Vụ bé trai rơi vào trụ bêtông: Đưa được 1 đốt cọc dài 12m lên mặt đất

Tổ điều hành cứu nạn, cứu hộ công trình cầu Rọc Sen tiếp tục đào đất bằng gầu cạp đến độ sâu âm 19m so với đầu cọc bêtông, còn 5m nữa là đến đầu đoạn cọc số 3.
Vụ bé trai rơi vào trụ bêtông: Đưa được 1 đốt cọc dài 12m lên mặt đất ảnh 1Hiện trường vụ việc. (Ảnh: TTXVN phát)

Liên quan đến vụ bé Thái Lý Hạo Nam rơi xuống cọc bêtông sâu 35m tại công trình cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, sáng 16/1, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp (đơn vị được Ủy ban Nhân dân tỉnh giao trách nhiệm cung cấp thông tin vụ việc), đến sáng nay, Tổ điều hành cứu nạn, cứu hộ công trình cầu Rọc Sen tiếp tục đào đất bằng gầu cạp đến độ sâu âm 19m so với đầu cọc bêtông, còn 5m nữa là đến đầu đoạn cọc số 3.

[Đồng Tháp: Nhiều khó khăn khi đưa thi thể bé Hạo Nam lên mặt đất]

Quá trình đào, lực lượng cứu hộ có sử dụng dung dịch bentonite để giữ ổn định cho thành vách, chống sạt lở.

Do chiều dài cọc bêtông lớn nên phải cắt mối nối 1, đưa đoạn bêtông thứ nhất lên khỏi hố móng và bịt kín đầu cọc đoạn 2 vào lúc 3 giờ 30 ngày 16/1 tránh cọc bị đổ nghiêng.

Hiện nay, công việc tiếp theo của lực lượng cứu hộ là tiếp tục đào đất trong lòng hố móng để đạt được độ sâu âm 23m tính từ đầu cọc bêtông (cách mối nối thứ hai hay đầu đoạn thứ ba khoảng 1m).

Sau đó, thực hiện đưa ống vách D2100 lên mặt đất và triển khai bước cứu hộ tiếp theo.

Trước đó, tối 14/1, lực lượng cứu hộ của tỉnh Đồng Tháp phối hợp lực lượng liên quan dùng cần cẩu 80 tấn nhổ thành công ống vách D1600 (đường kính 1,6m) đã được đóng bao quanh cọc bê tông bé Hạo Nam bị rơi vào.

Địa chất khu vực hiện trường bất lợi, để nhổ được ống vách thép đã đóng sâu xuống lòng đất, lực lượng cứu hộ phải dùng cọc ván thép 18m rung hạ để phá ma sát giữa đất với ống vách rồi nhổ ống vách thép lên.

Bên cạnh đó, lực lượng cứu hộ đào đất trong lòng hố kết hợp bơm dung dịch bentonite nhằm chống lở vách ở phía dưới khung vây ván thép để triển khai các bước cứu hộ.

Theo lực lượng cứu hộ, công tác đào đất quanh vị trí cọc bêtông bé Hạo Nam bị tai nạn rất khó khăn vì địa chất đất sét dẻo và cứng, bám chặt thiết bị.

Dù rất nỗ lực nhưng việc triển khai phương án cứu nạn, cứu hộ mất rất nhiều thời gian.

Trước đó, vào lúc 11 giờ 30 ngày 31/12/2022, một nhóm trẻ em lẻn vào công trường cầu Rọc Sen và bảo vệ phát hiện, yêu cầu ra khỏi công trường.

Tuy nhiên, đến khoảng 11 giờ 50, công trường đang nghỉ trưa, nhóm trẻ nói trên lại lẻn vào. Sau đó, bé Hạo Nam đã lọt vào trong lòng cọc bêtông có đường kính 25cm, dài 35m (gồm 3 đoạn nối lại với nhau).

Sau nhiều ngày cố gắng cứu hộ, đến tối 4/1/2023, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu xác định bé Hạo Nam đã tử vong.

Sau đó, các ngành chức năng nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để đưa thi thể bé Hạo Nam lên mặt đất nhưng đến nay vẫn bất thành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục