Xây dựng nông thôn mới Hà Nội: Khai thác tối đa các lợi thế

Với những áp lực lớn khi vừa gìn giữ được những nét riêng truyền thống, vừa phát triển hiện đại, rất cần có sự chung tay của cả nước với Hà Nội để xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng nông thôn mới Hà Nội: Khai thác tối đa các lợi thế ảnh 1Nhiều em nhỏ rất thích thú khi trải nghiệm hái dâu tại vựa dâu ngoại thành Hà Nội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Xây dựng nông thôn mới của cả nước nói chung và của Hà Nội nói riêng là một hành trình không có điểm dừng, với các tiêu chí ngày càng được nâng cao, đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn và đời sống vật chất, tinh thần, chất lượng sống ngày càng cao của người dân.

Tiếp nối tinh thần từ Nghị quyết số 26-NQ/TW đến Nghị quyết số 19-NQ/TW, xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội có khởi đầu nhưng không có kết thúc.

Do vậy xây dựng nông thôn mới sẽ đi vào chiều sâu, thực chất và bền vững hơn, gắn liền với quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên, với những đặc thù của Thủ đô, đặc biệt là những áp lực lớn trong xây dựng nông thôn mới Hà Nội vừa gìn giữ được những nét riêng truyền thống, vừa phát triển hiện đại, rất cần có sự chung tay của cả nước với Hà Nội.

Đây là quan điểm của nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hồ Xuân Hùng, một trong những người đặt nền móng cho Nghị quyết 26, trong buổi trao đổi với phóng viên TTXVN xung quanh vấn đề này.

- Được biết ông là một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng Nghị quyết Trung ương về nông nghiệp nông dân nông thôn. Vậy sau 15 năm, Nghị quyết 26 đi vào cuộc sống, ông thấy những điểm tích cực và hạn chế gì trong quá trình triển khai của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng?

Nguyên Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng: Trước hết phải nói rằng đây là một Nghị quyết đi vào cuộc sống nhanh nhất, mạnh mẽ nhất, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, không chỉ là nhân dân trong nước mà cả kiều bào ta ở nước ngoài.

Vì Nghị quyết được xây dựng vì nông dân, cho nông dân, đặt ra một chương trình lấy nông dân làm chủ thể, nông nghiệp là cơ bản. Với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn.

Xây dựng nông thôn mới vừa đảm bảo giữ được nét văn hóa truyền thống của nông thôn Việt Nam, vừa tạo môi trường mới điều kiện hạ tầng mới cho nông thôn Việt Nam trong thời điểm kinh tế hội nhập.

Chúng ta đã thu hút không chỉ là cả hệ thống chính trị mà điều rất quan trọng là tất cả những con em xa quê hương thành danh nơi xứ người đều có tâm nguyện đóng góp xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, sau 15 năm, bộ mặt nông thôn đã thay đổi rất rõ rệt, đời sống được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống.

[Hành trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội: Khởi đầu gian nan]

Trong nông nghiệp, giá trị sản xuất nông nghiệp được tăng cao, nông dân chuyển từ sản xuất cái mình có sang sản xuất cái thị trường cần. Tỷ lệ chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, giữa miền núi và miền xuôi, khoảng cách giàu nghèo được thu hẹp.

Có thể nói khái quát rằng Nghị quyết về nông nghiệp-nông dân-nông thôn đã làm cho người dân tin yêu Đảng hơn, cán bộ đảng viên gần gũi với người dân hơn, tạo ra sự bình đẳng, bác ái, thực hiện khát vọng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng-dân chủ-văn minh.

Trong cái chung đó, Hà Nội cũng đạt được những mục tiêu như vậy. Đặc biệt, vùng nông thôn ven đô của Hà Nội đã có những bước thay đổi trông thấy.

Nền nông nghiệp Hà Nội phát triển không chỉ đáp ứng cho tiêu dùng của thị trường mà còn giải quyết những vấn đề bức xúc ở nông thôn, việc làm cho người dân, khắc phục được tình trạng ly nông bất ly hương, tăng dân số cơ học…, tuy là chưa được như mong muốn.

Bên cạnh đó, trong xây dựng nông thôn mới Hà Nội vẫn giữ được những nét văn hóa bản sắc dân tộc qua việc gìn giữ phát triển các làng nghề, di sản văn hóa được tôn vinh nhiều hơn để thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Mặc dù vậy, mong muốn của Đảng ta là nhanh chóng nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân nhiều hơn nữa nhưng vẫn chưa đạt được như mong muốn. Công tác quy hoạch ở nông thôn nhiều nơi đang dở làng dở phố, bị bê tông hóa, tường hóa sau này mới được khắc phục. Đúng ra phải là xanh hóa nông thôn, thậm chí bây giờ nông thôn không ít là nhà nhà liền kề. Tình trạng ly nông ly hương ở nông thôn khiến nông thôn hoang vắng, thiếu lực lượng lao động trẻ, có kiến thức.

Trong 2 năm xảy ra dịch COVID-19, nông thôn là mái nhà và nông nghiệp là trụ đỡ cho nền kinh tế, trong tình huống xấu người dân phải trở về quê. Câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều người dân nông thôn phải bỏ đi tìm cuộc sống ở đô thị?

Nếu chúng ta giải quyết được tăng năng suất lao động trong nông nghiệp, hiệu quả trên mỗi ha đất, tạo cơ chế cho doanh nghiệp đầu tư về nông nghiệp nông thôn sẽ giải quyết được những vấn đề này. Hay công nghệ 4.0 phát triển như vậy người dân nông thôn lại rất thiệt thòi.

Vì nông dân Việt Nam thiếu chuyên nghiệp về nghề nông. Trong sản xuất nông nghiệp người nông dân không chủ động được trong cách thức sản xuất, đến thông tin thị trường, chuỗi liên kết sản xuất lại quá yếu dẫn đến người nông dân luôn chịu thiệt. Một thực tế là giá sản phẩm trên bàn ăn chênh lệch quá lớn so với giá sản phẩm do họ sản xuất.

Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa rồi mới giải quyết một số bức xúc đặt ra lâu nay, như vấn đề đất đai, đất trồng lúa không hiệu quả, đất lâm nghiệp, đất cho chăn nuôi… Một thực tế trong nhiều năm qua rào cản này làm chậm sự phát triển của nông thôn bây giờ mới được giải quyết.

Hà Nội cũng vấp phải cái đó không khác được, nhưng còn bị áp lực lớn hơn. Mặc dù, Hà Nội ít chịu bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu so với các địa phương khác nhưng lại bị áp lực lớn bởi đô thị hóa và công nghiệp hóa.

Vì vậy, người dân không chỉ mất đất sản xuất, mà còn mất cả đất ở. Di cư tự do đến đô thị tạm trú và lưu trú thường xuyên do những công việc phát triển đẩy nông thôn Hà Nội chịu nhiều áp lực lớn hơn. Trước thực trạng đó, người ta vẫn băn khoăn về sự phát triển rất chậm so với mong muốn của người dân, so với bước tiến của đô thị.

Hay là người ta rất mong muốn một số sản phẩm đặc trưng của Hà Nội không chỉ cho những người về thăm Hà Nội mà còn cho du khách quốc tế, cho ngay cả người dân Hà Nội, nhưng cũng chưa đáp ứng được. Phải nói rằng, những sản vật của cả nước đều mang về Hà Nội, nhưng của ngon vật lạ của Hà Nội đi ra nơi khác chưa được nhiều.

Vai trò của người dân là rất quan trọng mà trong quá trình tổ chức hiện chúng ta cần phải hiểu đúng về dân biết-dân bàn-dân làm-dân kiểm tra và dân hưởng thụ. Đây là 1 quá trình thể hiện vai trò chủ thể của người dân. Thực tế, còn có không ít địa phương này địa phương kia thiếu dân chủ khi đưa ra quyết định trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Dẫn đến nhiều nơi thiết chế văn hóa bị bỏ hoang, chợ xây dựng xong không ai họp…. làm cho người dân buồn lòng.

Xây dựng nông thôn mới Hà Nội: Khai thác tối đa các lợi thế ảnh 2Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

- Thưa ông, để giải quyết những tồn tại, bức xúc đó, Hà Nội cần phải làm gì và có những quyết sách như thế nào?

