Từ tháng Chín, tất cả những thực vật như quả tươi, cây, cỏ trước khi nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được kiểm dịch chặt chẽ.
Nội dung trên được quy định rõ trong Thông tư 39 quy định Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành.
Các vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bao gồm cây và các bộ phận của cây còn sống được sử dụng để trồng trọt, quả tươi, vỏ và hạt cỏ các loại, sinh vật có ích và sinh vật sống khác có nguy cơ gây hại tài nguyên thực vật; gỗ tròn, gỗ xẻ chưa qua xử lý kiểm dịch thực vật.
Thông tư trên được ban hành trong bối cảnh gần đây nhiều người dân lo lắng vì có nhiều loại trái cây từ nước ngoài vào Việt Nam có hóa chất, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bùi Bá Bổng, các vật thể trên phải được phân tích nguy cơ dịch hại khi vật thể nhập khẩu thuộc một trong các trường hợp như lần đầu tiên nhập khẩu vào Việt Nam hoặc có xuất xứ mới.
Các vật thể trên phải được xem xét và đánh giá lại kết quả phân tích nguy cơ dịch hại đã có khi vật thể tại nước xuất khẩu có bằng chứng khoa học và thực tế về sự bùng phát dịch hại kiểm dịch thực vật hoặc dịch hại thuộc diện điều chỉnh hay nước xuất khẩu đưa ra biện pháp quản lý dịch hại mới…
Các vật thể khác không quy định tại Thông tư này, khi nhập khẩu nếu bị phát hiện thấy có dịch hại kiểm dịch thực vật của Việt Nam thì cũng phải tiến hành phân tích nguy cơ dịch hại.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quyết định miễn phân tích nguy cơ dịch hại đối với vật thể trong trường hợp đặc biệt.
Thông tư trên có hiệu lực thi hành từ ngày 27/9/2012.
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, trong 104 mẫu trái cây, rau củ quả nhập khẩu được kiểm tra mới đây, cơ quan này đã phát hiện ba mẫu trái cây, rau củ của Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao hơn tiêu chuẩn Việt Nam gấp nhiều lần.
Trong đó, có hai mẫu nho xuất xứ từ Trung Quốc có dư lượng difenoconazole vượt ngưỡng cho phép từ 3 đến 5 lần (tiêu chuẩn Việt Nam)./.
Thùy Giang (Vietnam+)