Xây dựng một không gian văn hóa Hồ Chí Minh đúng tầm vóc và ý nghĩa

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh - Từ chủ trương đến hành động

Từ góc nhìn thực tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm bài viết “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh - Từ chủ trương đến hành động thực tiễn.”
Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh - Từ chủ trương đến hành động ảnh 1Lá đại kỳ có diện tích 1.800m2 chuẩn bị được kéo lên bầu trời Thành phố Hồ Chí Minh trong Lễ hội Tết Độc lập, sáng 2/9/2022. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

VietnamPlus xin giới thiệu chùm bài về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, trong bối cảnh chương trình này cần tiếp tục được thực hiện bài bản để tăng sức lan tỏa tại thành phố mang tên Bác.

Bài 1: Xây dựng một không gian văn hóa Hồ Chí Minh đúng tầm vóc và ý nghĩa

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra chương trình Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn thành phố, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố đặc trưng, riêng có của thành phố mang tên Bác.

Để thực hiện chương trình có ý nghĩa đặc biệt này, trong gần ba năm qua, các cấp ủy đảng, tổ chức đoàn thể chính trị, đông đảo các tầng lớp nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực hưởng ứng, tham gia với nhiều hoạt động thiệt thực, lan tỏa rộng rãi.

Tuy nhiên, để thực sự có một không gian văn hóa Hồ Chí Minh đúng tầm vóc và ý nghĩa, đặc biệt là thấm nhuần tư tưởng, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mỗi con người ở thành phố này, còn rất nhiều yếu tố, nội dung cần bàn thảo, thực hiện một cách bài bản, lâu dài.

Từ góc nhìn thực tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm bài viết “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh - Từ chủ trương đến hành động thực tiễn.”

Định hướng xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh được đặt ra và cụ thể hóa bằng các chương trình trong Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố, đáp ứng kỳ vọng các cấp ủy đảng, tổ chức đoàn thể chính trị và nhân dân thành phố.

Từ yêu cầu tự nhiên...

Vinh dự và tự hào được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, từ nhiều năm qua Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những điểm sáng của cả nước cả về kinh tế, chính trị, xã hội. Cùng với sự phát triển vượt bậc về kinh tế, mảnh đất phương Nam này cũng đã in đậm dấu ấn của Người bằng những công trình, di tích văn hóa lịch sử đặc biệt.

Điểm qua các di tích lịch sử mang dấu ấn Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thành phố như Cảng Nhà Rồng - nơi ghi dấu bước khởi đầu hành trình đi tìm đường cứu nước kéo dài 30 năm của vị lãnh tụ dân tộc Nguyễn Tất Thành-Hồ Chí Minh; Bảo tàng Hồ Chí Minh là địa chỉ đỏ thu hút hàng ngàn lượt tham quan, học tập của người dân Thành phố cũng như du khách quốc tế với 23.888 tài liệu, hiện vật, trong đó có 3,691 hiện vật gốc, 1.889 tài liệu mật; xây dựng 91 sưu tập với 2.542 hiện vật (5 sưu tập hiện vật quý hiếm với 104 hiện vật) có giá trị.

Toàn bộ hiện vật được ghi chép, lập hồ sơ; các dữ liệu hiện vật được đưa vào phần mền quản lý. Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Bến Nhà Rồng với những hình ảnh, kỷ vật và dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành địa điểm không thể thiếu của mọi hành trình tìm đến với Bác.

Khu di tích lưu niệm Hồ Chí Minh, số 5 Châu Văn Liêm, Quận 5, được nhân dân thành phố gọi là “Nhà Bác Hồ,” ghi nhận là nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành (tên gọi của Bác Hồ thời trẻ), lưu trú trước khi xuống con tàu Amiral Latouche Treville (Pháp), rời bến cảng Nhà Rồng ngày 5/6/1911, bắt đầu sự nghiệp cách mạng đi tìm đường cứu nước.

Trong 9 tháng trước đó (từ tháng 9/1910 đến ngày 5/6/1911), Bác đã ở địa chỉ này, tìm hiểu đời sống của người dân và tình hình đấu tranh của các tầng lớp lao động Nam Kỳ.

Tham gia chương trình hoạt động tại đây, bà Huỳnh Thị Kim Oanh, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Trần Bội Cơ (Quận 5), chia sẻ: Là một người sinh ra ở Thành phố Hồ Chí Minh, rất vinh dự trên địa bàn Phường 14, Quận 5 có một di tích gắn với cuộc đời cách mạng của Bác, nơi người đặt những bước chân đầu tiên đi tìm đường cứu nước. Di tích mang lại những hình ảnh tốt đẹp với đảng viên, nhân dân trên địa bàn.

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh - Từ chủ trương đến hành động ảnh 2Khuôn viên trước Bưu điện Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, sáng mùng 1 Tết năm mới Quý Mão 2023 . (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Còn ông Nguyễn Văn Quang, 67 tuổi, 42 năm tuổi Đảng, cán bộ về hưu tại khu phố 4 (Phường 14, Quận 5), bộc bạch: Sống tại địa phương, là công dân Thành phố mang tên Bác, vào các ngày kỷ niệm của đất nước, sinh nhật Bác, tôi cùng gia đình thường xuyên đưa con cháu đến thăm các địa điểm ghi dấu ấn của Bác và các khu di tích lịch sử trên địa Thành phố, để tưởng nhớ công ơn Bác, để con trẻ hiểu hơn về lịch sử đất nước…

Với cách làm riêng của mình, hơn 40 năm qua, bà Nguyễn Thị Nguyệt, 85 tuổi, ở đường Nguyễn Khắc Nhu, Quận 1 đã tập trung sưu tầm tư liệu, hình ảnh về Bác. Bà Nguyệt đã tạo nên một không gian văn hóa Hồ Chí Minh thu nhỏ trong chính ngôi nhà của mình.

[48 năm thống nhất đất nước: Gìn giữ kỷ vật của Mùa Xuân Đại thắng]

Trong nhiều năm qua, bà còn thường xuyên đi nói chuyện về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các sinh viên, học sinh thành phố. Bà chia sẻ: “Công lao trời bể của Bác Hồ không thể nào kể xiết, tôi chỉ biết làm hết sức mình để góp phần đưa hình ảnh của Bác đến gần hơn với mọi người, nhất là giới trẻ, để mọi người hiểu hơn, để thấm vào mỗi con người sự kính trọng, tình yêu đối với Bác và học theo tấm gương của Bác.”

Tại Thành phố mang tên Bác, nhiều không gian về Hồ Chí Minh cũng được đầu tư, xây dựng như công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (trước Trụ sở Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố); tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi ở Quận 3, các đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở các khu di tích lịch sử, địa phương... cũng đã trở thành những địa điểm được đông đảo người dân và du khách thập phương biết đến khi nhắc đến Thành phố Hồ Chí Minh.

Qua hơn 17 năm thực hiện “Học Bác” cho đến “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thông qua các Chỉ thị số 06, 03 và 05 của Bộ Chính trị, Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được rất nhiều thành tích đáng khích lệ.

Hàng ngàn mô hình, tấm gương điển hình được tuyên dương; hàng ngàn tác phẩm văn học nghệ thuật với chủ đề về Bác đã được sáng tác, phổ biến trong đời sống người dân thành phố, cùng với rất nhiều việc làm, giải pháp được triển khai, góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã hình thành, phát triển và trở thành một loại hình không gian văn hóa đặc sắc như một lẽ tự nhiên.

…đến Nghị quyết của Đảng

Trong cuộc làm việc giữa Bộ Chính trị với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị cho Ðại hội đại biểu Ðảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Thành phố Hồ Chí Minh cần phát triển xứng đáng với niềm vinh dự là địa phương duy nhất của cả nước được mang tên của Người.

Ðảng bộ thành phố phải suy nghĩ để tên gọi trở thành động lực phát triển của địa phương, trở thành thuộc tính văn hóa của thành phố. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm vào từng người dân, trở thành một đặc thù của công dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh - Từ chủ trương đến hành động ảnh 3Một quầy bán hoa ở cửa Bắc chợ Bến Thành (Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Từ gợi mở này cũng như phát huy tinh thần sáng tạo, chủ động vốn có của mình, Ðảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm xây dựng, nỗ lực cụ thể hóa các di sản của Người, đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành “vốn” riêng có của cán bộ và nhân dân Thành phố, thể hiện trong phong cách lãnh đạo, trong lao động, học tập…

Nhằm hiện thực mục tiêu này, Ðảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đưa vào Nghị quyết Ðại hội đại biểu lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 một nội dung quan trọng, đó là: Hình thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Ðây là điểm mới nổi bật trong văn kiện Ðại hội đại biểu Ðảng bộ thành phố.

Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố nêu rõ: “Tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở Thành phố mang tên Bác. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy đặc trưng, tính cách của con người thành phố luôn năng động, sáng tạo, đi đầu, nhân ái, nghĩa tình, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.”

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với truyền thống lịch sử văn hóa, con người vùng đất Sài Gòn-Gia Định-Thành phố Hồ Chí Minh trong sự phát triển của vùng đất Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Qua đó, hướng đến xây dựng Thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc nhân dân.

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh góp phần tuyên truyền để nhân dân, nhất là thanh thiếu niên phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, tuân thủ pháp luật, sống có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và xã hội, trong đó, tất cả người dân Thành phố Hồ Chí Minh là chủ thể xây dựng, sáng tạo và thụ hưởng thành quả không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Thành phố cũng xác định: Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh đảm bảo hài hòa sự phát triển giữa kinh tế và văn hóa-xã hội, gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: Tư tưởng, đạo đức, phong cách, sự nghiệp Hồ Chí Minh là di sản của quốc gia trong quá trình phát triển đất nước. Nhưng với thành phố mang tên Bác, chúng ta cần và có thể biến sức mạnh tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ thành sức mạnh của mỗi người dân thành phố, để mỗi người chúng ta có ý chí mạnh mẽ hơn nữa, sáng tạo hơn, hiệu quả hơn nữa trong xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố.

Muốn vậy, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, chúng ta cần làm sao để tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Bác không chỉ đến với mỗi người dân thành phố qua các đợt sinh hoạt chính trị mà phải hiện hữu hằng ngày đối với công dân mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề và bạn bè du khách tới Thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ là di sản văn hóa, chính trị của dân tộc, mà còn là tài sản của người dân thành phố trong suốt cuộc sống của mình.

Tức là môi trường sống ở Thành phố Hồ Chí Minh phải là môi trường sống chứa đầy các giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Bác. Nói một cách khác, môi trường sống ở Thành phố Hồ Chí Minh cần trở thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh hiện hữu mỗi ngày.

Xuất phát từ các yếu tố cần và đủ như trên, ý tưởng phải xây dựng môi trường sống của Thành phố Hồ Chí Minh thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã được bổ sung vào Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI./.

Đón đọc Bài 2: Nhanh chóng đi vào cuộc sống

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục