Xây dựng nông thôn mới: Khó khăn khi 'hái quả cành cao'

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2010-2020, việc triển khai xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Xây dựng nông thôn mới: Khó khăn khi 'hái quả cành cao' ảnh 1Trẻ em xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, Nam Định vui chơi trên con đường làng nông thôn mới. (Ảnh minh họa: Công Luật/TTXVN)

Qua gần 10 năm triển khai, phong trào xây dựng nông thôn mới đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam theo hướng tích cực. Trong giai đoạn tiếp theo, việc đạt được các mục tiêu sẽ khó khăn hơn khi những địa phương còn lại đòi hỏi những chính sách đặc thù.

Đây là thông tin đưa ra tọa đàm “Bức tranh nông thôn sau 10 năm đổi mới” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 8/10, tại Hà Nội.

Bức tranh nông thôn khởi sắc

Tính đến nay, cả nước có gần 51% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 91 đơn vị cấp huyện thuộc 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Trong 10 năm xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã chú trọng đầu tư, nâng cấp hạ tầng nên tình hình kinh tế-xã hội ở các vùng nông thôn có chuyển biến rõ nét, nhất là trong công tác tổ chức sản xuất và chất lượng đời sống, sinh hoạt của người dân ngày được cải thiện. Nhiều cơ chế đầu tư ngày càng minh bạch, các tỉnh đã phát huy được vai trò làm chủ của người dân, các nguồn lực xây dựng nông thôn mới đã được huy động và sử dụng có hiệu quả.

Nam Định được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu về nông thôn mới trên cả nước, ông Nguyễn Doãn Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định khẳng định, nông dân có ổn định mới là nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Do đó, mục tiêu tổng quát xác định phấn đấu xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng hiện đại, kết nối đồng bộ với đô thị, người dân có thu nhập ổn định, có môi trường kinh xanh sạch đẹp, xã hội văn minh.

“Kinh tế nông nghiệp nông thôn đang được tái cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững. Nếu như trước đây sản xuất nông nghiệp chủ yếu là tự cung, tự cấp nhưng những năm gần đây Nam Định đang chuyển hướng vừa sản xuất tự tiêu dùng vừa sản xuất lớn làm hàng hóa. Nam Định phấn đấu đến năm 2025 có 7% xã đạt nông thôn mới nâng cao, ít nhất 5 huyện đạt nông thôn mới nâng cao,” ông Nguyễn Doãn Lâm nói.

Ông Trần Văn Môn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, dù mức độ đạt được các tiêu chí nông thôn mới khác nhau giữa các vùng miền nhưng nhìn chung bức tranh nông thôn Việt Nam khởi sắc, thay đổi từ không gian, cảnh quan, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã được nâng lên rõ rệt.

Gỡ khó bằng cơ chế đặc thù

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2010-2020, việc triển khai xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Đến nay, còn gần 50% các xã chưa hoàn thành nông thôn mới, đây chủ yếu là các xã ở vùng sâu, vùng xa cần suất đầu tư lớn.

Xây dựng nông thôn mới: Khó khăn khi 'hái quả cành cao' ảnh 2Các xã vùng sâu, vùng xa sẽ cần những cơ chế đặc thù để xây dựng nông thôn mới. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Ông Hoàng Trọng Thủy, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nông thôn cho rằng: "Xây dựng nông thôn mới trong 10 năm qua như những quả cây gần tầm tay hái, đẹp nhất chúng ta đã hái rồi. Giai đoạn hai sẽ là những 'quả' cao nhất, xa nhất và thậm chí là khó khăn nhất."

Ông Trần Văn Môn nhấn mạnh, các xã càng về sau chưa đạt nông thôn mới thì lại càng khó. Các địa phương này hầu hết đều có điều kiện dân cư thưa, địa hình vùng núi, vùng sâu vùng xa, dân ở rải rác. Một đỉnh đồi chỉ có chục hộ, nếu đầu tư đầy đủ điện, đường, nước thì rất khó.

“Giải pháp trước mắt sẽ nhân rộng, xây dựng đề án nông thôn mới ở cấp thôn, bản; tập trung vào 'hạt nhân' thôn, bản. Hiện nay, có nơi rộng bằng cả xã, thậm chí bằng mấy xã, do đó chúng ta đang tập trung thí điểm để có cơ chế chính sách hỗ trợ,”  ông Trần Văn Môn nói.

Theo ông Trần Văn Môn, các chính sách sẽ ưu tiên nguồn lực cho xã khó khăn gấp 4-5 lần, huy động thêm nguồn lực bằng cách lồng ghép các dự án giảm nghèo, sắp tới có chương trình dành riêng cho đồng bào dân tộc, các dự án tài trợ trong nước và quốc tế… Đặc biệt, phát huy lợi thế mỗi xã một sản phẩm đặc thù về du lịch, sản phẩm truyền thống, phát triển đề án du lịch gắn với nông thôn mới.

“Đối với đồng bào miền núi, phải có mô hình thực tiễn mới đem lại nhận thức đúng đắn. Tuyên truyền không mà không chỉ ra mô hình hiệu quả thì chắc chắc hiệu quả sẽ thấp,” ông Trần Văn Môn nói.

Đồng tình với chính sách chuyển hướng về bản, ông Hoàng Trọng Thủy cho rằng, cái mới của giai đoạn tiếp theo dứt khoát phải quy về bản, không chỉ chú ý đến các yếu tố tự nhiên, địa lý mà do nếu tập trung vào các yếu tố văn hóa thì cả cộng đồng sẽ bền bỉ nắm tay nhau đi về đến đích.

“Cần có cơ chế đặc thù cho những xã đặc biệt khó khăn gồm hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, tín dụng, đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở để phát triển sản xuất. Đặc biệt, cần bố trí khu dân cư để tránh được lũ quét, ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu. Sản xuất đảm bảo, tính mạng đảm bảo thì người dân mới bền bỉ theo đuổi các mục tiêu nông thôn mới,” ông Hoàng Trọng Thủy nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục