Ban điều hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ngày 18/10 đã chính thức thông qua nghị quyết phủ nhận sự liên hệ giữa Do Thái giáo với khu đền thờ Al-Aqsa (Israel gọi là Núi Đền) ở Jerusalem.
Các nước thành viên UNESCO đã bỏ phiếu thông qua dự thảo nghị quyết này hồi tuần trước với 24 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 26 phiếu trắng.
Nghị quyết phủ nhận mối liên hệ lịch sử của Do Thái giáo với các địa điểm linh thiêng ở Jerusalem. Theo đó, tên chính thức của khu đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Đông Jerusalem và Bức tường phía Tây thành cổ Jerusalem sẽ được sử dụng bằng tiếng Arab, còn tên tiếng Do Thái sẽ chỉ được dùng trong ngoặc kép để tham khảo trong các văn kiện của Liên hợp quốc. Nghị quyết kêu gọi Israel, với tư cách là “quốc gia chiếm đóng,” khôi phục “nguyên trạng lịch sử."
Nghị quyết cũng lên án mạnh mẽ “các hành động leo thang gây hấn cũng như các biện pháp phi pháp của Israel” và những vi phạm của Israel đối với quyền tự do thờ phụng của người Hồi giáo tại ngôi đền trên.
Ngay sau khi UNESCO bỏ phiếu về nghị quyết trên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng “nếu nói Israel không có liên hệ với Núi Đền và Bức tường phía Tây (Bức tường Than khóc), thì cũng giống như nói Ai Cập không có liên hệ với các Kim tự tháp hay Trung Quốc không có liên hệ với Vạn lý trường thành."
Trong khi đó, Chính quyền Palestine ngày 18/10 đã hoan nghênh UNESCO chính thức thông qua nghị quyết trên, cho rằng động thái này thể hiện “sự lên án đối với hành động chiếm đóng cũng như những chính sách của Israel."
Khu đền thờ Al-Aqsa nằm ở Đông Jerusalem, vùng đất Israel chiếm từ Jordan và sáp nhập năm 1967. Jordan giữ quyền quản lý khu đền thờ này và Israel kiểm soát lối vào khu đền. Đối với người Hồi giáo, Al-Aqsa là địa điểm linh thiêng thứ ba trên thế giới, sau Mecca và Medina ở Saudi Arabia. Người Do thái cũng coi khu đền thờ này là thánh địa và gọi là Núi Đền.
Theo quy định lâu nay, người Do thái được phép đến thăm khu đền này nhưng không được cầu nguyện tại đây. Đụng độ bùng phát vào tháng 9/2015 giữa người Palestine và lực lượng an ninh Isarel liên quan đến khu đền này đã dẫn tới làn sóng bạo lực khiến ít nhất 230 người Palestine và 34 người Israel thiệt mạng./.