Nguyên Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng: Có thể nói, lãnh đạo Hà Nội trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua đã chỉ đạo rất quyết liệt đối với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, cả hệ thống chính trị vào cuộc, người dân đồng tình, điều đó không thể phủ nhận được.

Thế nhưng có một số vấn đề đáng ra Hà Nội làm được nhanh hơn. Thứ nhất, trên địa bàn Hà Nội rất nhiều các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu, các cơ sở đào tạo. Nhưng vận dụng trí tuệ đó như thế nào để phục vụ cho cư dân nông thôn, thúc đẩy phát triển nông nghiệp của Hà Nội thực sự là rất ít.

Thứ hai là gắn kết trong chuỗi sản phẩm, từ sản xuất đến tiêu dùng Hà Nội thuận lợi hơn nhiều địa phương khác, nhất là trong hai năm xảy ra dịch COVID-19, thương mại điện tử đã giúp cho chuỗi sản phẩm và người tiêu dùng tiếp cận người sản xuất nhanh hơn và kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Với thuận lợi như vậy, nhưng Hà Nội phát triển hơi chậm và chưa được như kỳ vọng. Có nhiều nguyên nhân; trong đó, có sự nhạy bén, tranh thủ cơ hội, lợi thế để phát triển của Hà Nội còn chậm.

Thứ ba, thật hiếm có một địa phương nào có số lượng làng nghề truyền thống nhiều như Hà Nội, với 42/57 làng nghề truyền thống. Đây là di sản rất quý của mỗi địa phương. Vì khi đến thăm một địa phương mọi người đều có nhu cầu muốn mua một sản phẩm đặc trưng mang về làm lưu niệm.

Quan trọng hơn cả là giải quyết việc làm tại chỗ cho cư dân nông thôn đảm bảo đời sống, an ninh trật tự xã hội tại địa phương. Hà Nội còn có nhiều danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa, đền chùa nhưng vẫn chưa phát huy được thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp nông thôn.

Muốn quảng bá phát triển làng nghề, du lịch gắn với nông thôn chính quyền địa phương hay người dân không thể làm được mà cần có sự vào cuộc của Nhà nước tạo điều kiện, môi trường, chính sách để hỗ trợ cho địa phương và người dân nông thôn Hà Nội phát triển.

Bên cạnh những thuận lợi, Hà Nội còn phải chịu áp lực mở rộng đô thị ra vô cùng lớn. Vấn đề đặt ra cho Hà Nội là phát triển nông thôn mới như thế nào?

Trong bối cảnh hội nhập thế giới, Hà Nội vừa phải gìn giữ bản sắc dân tộc vừa phát triển hiện đại, nhất là đối với thế hệ trẻ họ tiếp cận rất nhanh với văn hóa bên ngoài. Trong thời gian tới, triển khai Nghị quyết 19 là cơ hội để cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng sắp xếp lại, điều chỉnh lại toàn bộ những vấn đề này. Đặc biệt là công tác quy hoạch.

- Thưa ông, Hà Nội như ông vừa nói là rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế nông thôn mà Nghị quyết 19 đề ra, vậy Hà Nội nên tận dụng lợi thế đó như thế nào, cần phải có quyết sách gì để phát triển kinh tế nông thôn?

Nguyên Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng: Khái niệm về kinh tế nông thôn đã được thảo luận rất nhiều trong quá trình chuẩn bị và triển khai Nghị quyết 26 Trung ương 7 khóa X nhưng lúc đó chưa đưa ra thực hiện ngay mà phải đi từng bước. Kinh tế nông thôn không chỉ là nông nghiệp mà còn cả dịch vụ cho nông nghiệp, nông nghiệp dịch vụ cho các lĩnh vực khác nữa, trong đó có những cái mà trực tiếp nhất để tận dụng lao động nông thôn nhàn rỗi và hướng nông nghiệp, quá trình sản xuất của người nông dân, của cư dân nông thôn với thị trường, chuyển sang kinh tế nông thôn.

Chuyển sang kinh tế nông thôn, Hà Nội có nhiều thuận lợi, dân trí cao, điều kiện tiếp cận thị trường tốt hơn. Vì vậy, Hà Nội phải khai thác tối đa các lợi thế đó, hỗ trợ người dân nông thôn quảng bá thương hiệu, xây dựng được chuẩn mực cho sản phẩm. Đến Hà Nội là người ta sẽ mua được sản phẩm đó - đấy chính là cách để tận dụng lao động nhàn rỗi (phát triển làng nghề).

Ngoài ra, Hà Nội có thể tạo ra các sản phẩm mới du nhập từ địa phương khác, ví dụ, đến Thanh Hóa lại có khu du lịch được xây dựng giống như đi Hội An. Nếu Hà Nội làm như vậy sẽ có điều kiện tốt hơn, đặc biệt là gắn được cái du lịch tâm linh với du lịch sinh thái nông thôn.

Hiện nay, du lịch sinh thái nông thôn là nhu cầu rất lớn, không chỉ dành cho những người khá giả, mà ngay cả người có thu nhập thấp ở đô thị cũng có nhu cầu trải nghiệm, nhất là lớp trẻ. Đây chính là điều kiện để chuyển hướng sang kinh tế nông thôn, Hà Nội hoàn toàn có khả năng sẽ đi trước cả nước.

- Hà Nội là một trong những Thủ đô có diện tích lớn trên thế giới, nhưng sự phát triển không đồng đều, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều huyện ngoại thành sẽ lên thành quận. Theo ông, Hà Nội phải làm gì để vừa giữ bản sắc của vùng nông thôn Bắc bộ truyền thống, vừa xây dựng nông thôn mới hiện đại?

Nguyên Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng: Điều rất quan trọng phải làm là quy hoạch, kiên trì thực hiện theo quy hoạch, tránh tình trạng tùy tiện sửa đổi quy hoạch.

Hiện nay, khu vực nội đô và ven đô đã thấy biểu hiện của sự điều chỉnh quy hoạch không hợp lý. Bây giờ một số nơi còn đất để giãn dân, còn đất để mở rộng quy mô đô thị đừng dồn dân vào.

Một câu hỏi đặt ra vì sao người ta sẵn sàng sống nơi chật hẹp, ở khu trung tâm? Bởi vì các dịch vụ ở đấy tốt hơn, đáp ứng các nhu cầu.

Do vậy, quy hoạch mới phải đáp ứng được những yêu cầu đó. Khu quy hoạch mới giá cả cũng phải hợp lý, phù hợp với thu nhập của người dân. Khi làm quy hoạch cần phải rõ ràng cho các khu giãn dân, người thu nhập thấp, người thu nhập cao.

Đối với vùng ven đô, vùng nông thôn truyền thống cần phải quy hoạch sớm để khẳng định cái gì cần phải gìn giữ, cái gì được phép điều chỉnh sửa sang, thậm chí phá bỏ. Nếu những vấn đề này được đưa ra thảo luận dân chủ với người dân, tôi tin nhân dân sẽ đồng tình ủng hộ.

Tăng dân số cũng vậy, tăng dân số cơ học và tăng dân số tự nhiên, Hà Nội phải dành quỹ đất lớn để tính đến nhu cầu tăng dân số cơ học trong quá trình phát triển.

Chính phủ và Nhà nước cũng phải có cái trách nhiệm cao với Thủ đô. Ngay cả người dân sống ở thủ đô cũng phải có trách nhiệm với Thủ đô để xây dựng Thủ đô văn minh.

Đảng và Nhà nước đã có sự quan tâm, nhưng cần phải tính toán thêm để tạo tốc độ tăng trưởng nhanh hơn nữa cho Hà Nội, đặc biệt là khu vực ven đô, nông thôn không để chênh lệch quá mức như một số địa phương khác.

Nếu để chênh lệch quá mức người dân sẽ suy tính kiểu khác và ngược lại cũng không để khu vực này là nơi tập trung tệ nạn tiêu cực xã hội.

Do vậy, mọi người phải có trách nhiệm cùng với lãnh đạo Hà Nội cũng như các cơ quan, ban, ngành của Trung ương cũng phải có trách nhiệm với Hà Nội cùng gánh vác cùng chung sức mới giải quyết được.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục