Bà Nguyễn Thị Ngọc Lệ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, cho biết lãnh đạo tỉnh đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Nông phối hợp với Bảo tàng Địa chất Việt Nam xây dựng kế hoạch tổng thể, tổ chức điều tra hệ thống di sản địa chất thuộc khu vực xã Buôn Choal, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông hoàn chỉnh các bước cần thiết theo mục tiêu đề án đặt ra.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông sẽ trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch, xây dựng hệ thống hang động dọc sông Sêrêpốk là Công viên địa chất khu vực Krông Nô trở thành di sản địa chất quốc gia.
Kết quả điều tra sơ bộ của các nhà khoa học địa chất về hệ thống hang động dọc sông Sêrêpốk trên địa bàn huyện Krông Nô cho thấy có hàng chục hang động lớn nhỏ, hình thành do sự phun trào của núi lửa, chiều dài hệ thống hang khoảng 25km, rộng khoảng 5km, kéo dài từ miệng núi lửa tại Buôn Choal, xã Buôn Choal dọc theo chiều dài sông Sêrêpốk đến khu vực thác Dray Sáp, huyện Krông Nô.
Hệ thống hang động này có giá trị cao về di sản địa chất, có thể khai thác phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch mạo hiểm, kết hợp khám phá hệ thống thác nước.
Việc điều tra, đánh giá di sản địa chất, xây dựng công viên địa chất khu vực Krông Nô có ý nghĩa thực tiễn to lớn đối với sự phát triển kinh tế cũng như du lịch của tỉnh Đắk Nông và khu vực Nam Tây Nguyên; bảo tồn lâu dài các giá trị di sản thiên nhiên và văn hóa cho các thế hệ tương lai.
Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch từ hệ thống hang động dọc theo sông Sêrêpốk, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế động lực, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội, thời gian tới, Đắk Nông tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển ngành du lịch giai đoạn 2015-2020.
Tỉnh Đắk Nông đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch, du lịch khám phá, vui chơi giải trí; du lịch kết hợp tham quan làng nghề, các công trình kinh tế, các khu nông nghiệp chất lượng cao của địa phương.
Tỉnh Đắk Nông đang lập hồ sơ đề xuất UNESCO công nhận sử thi M'Nông là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tỉnh Đắk Nông tập trung phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể cồng chiêng Tây Nguyên; khuyến khích, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong việc tổ chức các hoạt động lễ hội có sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương, nhất là bà con dân tộc thiểu số bản địa.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Nông có tám di tích lịch sử được công nhận là di tích cấp quốc gia và một di tích được công nhận cấp tỉnh.
Tỉnh đã phục dựng được 40 lễ hội và xây dựng 79 đội văn nghệ dân gian. Ngành văn hóa tỉnh Đắk Nông đã cấp 122 bộ chiêng cho nhà văn hóa cộng đồng và mở 16 lớp chế tác nhạc cụ, hát dân ca, dệt thổ cẩm cho gần 5.000 lượt học viên là người dân tộc thiểu số bản địa phục vụ phát triển du lịch./.