Vì sao lương công chức thấp vẫn sắm xe xịn, cho con du học?

Tiền lương trong khu vực công chỉ đảm bảo được 50-60%, nhưng vẫn có một bộ phận cán bộ công chức đủ nguồn để sắm xe xịn, cho con đi học nước ngoài, rõ ràng có tồn tại phần thu nhập ngoài lương lớn.
Vì sao lương công chức thấp vẫn sắm xe xịn, cho con du học? ảnh 1Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII kết thúc đã thông qua đề án cải cách tiền lương. Theo đó, tiền lương trong khu vực công sẽ xây dựng hệ thống bảng lương mới, quy định mức lương bằng số tiền tuyệt đối theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Việc cải cách chính sách tiền lương sẽ thay đổi tiền lương của hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.

[Cải cách chính sách tiền lương để nâng cao đời sống người lao động]

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ về những thách thức trong việc cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Tinh giản 30-50% nhân sự

- Ông đánh giá thế nào về chính sách tiền lương ở khu vực công hiện nay và tính cấp thiết của việc cải cách tiền lương?

Ông Thang Văn Phúc: Trong nhiều năm vừa qua, hệ thống tiền lương của chúng tiến hành được theo mô thức cũ, chưa có đột phá và chưa phải cải cách cơ bản về tiền lương.

Tư tưởng cơ bản của cải cách tiền lương trong Nghị quyết Trung Ương 7 là đặt tiền lương cán bộ công chức, trả lương đúng cho cán bộ, công chức, viên chức là đầu tư cho phát triển. Tiền lương trên cơ sở đó là trả tiền lương theo kết quả lao động, kết quả làm việc, tức là theo kết quả đầu ra, đây là phương thức mà các nền công vụ trên thế giới đều sử dụng.

Trong thực tế đây là một cuộc cải cách không phải chỉ là tiền lương, mà cái gốc là cải cách toàn bộ bộ máy hành chính nhà nước để tổ chức lại và tinh giản cán bộ công chức. Đây là thách thức lớn với ngân sách và quỹ tiền lương mà chúng ta đang sử dụng.

- Thưa ông, như vậy phải chăng cải cách tiền lương sẽ gắn liền với tăng lương và giảm biên chế?

Ông Thang Văn Phúc: Nghị quyết trung ương vừa rồi nhấn mạnh yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó có sắp xếp lại tổ chức bộ máy cán bộ.

Thực ra, hiện nay hệ thống của chúng ta đang chồng chéo, chứ năng nhiệm vụ 4 cấp cùng làm…điều này đẫn tới sự trùng lắp, gây khó cho doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, yêu cầu của cải cách hành chính là xác định việc làm, việc nào của cấp tỉnh,cấp huyện, cấp xã, đây là việc tiên quyết của Chính phủ và trung ương.

Chúng ta phải xác định được vị trí việc làm của người cán bộ công chức. Đồng thời, tính toán lại cơ cấu tổ chức của cán bộ, công chức trong từng cơ quan hợp lý để định vị cho nguồn nhân lực công. Điều này sẽ tinh giản nhân lực, nếu làm tốt có thể giảm được vài ba chục %, thậm chí có nhiều cơ quan có thể giảm tới 50%.

Thực chất, tinh giản nhân lực là yêu cầu của quá trình hiện đại hoá nền hành chính, sử dụng Chính phủ điện tử, công nghệ thông tin, tăng cường giao tiếp của người dân, doanh nghiệp trên hệ thống mạng điện tử. Giờ chúng ta tuyên bố đạt được giao tiếp cấp độ 3, 4. Tức là sau này, người cán bộ, công chức có thể đến nhận đề nghị và giải quyết ngay trên mạng. Khả năng tiếp cận trực tiếp của cán bộ, công chức và người dân sẽ giảm đi, tránh được tiêu cực.

Vì sao lương công chức thấp vẫn sắm xe xịn, cho con du học? ảnh 2Cải cách tiền lương phải gắn với tinh giản biên chế. (Ảnh minh họa: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Tồn tại thu nhập ngoài lương lớn

- Vậy đâu là thách thức lớn nhất của việc xây dựng lại cải cách tiền lương, thưa ông?

Ông Thang Văn Phúc: Đến nay, chúng ta có khoảng 2,8 đến gần 3 triệu người được hưởng lương và hãy còn làm việc, gồm nửa triệu người là cán bộ công chức cấp xã đến cấp trung ương, còn lại hơn 2 triệu là đội ngũ công chức hoạt động trên các đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là số lượng lớn so với ngân sách và quỹ tiền lương hiện nay.

Khi cải cách tiền lương, chúng ta cần xây dựng một hệ thống tiền lương phù hợp với thời kỳ mới và phải đảm bảo một nguyên tắc rất căn bản là tiền lương của công chức đủ nuôi sống họ. Thu nhập chính của công chức phải từ lương và sống bằng lương. Đây là yếu tố tạo nên sự độc lập trong quá trình làm công vụ của công chức nhà nước.

Trong lần đánh giá vừa rồi, tiền lương mới chỉ đảm bảo được 50-60%. Nhưng với mức tiền lương như vậy vẫn có một bộ phận họ vẫn đủ nguồn để sắm xe xịn, cho con đi học nước ngoài. Rõ ràng, có phần thu nhập ngoài lương lớn mà chúng ta chưa kiểm soát được. Vì vậy, cải cách hệ thống tiền lương đặt ra thời điểm này là thực sự cấp bách.

Về lý thuyết tiền lương trong khu vực công không chênh lệch nhau nhiều, nhưng thực tế lại tồn tại sự chênh lệch lớn giữa người có điều kiện, có chức có quyền với lại người lao động và cán bộ công chức bình thường. Nếu không tiến hành cải cách tiền lương ngay thì khoảng cách, mâu thuẫn, bấp hợp lý về tiền lương trong thực tế sẽ ngày càng lớn.

- Trong lần cải cách này, tiền lương của lực lượng vũ trang cũng được điều chỉnh, có đánh giá gì về sự thay đổi này?

Ông Thang Văn Phúc: Theo tôi thì đây là việc đã tính toán từ lâu. Chúng ta có nguyên tắc trả lương riêng cho lực lượng vũ trang vì họ thực thi chức trách với vai trò đặc biệt, các quốc gia khác trả lương cho lực lượng này cũng đặc biệt. Nhưng yếu tố đặc biệt đó nằm ở bộ phân trực tiếp chiến đấu, còn toàn bộ hệ thống thì cần phải xem xét.

Nguyên tắc tương quan đòi hỏi sự khoa học trong nguyên tắc xây dựng tiền lương. Ví dụ, chiến sỹ đơn vị chiến đấu, biên cương hải đảo thì ứng xử khác, còn khu vực dịch vụ phục vụ thì ứng xử khác. Hoặc khi đã làm nhiệm vụ hưởng khác, khi đã hoàn thành nhiệm vụ, về hưu cũng phải hưởng khác để cho phù hợp. Hiện nay, tiền lương của người hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh thì khi về hưu tiền lương hưu rất cao và ngân sách chi trả rất lớn.

Trước khi xử lý vấn đề này là câu chuyện khó khăn, không đơn giản vì đụng chạm tới những người đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc, nhưng hiện nay cũng có người trưởng thành, tướng thời bình chứ không phải trong trận mạc. Do đó, phải nghiên cứu, thuyết phục, bộ phận nào cũng phải hy sinh để đảm bảo tương quan, bình đẳng, trong điều kiện đất nước còn khó khăn. Đây là việc khó khăn để thiết lập lại hệ thống đảm bảo sự tương quan.

- Thực hiện cải cách tiền lương trong thời gian tới cần tập trung vào những mục tiêu nào, thưa ông?

Ông Thang Văn Phúc: Trước hết phải xem xét lại hệ thống tiền lương, phải tính hệ thống tiền lương này trên cơ sở thay đổi hệ thông công vụ mới theo vị trí việc làm.

Chúng ta phải tổ chức lại các cơ quan nhà nước trên cơ sở xác định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền để định vị những nhân lực mà chúng ta cần để thực thi công vụ. Như vậy, chúng ta sẽ có điều kiện để rà soát, bố trí lại toàn bộ đội ngũ công chức, tiến tới việc trả lương đúng cho họ như thế nào. Đây là câu chuyện lớn, không đơn giản.

Hiện chúng ta có nhiều phụ cấp, tính sơ sơ cũng phải 80 loại phụ cấp. Tất cả phụ cấp này lại tạo ra sự bất hợp lý giữa các bộ phận và nhân lực công mà chúng ta đang sử dụng. Do đó, phải tính toán lại các phụ cấp cho cán bộ công chức trên cơ sở định vị từng vị trí một.

Nếu làm đồng bộ, kiên quyết để tăng lương, công chức sống bằng lương một cách chính đáng thì đây chính là động lực cho người cán bộ công chức trong thực thi công vụ.

- Xin cảm ơn ông!

Năm 2018: Giảm 1,7% biên chế công chức; 2,5% biên chế sự nghiệp. (Nguồn: VNEWS)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục