Xây dựng nông thôn mới: Tăng hiệu quả kinh tế, thu nhập cho nông dân

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh những kết quả đạt được trong chương trình xây dựng nông thôn mới không phải là đích đến mà là một quá trình cần được duy trì, nâng chất thương xuyên.
Xây dựng nông thôn mới: Tăng hiệu quả kinh tế, thu nhập cho nông dân ảnh 1Các đại biểu tham quan các sản phẩm nông nghiệp được giới thiệu tại hội nghị. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh đã huy động và phát huy hiệu quả mọi nguồn lực xã hội đầu tư vào phát triển nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở 5 huyện ngoại thành trong 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là kết quả nổi bật được nêu ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, do Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 28/11.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ năm 2010-2019, thành phố đã huy động được hơn 73.556 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế kinh tế-xã hội, đầu tư sản xuất; trong đó, vốn huy động từ xã hội đạt hơn 59.400 tỷ đồng, chiếm gần 81% tổng vốn huy động, vốn ngân sách thành phố hơn 14.000 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương hơn 61 tỷ đồng.

Song song đó, phong trào thi đua “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2010-2020 cũng huy động được cả hệ thống chính trị và người dân 5 huyện chung tay góp sức xây dựng nông thôn, với tổng kinh phí hỗ trợ 2.800 tỷ 924 triệu đồng; trong đó, vận động được hơn 26.000 hộ dân hiến đất, vật kiến trúc làm đường, với diện tích 2.972.304m2 ước kinh phí hơn 2.243 tỷ đồng, huy động các đơn vị được phân công hỗ trợ chung sức nông thôn mới với kinh phí 187 tỷ đồng; các hội, đoàn thể hỗ trợ đóng góp hơn 370 tỷ đồng.

Qua phong trào “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới” đã xuất hiện nhiều gương điển hình trong hiến đất làm đường, sản xuất giỏi, làm giàu, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, an sinh xã hội, phát triển giao thông nông thôn, thủy lợi nhỏ.

Là một trong những điển hình nông dân làm kinh tế giỏi, tích cực hưởng ứng phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, anh Nguyễn Văn Đổi, ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, cho biết chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp đã góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn; trong đó, có ấp đảo Thiềng Liềng.

Hưởng ứng Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, bản thân anh đã tìm tòi, nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả, năng suất trong việc làm muối.

Việc thiết kế hồ trữ nước từ mùa trước đã giúp thời gian kết tinh muối đầu vụ rút ngắn từ 30 ngày xuống còn 15 ngày và sản lựợng muối tăng thêm 30-40% so với cách làm cũ.

Tuy nhiên, nghề làm muối chỉ sản xuất được trong mùa khô nên gia đình anh tận dụng thời gian mùa mưa để nuôi tôm, nhờ đó thu nhập của gia đình tăng gấp đôi.

“Vươn lên từ nghèo khó, khi điều kiện kinh tế gia đình được cải thiện, tôi nghĩ phải tích cực hỗ trợ cho bà con trong ấp đang có cuộc sống khó khăn do chỉ dựa vào thu nhập từ nghề muối. Đến nay, gia đình tôi đã hỗ trợ cho 26 hộ có hoàn cảnh khó khăn trong ấp có vốn sản xuất và vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, tôi cũng hiến hơn 1ha đất để xây dựng đê bao và đường giao thông nông thôn, giúp bà con yên tâm sản xuất và thuận tiện trong đi lại," anh Đổi chia sẻ.

[Tồn tại nhiều bất cập trong quy hoạch vùng nông thôn Hà Nội]

Về kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tính đến tháng 11/2019, số tiêu chí đạt bình quân/xã là 18,73/19 tiêu chí.

Các tiêu chí quy hoạch; thủy lợi; điện; cơ sở vật chất văn hóa; cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; thông tin và truyền thông; thu nhập, hộ nghèo; lao động có việc làm; tổ chức sản xuất; giáo dục và đào tạo; ytế; văn hóa; nhà ở dân cư, Quốc phòng và an ninh đều đã đạt và vượt chuẩn.

Đến nay, 56 xã xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành và được phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới, tạo cơ sở để các xã đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội, triển khai đầu tư phát triển sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Cụ thể, thành phố đã đầu tư 9.188 công trình phục vụ phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội tại khu vực nông thôn; duy tu, nâng cấp, làm mới 741 công trình giao thông, với chiều dài 1.233,64 km, tổng vốn đầu tư là 5.164 tỷ 592 triệu đồng. Nhờ đó, bộ mặt các huyện ngoại thành đã thay đổi rõ rệt.

Theo ông Nguyễn Phước Trung, việc tập trung đầu tư vào giao thông và thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất; ban hành và triển khai thực hiện chương trình, đề án trọng điểm phát triển cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao cho từng giai đoạn; ưu tiên tập trung phát triển 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố đã khuyến khích nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, thực hiện chuyển đổi giảm diện tích lúa năng suất thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn.

Chẳng hạn như hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, bò sữa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân khu vực nông thôn mới đạt 23,17 triệu đồng/người thì đến năm 2019 mức thu nhập bình quân đã đạt 63,096 triệu đồng/người (tăng 2,72 lần so với năm 2010).

Là một trong những huyện có xuất phát điểm thấp, ông Nguyễn Văn Lưu, Bí thư huyện ủy huyện Nhà Bè thông tin trước khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Nhà Bè là huyện vùng trũng thường xuyên bị ngập nước, lầy lội trong mùa mưa.

Đến nay, từ nguồn lực đầu tư của thành phố và huy động xã hội hóa, Nhà Bè đã xây dựng, nâng cấp sửa chữa được hơn 1.000 tuyến đường, hẻm đảm bảo kết nối giao thông, lắp đặt được hơn 100km đường ống dẫn nước sạch đến từng hộ dân trong huyện.

Cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội được cải thiện đã thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển. Trong 10 năm qua, huyện đã thành lập được 10 tổ hợp tác và phát triển nhanh số lượng doanh nghiệp từ 900 lên 3.500 doanh nghiệp, không chỉ cải thiện thu nhập cho người dân địa phương mà còn đóng góp ngày càng nhiều hơn cho ngân sách nhà nước.

Xây dựng nông thôn mới: Tăng hiệu quả kinh tế, thu nhập cho nông dân ảnh 2Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phong trào “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tựu tốt trong việc thay đổi diện mạo các huyện ngoại thành, thúc đẩy hoạt động sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đô thị hóa, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, vẫn còn những thách thức không nhỏ như việc hoàn thành các chỉ tiêu chưa đạt như giao thông, hệ thống chính trị và tiếp cận giáo dục, trường học, môi trường và an toàn thực phẩm.

Thêm vào đó, cần đánh giá lại hiệu quả tổ chức sản xuất nông nghiệp bởi hiện nay, thu nhập của người nông dân mới chỉ bằng 1/3 thu nhập bình quân của toàn thành phố.

Trong khi đó, nếu sản xuất nông nghiệp không mang lại hiệu quả kinh tế thì nông dân sẽ bỏ nông thôn đến các khu công nghiệp, khi đó những thành quả của chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ không có người thụ hưởng.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh những kết quả đạt được trong chương trình xây dựng nông thôn mới không phải là đích đến mà là một quá trình cần được duy trì, nâng chất thường xuyên.

Do đó, thời gian tới, các sở ngành và 5 huyện ngoại thành cần tập trung khắc phục những tiêu chí chưa hoàn thành với mục tiêu đến cuối năm 2020, 56/56 xã đều phải đạt 19 tiêu chí và các huyện đều đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Tập giải quyết vấn đề môi trường và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tận dụng lợi thế cảnh quan nông thôn, nông nghiệp để phát triển du lịch để nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người nông dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục