Tưởng niệm 702 năm Trần Nhân Tông nhập niết bàn

Ngày 6/12, Giáo hội Phật giáo VN, Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh tưởng niệm 702 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.
Ngày 6/12 (tức 1/11 âm lịch), tại khu di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng Yên Tử, thị xã Uông Bí (Quảng Ninh), Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh đã tổ chức Lễ tưởng niệm 702 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1308-2010).

Tham dự lễ có Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam; Thượng tọa Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam; Thượng tọa Thích Gia Quang, Phó Tổng thư ký Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam cùng đông đảo tăng ni, phật tử trong cả nước.

Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) tên thật là Trần Khâm, lên ngôi năm 1278, là con trưởng của Trần Thánh Tông, mẹ là Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng thái hậu; là vị vua lãnh đạo quân dân cả nước đánh tan quân Nguyên xâm lược lần thứ 2 (1285) và thứ 3 (1287). Triều đại ông nổi bật với tinh thần quân dân đại đoàn kết, nổi tiếng qua hai hội nghị Diên Hồng và Hội nghị Bình Than.

Sau cơn binh lửa, Trần Nhân Tông chú trọng đến khuyến nông, chiêu mộ dân khai khẩn ruộng hoang, mở rộng các công trình thủy lợi, chia ruộng đất cho dân, khuyến khích học hành thi cử, tuyển chọn nhân tài, tha tô thuế tạp dịch cho những vùng bị tàn phá, miễn dịch cho các vùng khác...

Năm 1293, ông nhường ngôi cho con là Trần Thuyên (vua Trần Anh Tông) và làm Thái Thượng hoàng cùng con lo việc nước. Năm 1299, ông giũ sạch bụi trần lên núi Yên Tử tu hành khai sáng Thiền phái Trúc Lâm.

Đã hơn 700 năm trôi qua kể từ ngày Điều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông-vị tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm tạ thế (16/11/1308), nhưng cùng với sự trường tồn của dân tộc, tinh hoa thiền học của Người vẫn lấp lánh như ngọn hải đăng soi rọi cho sự phát triển của Phật học Việt Nam với phương châm bất tử "cư trần lạc đạo" - nghĩa là sống trong cõi trần vui với đạo.

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, vua Trần Nhân Tông là một trong những lãnh tụ thiên tài, anh hùng dân tộc và là một vị vua duy nhất trên thế giới từ bỏ ngai vàng để đi tu và đắc đạo, thống nhất Phật giáo Việt Nam bấy giờ, hình thành tổ chức giáo hội Trúc Lâm mang đậm nét Việt Nam. Ngày tưởng niệm vua Trần Nhân Tông nhập Niết bàn hàng năm cũng là ngày Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chọn làm ngày giỗ chung của Phật giáo Việt Nam.

Các hoạt động tưởng niệm được diễn ra tại khu vực Tháp Tổ - Lễ đài chùa Hoa Yên (Yên Tử) với các nghi thức nhiễu tháp, thỉnh Phật, cúng Tổ, chẩn Tế, cúng Phật, tế Tổ... dâng hương tưởng niệm, dâng tấu lên Đức vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Cũng trong dịp này tại tất cả các đạo tràng trong cả nước cũng đồng tổ chức lễ tưởng niệm 702 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1308-2010).

Trước đó, ngày 5/12, Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh, Ban quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức dâng hương tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông ở Di tích Am - Chùa Ngọa Vân, xã Bình Khê, huyện Đông Triều, Quảng Ninh.

Cùng ngày, tại Chùa Cam Lộ, Ban Trị sự Tỉnh hội Giáo hội Phật giáo Quảng Trị đã tổ chức Lễ tưởng niệm 702 năm Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn. Đông đảo tăng ni, phật tử cùng đại diện chính quyền tỉnh Quảng Trị và huyện Cam Lộ đã đến tham dự lễ tưởng niệm này.

Tại lễ tưởng niệm, Hòa thượng Thích Thiện Tấn, Trưởng Ban Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Trị đã đọc văn tưởng niệm, khẳng định công đức của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như đóng góp vào xây dựng Phật giáo ở Việt Nam.

Tưởng nhớ công lao và sự nghiệp vĩ đại của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Nghị quyết kỳ 3 - khóa VI) đã quyết định chọn ngày 1/11 âm lịch (ngày nhập diệt của Phật hoàng Trần Nhân Tông) là một trong những ngày lễ lớn của Phật giáo Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục