Vinh quang Việt Nam: Nhiều thành tựu về ngành y tế được tôn vinh

Với việc cải tiến quy trình khám bệnh, hàng triệu giờ công lao động đã được tiết kiệm. Riêng việc liên thông xét nghiệm cũng giúp tiết kiệm ước tính khoảng hơn 300 tỷ đồng/năm.
Vinh quang Việt Nam: Nhiều thành tựu về ngành y tế được tôn vinh ảnh 1Giáo sư Trần Bình Giang thực hiện một ca phẫu thuật nội soi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 7/7, một tập thể và một cá nhân của ngành y tế đã được vinh danh trong Chương trình “Vinh Quang Việt Nam.” Đó là Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và giáo sư Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức.

Chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ 15 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương và Báo Lao động tổ chức, nhằm tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới đất nước.

[Giám đốc Bệnh viện nội tiết TW nhận chứng nhận kỷ lục Việt Nam]

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) được xét chọn là 1 trong 7 tập thể được vinh danh trong Chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ 15.

Ông Nguyễn Ngọc Hiển, Tổng Biên tập Báo Lao Động, Trưởng ban Tổ chức Chương trình Vinh quang Việt Nam cho biết, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh có rất nhiều sáng kiến. Hội đồng chấm giải và Ban tổ chức đánh giá cao 2 sáng kiến: Thứ nhất là Bộ 83 Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện với hơn 1.500 tiểu mục chi tiết để xác định vị trí của các bệnh viện ở đâu về chất lượng và tiến tới kiểm định, đánh giá chất lượng bệnh viện độc lập; Thứ 2 là thiết lập hệ thống khảo sát hài lòng người bệnh và nhân viên y tế trên toàn quốc bằng phần mềm trực truyến.

Vinh quang Việt Nam: Nhiều thành tựu về ngành y tế được tôn vinh ảnh 2Ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đại diện lên nhận danh hiệu tập thể được vinh danh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cục quản lý Khám, chữa bệnh đã đưa ra giải pháp, một mặt chuẩn hóa tiêu chí xếp hạng bệnh viện; một mặt chuẩn hóa đánh giá chất lượng phục vụ. Đây là 2 nội dung quan trọng đưa đến chất lượng khám, chữa bệnh tốt hơn.

Các sáng kiến tiêu biểu điển hình như đề xuất xây dựng Ban hành Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện, thiết lập hệ thống quản lý chất lượng từ trung ương đến các bệnh viện, tiến tới thực hiện kiểm định độc lập, xếp hạng bệnh viện theo mức chất lượng.

Sau 5 năm triển khai, về cơ bản bộ mặt của toàn bộ hệ thống các bệnh viện đã có những thay đổi tích cực hết sức rõ rệt, từ bảo vệ đến điều dưỡng, bác sỹ, giám đốc; từ cổng bệnh viện đến khoa khám bệnh, buồng bệnh, phòng mổ… kể cả bệnh viện huyện ở những vùng sâu, vùng xa. người bệnh được chăm sóc tốt hơn, hài lòng hơn, chất lượng nguồn nhân lực và điều kiện làm việc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân viên y tế được từng bước nâng lên.

Bên cạnh đó, trong 5 năm qua Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã tham mưu, chủ trì và phối hợp với các Vụ, Cục xây dựng nhiều đề án cấp Chính phủ và cấp Bộ Y tế hiệu quả.

Đó là các đề án giảm quá tải bệnh viện, đề án 1816, đề án bệnh viện vệ tinh, bác sỹ gia đình, nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến dưới, chuyển giao kỹ thuật của 28 bệnh viện hạt nhân cho 143 bệnh viện vệ tinh ở 10 chuyên khoa đang quá tải. Thông qua đó, nhiều kỹ thuật đã có thể thực hiện được ở tuyến dưới không phải chuyển người bệnh lên tuyến trên, góp phần giảm quá tải bệnh viện.

Hiệu quả kinh tế-xã hội từ việc cải tiến chất lượng hết sức rõ rệt. Đa số các bệnh viện tuyến cuối đã giảm hẳn tình trạng nằm ghép. Với việc cải tiến quy trình khám bệnh, hàng triệu giờ công lao động đã được tiết kiệm. Riêng việc liên thông xét nghiệm cũng giúp tiết kiệm ước tính khoảng hơn 300 tỷ đồng/năm.

Vinh quang Việt Nam: Nhiều thành tựu về ngành y tế được tôn vinh ảnh 3Giáo sư Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (thứ tư từ phải qua). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Giáo sư Trần Bình Giang (sinh năm 1962) - Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Đức đồng thời cũng là Chủ tịch Hội Phẫu thuật nội soi Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội phẫu thuật nội soi châu Á-Thái Bình Dương là cá nhân có thành tích xuất sắc được tôn vinh trong Chương trình Vinh quang Việt Nam.

Giáo sư Trần Bình Giang là một trong những người Việt Nam đầu tiên học về phẫu thuật nội soi. Ông là một trong những người đưa kỹ thuật phẫu thuật nội soi về Việt Nam, để đưa kỹ thuật này trở thành thường quy trong cả nước.

Giáo sư Trần Bình Giang là người đã lần đầu tiên thực hiện phẫu thuật nội soi thay đoạn động mạch chủ bụng, cắt khối tá tuỵ là những kỹ thuật chỉ một số ít trung tâm lớn trên thế giới có thể thực hiện được. Ông cũng là người đầu tiên thực hiện và xây dựng đội ngũ chuyên sâu của Trung tâm phẫu thuật nội soi Bệnh viện Việt Đức thực hiện phẫu thuật nội soi điều trị bệnh béo phì, góp phần vào công bố quốc tế về béo phì của châu Á trên tạp chí khoa học chuyên ngành OBESITY.

Hiện nay, giáo sư Giang đang tập trung vào nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến để phẫu thuật cắt bỏ thành công nhiều ca u đại tràng nằm ở vị trí thấp, rất phức tạp mà nhiều bệnh viện lớn đã trả về, mà vẫn bảo toàn được cơ thắt đại tràng cho bệnh nhân…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục