Việt Nam trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Tanzania

Trong chuyến thăm làm việc tại huyện đảo Mafia, Đại sứ Nguyễn Nam Tiến đã tìm hiểu kinh nghiệm của người dân và chính quyền huyện đảo về khai thác giá trị kinh tế và du lịch phục vụ sinh kế.
Việt Nam trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Tanzania ảnh 1Đại sứ Nguyễn Nam Tiến thăm khu vực sản xuất của Công ty sản xuất dầu dừa Kisiwa Farming Limited. Ảnh: Đình Lượng-TTXVN

Đại sứ Việt Nam tại Tanzania Nguyễn Nam Tiến đã thăm làm việc tại huyện đảo Mafia, tỉnh Pwani, từ ngày 27-29/9, nhằm tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế-xã hội địa phương, hiện trạng cơ sở hạ tầng và kết nối giao thông giữa đảo với đất liền, trọng tâm là việc phát triển ngành dừa và khai thác, bảo tồn các nguồn tài nguyên biển, phát triển du lịch, qua đó xúc tiến các cơ hội kết nối hợp tác song phương.

Theo phóng viên TTXVN tại miền Nam châu Phi, chuyến thăm làm việc tới huyện đảo Mafia - địa phương nổi tiếng về trồng dừa và các loại hình du lịch biển - nằm trong khuôn khổ Chương trình Công tác của Đại sứ quán năm 2021 nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Tanzania, nhất là hợp tác giữa các địa phương hai nước.

Đại sứ Nguyễn Nam Tiến đã làm việc với Chủ tịch huyện Martin S. Ntemo; thăm Văn phòng Công viên Biển Mafia (Mafia Island Marine Park, MIMP) và làm việc với Giám đốc MIMP Amin Abdallah; thăm khu bến phà của huyện đảo.

Đại sứ Việt Nam cũng đã làm việc với Giám đốc Samwel Bongi của Công ty sản xuất dầu dừa Kisiwa Farming Limited, thăm cơ sở sản xuất dầu dừa và vườn dừa nguyên liệu của Kisiwa.

Đại sứ Nguyễn Nam Tiến đã tìm hiểu kinh nghiệm của người dân và chính quyền huyện đảo về khai thác giá trị kinh tế và du lịch của dừa phục vụ sinh kế. Diện tích trồng dừa chiếm khoảng 84% diện tích đất nông nghiệp canh tác toàn đảo.

[Việt Nam-Tanzania thúc đẩy hợp tác, tăng cường đầu tư song phương]

Theo các đại diện của phía Tanzania, là công viên biển đầu tiên của Tanzania, MIMP đóng vai trò là khu bảo tồn có tính đa dạng sinh học biển cao nhờ tiếp giáp giữa vùng cửa sông Rufiji và Ấn Độ Dương.

Khu vực này là một bức tranh khảm nổi bật của các sinh cảnh biển nhiệt đới bao gồm các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn và bãi triều.

Ngoài loại hình du lịch tắm biển, MIMP còn có loại hình du lịch lặn biển ngắm san hô, cá biển và ngắm cá mập voi nổi tiếng ở khu vực này.

MIMP chủ trương khai thác đa chức năng, coi người dân địa phương là một phần của hệ sinh thái MIMP.

Chính quyền huyện đảo Mafia hướng đến hình thành tập quán nghề cá bền vững cho ngư dân địa phương bằng các dụng cụ đánh bắt được MIMP cho phép, khuyến khích ngư dân kinh doanh du lịch, giảm đánh bắt, thường xuyên tuần tra trên biển để theo dõi và bắt giữ các trường hợp vi phạm với các chế tài xử phạt cụ thể.

Nhờ các biện pháp kịp thời, tình trạng suy giảm nghiêm trọng của các rạn san hô và thủy hải sản ở khu vực MIMP và phụ cận vào những năm 1980-1990 đã được khắc phục hiệu quả.

Huyện đảo Mafia cách đất liền 20km (cách thủ đô Dar es Salaam khoảng 120km về phía Nam), được lịch sử ghi nhận ít nhất từ thế kỷ 13, đã từng là cửa ngõ giao thương quan trọng giữa Đông Á và Đông Phi nhiều thế kỷ trước.

Hiện nay, Mafia là một trong số 6 huyện của tỉnh Pwani (thuộc quần đảo Zanzibar, khu vực bán tự trị) với diện tích 407km2 đất và 565km2 biển, dân số trên 53.000 người chủ yếu làm nghề đánh bắt thủy hải sản, du lịch và nông nghiệp.

Việt Nam trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Tanzania ảnh 2Quần thể rạn san hô ở Công viên Biển Mafia,Tanzania. Ảnh: Đình Lượng-TTXVN

Công viên Biển Mafia có 273 loài san hô và 395 loài cá. Sự tách biệt với đất liền và hầu như không bị ảnh hưởng bởi sự phát triển công nghiệp đã giúp Đảo Mafia và các vùng biển xung quanh là khu vực ít bị ô nhiễm nhất ở Tanzania.

Khu vực công viên biển có tầm quan trọng quốc gia vì là một trong số ít quần thể rạn san hô còn lại trong vùng nước ven biển của Tanzania vẫn trong tình trạng tương đối nguyên vẹn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục