Tuyên truyền hình ảnh, trách nhiệm của Việt Nam ở diễn đàn quốc tế

Các tác phẩm tham gia Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018 đã bám sát các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, góp phần tuyên truyền hình ảnh của Việt Nam ở diễn đàn quốc tế.
Tuyên truyền hình ảnh, trách nhiệm của Việt Nam ở diễn đàn quốc tế ảnh 1Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Trường Giang trả lời phỏng vấn của TTXVN. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018 sẽ được tổ chức ngày 7/6 tới. Đây là một trong những giải thưởng báo chí lớn và quan trọng nhất trên phạm vi quốc gia.

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Trường Giang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương về những điểm mới của Giải thưởng năm nay; những đóng góp của công tác thông tin đối ngoại trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và những giải pháp để công tác thông tin đối ngoại ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, khẳng định được tính đúng đắn trong đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng 12 và các chủ trương, chính sách pháp luật liên quan.

- Xin ông cho biết những điểm mới của Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018 so với những năm trước? Ông đánh giá thế nào về chất lượng của tác phẩm dự thi năm nay?

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Trường Giang: Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại được Ban Tuyên giáo Trung ương (TGTW) và Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại chủ trì, tổ chức.

Giải thưởng được tổ chức nhằm mục đích động viên, khuyến khích các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại trong và ngoài nước.

Điểm mới của Giải năm nay là số lượng, cơ cấu giải thưởng mở rộng hơn so với các năm trước; các tác phẩm truyền hình có thời lượng phát sóng tối đa 120 phút (trước đây là 90 phút).

Tác phẩm đăng tải trên một số trang tin điện tử cũng được tham gia dự thi. Ngoài ra, một số đơn vị, tập thể có nhiều tác phẩm chất lượng được xem xét, đề nghị tặng thưởng Bằng khen của Ban TGTW.

Năm nay, Giải thưởng đã nhận được gần 1.000 tác phẩm dự thi, thể hiện bằng 13 ngôn ngữ (Việt, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Khmer, Lào, Mông Cổ) từ các cơ quan, đơn vị, cá nhân ở Trung ương và địa phương.

Nhìn chung, các tác phẩm dự thi có nội dung phong phú, hình thức thể hiện đa dạng, sinh động, hiện đại, góp phần định hướng tuyên truyền, thông tin đối ngoại; quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước Việt Nam ổn định, phát triển năng động; chủ động, tích cực hội nhập và là thành viên có trách nhiệm cao đối với cộng đồng quốc tế; thông tin tuyên truyền về chủ quyền biên giới lãnh thổ của Việt Nam; quảng bá những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội, trong bảo đảm quyền con người; hoạt động của kiều bào…

[Mở rộng cơ cấu Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại 2018]

Các tác phẩm đã bám sát các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, đóng góp tích cực vào thành công của các đợt thông tin tuyên truyền phục vụ các hoạt động đối ngoại lớn trong năm 2018 như Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26, tháng 1/2018); Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6; Hội nghị cấp cao hợp tác khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 10 (tháng 3/2018); Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018, tháng 9/2018)…

Các cơ quan báo chí, xuất bản của địa phương năm nay có nhiều tác phẩm chất lượng tốt, phản ánh được các hoạt động đối ngoại của địa phương.

Khoảng 30 tác giả/nhóm tác giả là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài có tác phẩm tham dự, trong đó nhiều tác giả là phóng viên lâu năm, có kinh nghiệm, uy tín trong giới báo chí nước ngoài.

Một số tác phẩm của tác giả nước ngoài có tác dụng rất tích cực trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè các nước.

Nổi bật có tác giả Yuri A.Denisovich, phóng viên thường trú Hãng Thông tấn Liên bang Nga tại Việt Nam; chuyên gia Grigory Trofimchuc (Liên bang Nga) có các bài viết được đăng tải tại Nga, giúp độc giả tại Nga và các nước nói tiếng Nga có hiểu biết sâu sắc hơn về đời sống chính trị, văn hóa, xã hội, con người Việt Nam.

Một số tác phẩm được đầu tư công phu, thể hiện sự tác nghiệp chuyên nghiệp của phóng viên, có sự dấn thân vào thực tiễn, ứng dụng công nghệ báo chí điện tử tiên tiến như Longform, megastory, tích hợp đa phương tiện.

- Theo ông, điều gì đã làm nên thành công của Giải thưởng? Để chất lượng Giải ngày càng được nâng cao, góp phần vào hiệu quả hoạt động đối ngoại của Việt Nam, theo ông cần phải tiếp tục hoàn thiện những gì?

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Trường Giang: Giải thưởng năm nay tiếp tục được tổ chức một cách công phu, bài bản. Để đạt được thành công đó, trước hết là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Ban TGTW; sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban TGTW với các ban, bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại (nhất là Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an…), các cơ quan báo chí, xuất bản chủ lực (nhất là của Thông tấn xã Việt Nam - Cơ quan thường trực Giải năm nay).

Tuyên truyền hình ảnh, trách nhiệm của Việt Nam ở diễn đàn quốc tế ảnh 2Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại WEF ASEAN 2018. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Cùng với đó là sự quan tâm của các ngành, các cấp, các địa phương đối với công tác thông tin đối ngoại nói chung và Giải thưởng nói riêng; sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm, hiệu quả của các cơ quan báo chí, xuất bản, các tác giả ở trong nước và nước ngoài; tinh thần làm việc trách nhiệm, khách quan, công tâm của Hội đồng Giám khảo, đã lựa chọn ra những tác phẩm xuất sắc nhất để trao Giải.

Tôi cho rằng để Giải thưởng tiếp tục được lan tỏa rộng rãi hơn nữa, cần quan tâm, tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp như: Nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí, ấn phẩm dự thi, nhất là trong xu thế bùng nổ thông tin hiện nay, phải chú trọng, đầu tư, ứng dụng thành thạo thành tựu của truyền thông hiện đại, sản xuất các tác phẩm chất lượng cao, sinh động, hấp dẫn cả về nội dung, hình thức thể hiện, thu hút được sự quan tâm của độc giả.

Các cơ quan báo chí cần tăng cường các ấn phẩm quảng bá về văn hóa, đất nước, con người, tiềm năng… của Việt Nam bằng tiếng nước ngoài, tăng cường trao đổi thông tin với các đối tác truyền thông nước ngoài, đưa thông tin lên mạng xã hội nhằm phổ biến rộng rãi thông tin về Việt Nam đến độc giả trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng có nhiều hình thức thiết thực để khuyến khích, động viên đội ngũ tác giả, dịch giả, nhà nghiên cứu, nhà khoa học… sáng tạo nhiều tác phẩm chất lượng, thu hút người đọc; quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo bồi dưỡng; đồng thời, phát huy tinh thần tự học, rèn luyện bản lĩnh chính trị, sự nhạy cảm, tạo điều kiện cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí cả trung ương và địa phương được tham gia tác nghiệp tại các sự kiện chính trị-đối ngoại lớn, qua đó trau dồi kinh nghiệm thực tế, thiết thực nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ của mỗi phóng viên, biên tập viên trong quá trình tác nghiệp…

Công tác phối hợp giữa các ban, bộ, ngành cần được chú trọng hơn, đồng thời huy động hiệu quả các nguồn lực từ xã hội, tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá về Giải thưởng, thu hút sự quan tâm, tham dự của các cơ quan báo chí, xuất bản, các chuyên gia, nhà nghiên cứu ở trong nước cũng như khuyến khích các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài gửi tác phẩm dự thi…

- Trong những năm gần đây, công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân ngày càng được chú trọng, trở thành điểm sáng trong những thành tựu chung của đất nước. Ông có nhận xét gì về những đóng góp của công tác thông tin đối ngoại trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước?

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Trường Giang: Thời gian qua, mặc dù tình hình thế giới, khu vực tiếp tục biến động nhanh chóng và phức tạp, bám sát đường lối đối ngoại của Đại hội 12 của Đảng, công tác đối ngoại đảng cùng với ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân hoạt động tích cực, đạt được nhiều thành quả quan trọng, đóng góp vào thành tựu chung trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Năm 2018, Việt Nam thu hút vốn FDI đạt 35,46 tỷ USD; 5 tháng đầu năm 2019 đạt 16,74 tỷ USD (tính đến ngày 20/5/2019).

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2018 đạt gần 15,5 triệu lượt, tăng 19,9% so với năm 2017; 5 tháng đầu năm 2019, ước đạt 7.295.548 lượt khách, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2018; dự trữ ngoại hối đạt trên 65 tỷ USD…

Công tác thông tin đối ngoại đã có đóng góp vào những thành tựu đó bằng việc phản ánh kịp thời chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, những thành tựu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam, quảng bá hình ảnh Việt Nam tới đông đảo bạn bè các nước.

Điều này được thực hiện thông qua các sự kiện chính trị-đối ngoại lớn, có tầm quốc tế được tổ chức trong nước như Năm APEC 2017; WEF ASEAN 2018 và gần đây nhất là phối hợp tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần hai tại Hà Nội (2/2019).

Công tác tổ chức của Việt Nam tại các sự kiện này được quốc tế đánh giá cao; thể hiện rõ vị thế, vai trò của đất nước cũng như mong muốn và năng lực của Việt Nam trong việc tham gia xử lý các vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu.

Các hoạt động tuyên truyền đối ngoại đã giúp dư luận bên ngoài hiểu rõ hơn, đúng hơn về Việt Nam, thu hút sự quan tâm và gây ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế về hình ảnh đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định, đổi mới, phát triển năng động, là điểm đến an toàn và tin cậy của đầu tư, du lịch.

Đây là những tiền đề rất thuận lợi để nước ta chuẩn bị cho nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020 và ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021…

- Theo ông, cần làm gì để công tác thông tin đối ngoại ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, khẳng định được tính đúng đắn trong đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng 12 và các chủ trương, chính sách pháp luật liên quan?

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Trường Giang: Trong thời gian tới, tình hình thế giới sẽ còn diễn biến nhanh, khó lường, song xu thế chủ đạo vẫn là hòa bình, hợp tác và phát triển.

Trong bối cảnh đó, công tác thông tin đối ngoại cần phải chú trọng tăng cường phối hợp giữa các đơn vị, địa phương trong trao đổi thông tin, nghiên cứu, dự báo tình hình, chủ động, kịp thời tham mưu, đề xuất, định hướng tuyên truyền đối ngoại, nhất là xử lý các vấn đề quan trọng, những tình huống đột xuất, nhạy cảm, được dư luận trong và ngoài nước quan tâm.

Bên cạnh đó, công tác thông tin đối ngoại cần được đổi mới cả về nội dung, hình thức tuyên truyền; nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trên tất cả các kênh, tranh thủ thành tựu của truyền thông hiện đại, các trang mạng, mạng xã hội để tuyên truyền về hình ảnh, trách nhiệm và những nỗ lực của Việt Nam tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người, thành tựu và những tiềm năng thu hút đầu tư, phát triển du lịch … đến với đông đảo bạn bè quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài.

Đồng thời, để nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động thông tin đối ngoại cần huy động được các nguồn lực về trí tuệ và vật chất trong xã hội; quan tâm bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao bản lĩnh chính trị và năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác thông tin đối ngoại ở Trung ương và địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục