho phép châu Âu gia tăng mua LNG để bù đắp cho lượng khí đốt mất đi từ Nga.

Vì vậy, chính sách "Không-COVID" của Trung Quốc đóng vai trò như một đối trọng với cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Các nhà phân tích cho rằng nhập khẩu LNG của Trung Quốc sẽ tăng nhẹ trong năm nay, dựa trên những hợp đồng đã ký. Nếu nhập khẩu phục hồi nhanh hơn, châu Âu có thể cảm nhận được khó khăn.

Trong một thử nghiệm gần đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng nhu cầu của Trung Quốc sẽ tăng khoảng 1/4 trong năm tới, trở về mức năm 2021. Trong khi đó, Nga sẽ cắt hoàn toàn khí đốt truyền qua đường ống sang châu Âu.

Trong một kịch bản như vậy, châu Âu sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt 37 tỷ mét khối khí đốt, tương đương với 7% nhu cầu hàng năm, ngay cả sau khi đã tính đến những nỗ lực nhằm gia tăng nguồn cung của châu lục này.

IEA cảnh báo rằng nếu không có biện pháp nào, châu Âu có thể buộc phải áp dụng hình thức tiêu dùng theo khẩu phần.

Tác động đối với thị trường dầu mỏ có thể cũng đáng kể. Goldman Sachs dự báo rằng nhu cầu gia tăng của Trung Quốc có thể đẩy giá dầu tăng khoảng 15 USD/thùng. Giá dầu Brent có thể một lần nữa vượt 100 USD/thùng trong quý 3/2023, khiến cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu trở nên khó khăn hơn.

Giá hàng hóa cao sẽ mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu như Chile và Brazil, nhưng lại gây tổn thương cho các nước láng giềng nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc.

Đối với Ấn Độ, thiệt hại từ giá cả cao hơn có thể làm mất đi lợi ích có được từ xuất khẩu gia tăng vào Đại lục.

Các quốc gia khác, bị ràng buộc chặt chẽ hơn vào chuỗi cung ứng sản xuất của Trung Quốc, dường như ở vị trí tốt hơn để hưởng lợi.

Nhưng số liệu thống kê sơ bộ có thể dễ gây nhầm lẫn. Mặc dù xuất khẩu hàng hóa của Đài Loan (Trung Quốc) sang Đại lục tương đương với hơn 15% GDP năm 2021, nhiều mặt hàng là linh kiện cho các sản phẩm mà cuối cùng được bán cho khách hàng bên ngoài Trung Quốc, và vì vậy có thể không chịu ảnh hưởng bởi sự thay đổi chính sách.

Sự thúc đẩy lớn nhất đối với các nước láng giềng sẽ không đến từ việc bán hàng hóa cho Trung Quốc, mà từ việc kinh doanh ở các điểm đến du lịch phục vụ công dân Trung Quốc.

Ni Na, bà mẹ hai con ở Thượng Hải, trước đại dịch đi du lịch nước ngoài một năm 5 lần, thường dành ba đến bốn tháng một năm ở bên ngoài Trung Quốc.

Cô đã cố gắng đi du lịch một lần trong Trung Quốc năm 2022, khi phải đối mặt với những hạn chế. Khi những yêu cầu cách ly trong nước được dỡ bỏ, cô sẽ tiếp tục đi du lịch nước ngoài.

Trung Quốc và quyết tâm 'xây lại từ đầu' nền kinh tế​ sau COVID-19 ảnh 3Khách du lịch Trung Quốc tới sân bay Suvarnabhumi, Thái Lan, ngày 9/1/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo đánh giá của Goldman Sachs, tăng trưởng kinh tế của Thái Lan, điểm đến du lịch được nhiều người ưa thích, có thể tăng 3 điểm phần trăm một khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn.

Nhà kinh tế Arup Raha thuộc công ty Oxford Economics cho rằng điều đó sẽ loại bỏ sự bất trắc đè nặng lên giá tài sản địa phương, trong đó có tiền tệ, đồng thời làm giảm bớt áp lực buộc Ngân hàng trung ương Thái Lan phải tăng lãi suất.

Tuy nhiên, nền kinh tế được hưởng lợi lớn nhất từ việc mở cửa trở lại sẽ là Hong Kong. Xuất khẩu gia tăng, bao gồm du lịch, có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP của Hong Kong lên gần 8% sau khi mở cửa trở lại hoàn toàn. Hong Kong từng thu hút hơn 4 triệu du khách Đại lục một tháng.

Giành lấy những gì đã mất

Sau ba năm thực hiện chính sách "Không COVID," Trung Quốc sẽ phải tìm cách khắc phục những thiệt hại đối với niềm tin quốc gia.

Nhiều nhà đầu tư đã điều chỉnh đánh giá rủi ro của họ đối với Trung Quốc và sẽ phân bổ ít hơn cho quốc gia này trong ba năm tới, trừ khi họ được bồi thường. Khoảng 18 tỷ USD ngoại hối đã chảy ra khỏi Trung Quốc trong tháng 11, tăng từ mức 11 tỷ USD của tháng 10. Những dòng chảy này được cho là sẽ đảo chiều nếu kinh tế Trung Quốc ổn định trong năm 2023, dù không có khả năng về mức trước đại dịch.

Thiệt hại sâu sắc đã được chứng kiến ở các bộ phận của chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã khiến các đơn đặt hàng sản phẩm này bị hoãn lại. Nhiều công ty giờ đây sẵn sàng trả chi phí cao hơn để sản xuất ở những nơi khác.

Trước đây, quy trình tung ra một sản phẩm mới đòi hỏi sự di chuyển không ngừng của các nhà nghiên cứu và nhà khoa học giữa các trụ sở thường ở phương Tây và các nhà máy ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, COVID-19 đã làm cho sự kết nối này không thể thực hiện được. Các kỹ sư dừng đi lại, và ít sản phẩm mới hơn được tung ra thị trường nước này. Các công ty đa quốc gia đã buộc phải ra mắt sản phẩm những nơi khác, dù thường là một cách miễn cưỡng.

Sau ba năm thực hiện chính sách Không-COVID, các nhà điều hành công ty đã trở nên thoải mái với việc rời khỏi Trung Quốc. Đầu tư trong nước vào các nhà máy “xanh” đã chậm lại đáng kể.

Ông Alex Bryant, Chủ tịch công ty tư vấn về chuỗi cung ứng East West Associates, cho biết số lượng công ty quyết định chuyển hoạt động ra ngoài Trung Quốc đã tăng lên. Hầu hết các hoạt động phân bổ lại sản xuất mà công ty ông đã hỗ trợ trong năm qua đều diễn ra ở nước ngoài.

Ông cho rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại khó có thể dẫn đến sự thay đổi ngay lập tức của hướng chuyển đổi này.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã nhận thức được mối đe dọa này.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin các phái đoàn quan chức và doanh nhân từ Phúc Kiến, Quảng Đông, Giang Tô, Tứ Xuyên, Chiết Giang và các nơi khác đang lên kế hoạch cho các chuyến công du nước ngoài để “lấy đơn hàng” và giành lại nhà đầu tư. Họ đánh giá “một cuộc gặp trực tiếp có giá trị bằng hàng nghìn thư điện tử.”

Đầu tháng 12/2022, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đặt mục tiêu tập trung thu hút tiền nước ngoài, nhấn mạnh rằng các chính quyền địa phương cần phải ưu tiên tìm kiếm nhà đầu tư.

Ông Robin Xing thuộc ngân hàng Morgan Stanley cho rằng Trung Quốc muốn duy trì vị trí của họ trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để bù đắp cho những sự hỗn loạn của năm 2022 sẽ đòi hỏi rất nhiều cuộc gặp gỡ trực tiếp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục